Các cổ phiếu BII, TGG của họ nhà Louis từng là điểm nóng trên sàn chứng khoán trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2021. Ảnh: T.L
Liên quân anh em trong dự án 1.450 tỷ đồng
Dự án Nhà văn hóa Long Xuyên (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) có 4 nhà đầu tư tham gia, trong đó, các đối tác trong liên quân này đều có mối liên quan đến họ hàng nhà Louis.
Tổng vốn đầu tư của dự án lên đến 1.452 tỷ đồng, trong đó, vốn tự có của các đối tác góp vào là 450 tỷ đồng, vốn vay và vốn các nguồn khác là hơn 1.000 tỷ đồng. Với cơ cấu như trên, vốn tự có chiếm khoảng 31% tổng vốn của dự án.
Về đối tác góp vốn, Công ty Angimex (AGM) góp 50 tỷ đồng, tương đương 11,1% vốn góp; Công ty Louis Capital (TGG) góp 50 tỷ đồng, chiếm 11,1% vốn góp. Dự án có 2 đối tác nữa là Công ty Louis Land (BII) và Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH), mỗi công ty góp 175 tỷ đồng, tương ứng 38,9% cổ phần. Dự án sẽ được hạch toán riêng và phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn, được thể hiện trên hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Trong số các đối tác trong liên doanh, Angimex có Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Đỗ Thành Nhân, ông Nhân cũng đang nắm giữ 8,16% cổ phần tại đây. Ngoài ra, ông Nhân cũng đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của Louis Capital. Ngoài ra, Louis Capital cũng nắm tỷ lệ cổ phần ở Angimex mức khá với 4,6% và là cổ đông lớn thứ 3 tại doanh nghiệp này.
Tại Louis Land, ông Đỗ Thành Nhân trước đây cũng đã từng là thành viên Hội đồng quản trị, nhưng đã thoái bớt vốn và rút khỏi vị trí thành viên Hội đồng quản trị hồi giữa năm 2021. Tuy nhiên, ông Nhân hiện vẫn là 1 trong 4 cổ đông lớn nhất tại Louis Land.
Còn đối với Nhà Thủ Đức, trước đây, Louis Land chỉ là một cổ đông thường nắm giữ 3,86% cổ phiếu TDH của Nhà Thủ Đức, nhưng vừa mua thêm để sở hữu lên 5,16% vào cuối tháng 9/2021, theo đó đã trở thành cổ đông lớn nhất tại công ty bất động sản này.
“Thể trạng” của anh em nhà Louis
Theo kế hoạch ban đầu, Dự án Nhà văn hóa Long Xuyên chỉ có 3 đối tác góp tổng cộng 250 tỷ đồng vốn tự có vào dự án. Trong đó, Angimex góp 50 tỷ đồng, tương đương 20% vốn tự có của dự án; Louis Capital góp 50 tỷ đồng, cũng chiếm 20% vốn tự có. Số còn lại, Louis Land góp 150 tỷ đồng, tương đương 60% vốn tự có của dự án.
Tổng giá trị cả 3 đối tác góp vào dự án là 250 tỷ đồng, chiếm khoảng hơn 17% tổng giá trị đầu tư của dự án này. Như vậy, Nhà Thủ Đức là đối tác mới được gọi thêm vào sau trong liên doanh này.
Angimex cho biết, việc hợp tác với đối tác khác như Louis Capital và Louis Land để triển khai dự án này là vì Angimex là doanh nghiệp xuất khẩu gạo, vốn và kinh nghiệm về lĩnh vực xây dựng - bất động sản đều không mạnh. Vậy, thực lực của những đối tác họ Louis hiện ra sao?
Về Louis Land, tên trước đây là Louis Holidings và tên trước nữa là Công ty cổ phần Bảo Thư Bidico. Doanh nghiệp thành lập từ năm 2012, công ty tự giới thiệu là đang đầu tư vào 2 lĩnh vực bất động sản dân dụng và bất động sản công nghiệp. Trong khi đó, thực tế các số liệu tài chính cho thấy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này mấy năm nay cũng không ổn định cho lắm.
