Những nguyên nhân nào kéo Lào vào tình trạng nợ nần đáng ngại hiện tại?

01/08/2022 08:46

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân dẫn đến nguy cơ vỡ nợ tại Lào là do bộ máy nhà nước quản trị kém, nợ nần nghiêm trọng và dự trữ ngoại hối không còn đủ để thanh toán các khoản nợ nước ngoài đến hạn.

Nền kinh tế Lào, với dân số 7,5 triệu người, đang rơi vào khủng hoảng nặng nề và có nguy cơ phá sản khi giá dầu tăng cao và đồng nội tệ mất giá mạnh, khiến nhiều nơi thiếu hụt nhiên liệu.

Tuy nhiên, điều lo ngại nhất ở quốc gia Đông Nam Á này là nợ quốc gia cao ngất ngưỡng, trong khi dự trữ tiền mặt đang dần cạn kiệt và lạm phát không ngừng gia tăng. Những rủi ro này có thể khiến Lào trở thành quốc gia châu Á vỡ nợ tiếp theo, sau Sri Lanka.

Hãng tin Bloomberg dẫn lo ngại của bà Anushka Shah - Phó Chủ tịch Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s - rằng Lào “đang ở bên bờ vực vỡ nợ”.

Thực trạng nguy cơ vỡ nợ tại Lào

Theo thông tin đăng trên trang web chính thức của Moody’s vào ngày 14-6, tổ chức này đã hạ xếp hạng tín dụng của Lào từ "Caa2" xuống mức "Caa3" - chất lượng tín dụng kém và rủi ro rất cao. Lý do vì quản trị kém, nợ nần nghiêm trọng, hơn nữa dự trữ ngoại hối cũng không đủ để thanh toán các khoản nợ nước ngoài đến hạn.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), thời điểm tháng 12-2021 dự trữ ngoại hối của Lào là 1,48 tỉ USD, nhưng đến năm 2025 tổng nợ nước ngoài Lào phải trả hàng năm đã xấp xỉ con số này, vào khoảng 1/2 tổng thu nhập quốc nội.

Trong một năm qua, giá đồng Kip của Lào giảm 36% so với đồng USD. Bên cạnh đó, kể từ năm 2014 đến nay, Lào đã phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, chạm mức 12,8% vào tháng 6, cao nhất trong vòng 18 năm qua và đang là một trong những nước có mức lạm phát cao nhất tại Đông Nam Á.

Dù lạm phát là tình trạng chung trên toàn cầu song đối với một nước khó khăn như Lào - hơn 1/3 dân số có mức thu nhập dưới mức trung bình thấp - thì đây là một đòn mạnh.

Một số chuyên gia nhấn mạnh việc thâm hụt tài khoản vãng lai nhiều năm đồng nghĩa với việc Lào thiếu USD để thanh toán hàng hóa nhập khẩu.

Người dân xếp hàng chờ mua xăng tại một trạm xăng ở Vientiane (Lào) ngày 14-5. Ảnh: BLOOMBERG

Do đồng nội tệ liên tục mất giá, Lào không thể nhập khẩu nhiên liệu đầy đủ, nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng, người dân xếp hàng dài chờ đợi ở các trạm xăng. Theo các hãng truyền thông Lào, mỗi tháng nước này cần 120 triệu lít xăng mới để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng số lượng nhập khẩu thực tế chưa đến một nửa so với nhu cầu.

Vào tháng 6, giá xăng RON-95 tại Lào đã vượt ngưỡng 1,6 USD/lít (khoảng 40.000 VNĐ) đây là mức giá xăng cao thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ xếp sau Singapore.

Ngoài ra, ngay từ năm 2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo nợ công của Lào cao, rủi ro vỡ nợ rất lớn.

Theo tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings (Mỹ) vào năm 2020, ước tính nợ cộng của Lào khoảng 12,6 tỉ USD, tương đương 65% GDP (giá trị tổng sản phẩm quốc nội).

Tổng số nợ công của Lào hiện đang chiếm khoảng 2/3 tổng GDP hàng năm, một con số quá cao. Đồng thời các khoản nợ đáo hạn ngày càng tăng, dự kiến từ năm 2021 đến 2025, Lào phải thanh toán các khoản nợ đáo hạn là từ 1-1,3 tỉ USD, theo Bloomberg.