Tổng tài sản của Louis Land tại ngày 30/6/2021 là 933 tỷ đồng, nhưng giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp tại thời điểm này chỉ có 4,7 tỷ đồng. Trong báo cáo kết quả kinh doanh, công ty có doanh thu thuần 159 tỷ đồng nửa đầu năm 2021, nhưng nửa đầu năm ngoái, doanh nghiệp này không có đồng doanh thu nào.
Lật lại báo cáo tài chính cả năm 2020, công ty cũng vẫn có được khoản doanh thu trong cả năm 2020 là hơn 69 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu cả năm 2019 chỉ mang tính chất tượng trưng với khoảng gần 13 tỷ đồng (tại thời điểm này, vốn chủ sở hữu của Louis Land đã ở mức 514 tỷ đồng và tổng tài sản là 727 tỷ đồng).
Báo cáo tài chính mấy năm gần đây - từ khi là Bảo Thư Idicon cho đến khi là Louis Holdings và Louis Land ngày nay - đều có khá nhiều các ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh của kiểm toán.
Trong nội dung nhấn mạnh tại báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021, kiểm toán viên cho biết: “Mặc dù công ty đã có kế hoạch tiếp tục triển khai các dự án, các cam kết và thông tin tài chính khác, nhưng chúng tôi cũng muốn lưu ý về tiến độ thực hiện các dự án này trên thực tế”.
Ngoài ra, kiểm toán viên cũng lưu ý vấn đề là công ty đã dùng toàn bộ vốn góp chủ sở hữu tại một số công ty con để chi trả cho một số cá nhân, tổ chức và điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn vốn kinh doanh còn lại trong việc duy trì và hoạt động kinh doanh bình thường của công ty.
Đó là chuyện của Louis Land, còn với người anh em trong liên doanh là Louis Capital thì sao? Tổng tài sản của Louis Capital tại ngày 31/6/2021 có giá trị 302 tỷ đồng, nhưng tài sản cố định chỉ có 343 triệu đồng. Trước đó, doanh thu thuần cả năm 2020 đạt hơn 10,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2020 âm 43,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khoản hơn 10 tỷ đồng doanh thu nêu trên thì có đến gần 8 tỷ đồng không được công ty kiểm toán thừa nhận. Tại báo cáo kiểm toán năm 2020, kiểm toán viên nêu ý kiến ngoại trừ cho biết, công ty phát sinh nghiệp vụ bán hàng cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển 299 và đang ghi nhận doanh thu gần 8 tỷ đồng.
Kiểm toán viên cho biết, việc ghi nhận doanh thu như trên là không phù hợp với các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam và các quy định pháp lý liên quan. Nếu số doanh thu trên không được ghi nhận thì chỉ tiêu “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” trên báo cáo tài chính 2020 sẽ phải ghi giảm số tiền gần 8 tỷ đồng./.
Cổ phiếu BII và TGG “nhảy múa” trên sàn chứng khoán
Cổ phiếu BII của Louis Land và TGG của Louis Capital đều là những chứng khoán “nhảy múa” với nhịp điệu mạnh trên sàn chứng khoán thời gian vừa qua.
Giữa tháng 8, cổ phiếu BII chỉ ở mức quanh mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhưng tăng giá dựng đứng trong giai đoạn từ giữa tháng 8 và vượt mốc 30.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 20/9. Tuy nhiên, cổ phiếu này đang trong giai đoạn đảo chiều đi xuống từ 21/9 đến nay.
Trong khi đó, “vũ điệu” của cổ phiếu TGG thậm chí còn ngoạn mục hơn. Cuối tháng 7, cổ phiếu này cũng chỉ quanh mức trên 10.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó tăng giá liên tục và chạm đỉnh 74.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 22/9, trước khi quay đầu giảm giá trong những ngày cuối tháng 9.