Những lý do nào kéo Lào đến bờ vực vỡ nợ?

Bloomberg dẫn nhận định một số chuyên gia rằng các nguyên nhân kéo Lào đến bờ vực vỡ nợ chủ yếu do bộ máy nhà nước quản trị kém, nợ nần nghiêm trọng và dự trữ ngoại hối không còn đủ để thanh toán các khoản nợ nước ngoài đến hạn.

Lào hiện đang có hai nguồn nợ chính, thứ nhất là các khoản vay từ các tổ chức thế giới như WB, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), cũng như các nhà tài trợ song phương khác.

Tuy nhiên tất cả khoản nợ trên cũng không thể sánh bằng khoản nợ nước ngoài Lào vay để xây dựng hạ tầng. Đây là nguồn nợ thứ hai và cũng là lớn nhất của nước này.

Theo số liệu của Bộ tài chính Lào vào năm 2020, nợ công và nợ được chính phủ bảo lãnh đã lên tới con số 13,3 tỉ USD, tương đương 72% GDP. Cũng trong năm này, theo số liệu của WB, chính phủ Lào đã trích 39,2% tổng thu ngân sách để thanh toán nợ công nước ngoài.

Đến năm 2021, WB cho biết nợ công của Lào đã lên tới 14,5 tỉ USD.

Người dân xếp hàng dài chờ để mua nhiên liệu tại một trạm xăng ở Vientiane (Lào) ngày 17-5. Ảnh: REUTERS

Tình hình càng tồi tệ hơn khi đến năm 2021, đại dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng tại Lào. Chưa kịp phục hồi sau đại dịch thì tới đầu năm 2022, Lào lại tiếp tục chịu sự ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, khiến giá cả leo thang đột biến.

Trong năm 2022, Quốc hội Lào thông qua ngân sách đặt mục tiêu trả nợ trong và ngoài nước lần lượt lên tới 7,15 tỉ Kip và 1,59 tỉ USD.

Theo tờ Vientiane Times, tính đến ngày 31-5, Lào đã thanh toán được 1,6 tỉ Kip nợ trong nước, đạt 24,53% mục tiêu thanh toán nợ trong nước trong năm 2022. Nợ nước ngoài đã thanh toán được 137,90 triệu USD, chỉ đạt 8,62% kế hoạch.

Trong khi đó, theo WB, dự trữ ngoại hối của Lào chỉ còn khoảng 1,48 tỉ USD, và chỉ sáu tháng sau đã cạn xuống còn khoảng 864 triệu USD, theo tờ Financial Times. Điều này làm hạn chế khả năng trả nợ của Lào, thậm chí các khoản thanh toán hàng hóa nhập khẩu của Lào bằng USD cũng sẽ gặp khó khăn.

Tình trạng của Lào diễn ra tương tự như ở Sri Lanka một vài tháng trước khi đất nước Nam Á này tuyên bố vỡ nợ và rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị do chính phủ không còn tiền để nhập nhiên liệu, thực phẩm, thuốc men và các mặt hàng khác. Trong đó có mặt hàng quan trọng nhất là xăng.

Tuy vậy, trong bài đăng hôm 20-6 trên Vientiane Times, chính phủ Lào khẳng định rằng tình hình nợ công của Lào đang trong tầm kiểm soát.

“Chính phủ Lào xin hứa việc quản lý nợ công vẫn đang ở mức độ an toàn cao. Chúng tôi sẽ không để Lào thành một quốc gia vỡ nợ” - ông Bounchom Ubonpaseuth – Bộ trưởng Tài chính Lào tuyên bố tại kỳ họp thứ 3, quốc hội khóa 4.

Bộ trưởng Ubonpaseuth cũng đảm bảo thêm rằng chính phủ Lào vẫn có đủ tiền để trả nợ cho đến tháng 8-2022.

Bạn đang đọc bài viết "Những nguyên nhân nào kéo Lào vào tình trạng nợ nần đáng ngại hiện tại?" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).