Những yếu tố có khả năng gây bệnh hoại tử xương hàm mặt liên quan đến hậu COVID-19 và cách nhận biết

22/07/2022 16:54

Hoại tử xương hàm ở bệnh nhân mắc COVID-19 chỉ là giả thuyết ban đầu dựa trên bằng chứng lâm sàng. Tuy nhiên, chuyên gia chỉ ra 4 yếu tố nguy cơ được nghi ngờ. Nhà khoa học Ai Cập Haytham Al-Mahalawy đưa ra bốn yếu tố có khả năng gây bệnh hoại tử xương hàm mặt liên quan đến hậu COVID-19.

Cách nhận biết và phòng tránh bệnh hoại tử xương hàm, xương sọ
Bệnh nhân bị hoại tử xương sọ, hàm, mặt được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - Ảnh: T.HIẾN

Ngày 14-6, thư viện y khoa điện tử của Mỹ PubMed (nơi công bố các công trình nghiên cứu có giá trị trong y học thế giới) đã đăng tải nghiên cứu của nhà khoa học Ai Cập Haytham Al-Mahalawy, trưởng bộ môn răng hàm mặt và khoa phẫu thuật răng hàm mặt, Đại học Fayoum, Ai Cập, về 12 trường hợp bị hoại tử xương hàm trên sau các giai đoạn nhiễm SARS-CoV-2 trong thời gian từ tháng 1 đến 8-2021.

12 trường hợp được báo cáo có biểu hiện hoại tử xương hàm, cả 12 người đều có ít nhất một bệnh nền mãn tính và được kê toa corticosteroid dựa trên phác đồ điều trị bệnh COVID-19.

Thời gian bắt đầu xuất hiện các triệu chứng hoại tử xương trung bình là 3-12 tuần tính từ ngày xét nghiệm PCR âm tính.

Việc xử trí được thực hiện thành công thông qua phẫu thuật khử trùng, kháng sinh trước và sau phẫu thuật. Không có thuốc chống nấm nào được kê, nuôi cấy nấm và báo cáo mô bệnh học là âm tính với nấm.

Qua nghiên cứu, tác giả đưa ra bốn yếu tố có khả năng gây bệnh hoại tử xương hàm mặt liên quan đến hậu COVID-19.

Yếu tố chính là virus. Tế bào đường hô hấp trên có nhiều thụ thể ACE-2 nên virus SARS-CoV-2 dễ dàng tấn công và gây phản ứng viêm quá mức, tăng cytokine và rối loạn điều hòa miễn dịch, tạo các huyết khối vi mạch và trạng thái tăng đông máu, làm vùng hàm mặt bị tổn thương và thiếu máu nuôi dưỡng, dẫn đến hoại tử xương.

Thứ hai là các loại thuốc được sử dụng để điều trị hội chứng viêm quá phát và cơn bão cytokine, đó là các corticosteroid và các loại thuốc sinh học như Tocilizumab, kháng thể đơn dòng.

Corticosteroid có tác dụng phụ làm kéo dài thời gian nhiễm virus và còn giảm mật độ xương, loãng xương, nếu dùng trong thời gian dài có khả năng gây hoại tử xương.

Thứ ba là các bệnh bội nhiễm do vi khuẩn hoặc nấm. Khi nhiễm COVID-19 làm tổn thương niêm mạc các xoang nằm cạnh xương hàm, là cửa ngõ để vi khuẩn, vi nấm xâm nhập vào xương.

Thứ tư là các bệnh nền mãn tính kèm theo, đặc biệt là bệnh đái tháo đường, làm suy giảm thêm khả năng miễn dịch tại chỗ và bẩm sinh của cơ thể.

Còn theo PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Trưởng Bộ môn Nhi, Trường đại học Y Dược TPHCM, Trưởng khoa Điều trị COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM thì thế giới mới ghi nhận 80 trường hợp mắc bệnh lý hoại tử xương hàm và chưa có một nghiên cứu đầy đủ, bằng chứng cụ thể, chính xác nào khẳng định bệnh này có liên quan tới COVID-19. Tất cả chỉ là giả thuyết ban đầu dựa trên bằng chứng lâm sàng. Cụ thể, có 4 yếu tố nguy cơ được nghi ngờ dẫn đến hoại tử xương hàm ở bệnh nhân mắc COVID-19:

- Có thể do virus SARS-CoV-2 bám vào thụ thể ACE-2, tập trung ở niêm mạc mũi, miệng; làm tắc vi mạch máu nuôi xương hàm. Người mắc COVID-19 gặp tình trạng đông máu, gây tắc mạch máu không nuôi dưỡng tốt xương.

- Do việc sử dụng thuốc kháng viêm (corticoid).

- Do tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.

- Người bệnh bị tiểu đường gây biến chứng mạch máu, giảm sức đề kháng nên cơ thể dễ bội nhiễm.

Theo PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, người sau mắc COVID-19 cần chú ý tới hiện tượng hoại tử xương hàm khi thấy các dấu hiệu đau dai dẳng ở các xương lớn, đột ngột không thể ngồi bắt chéo chân, thay đổi dáng đi, khập khiễng. Đặc biệt, những người mắc COVID-19 nặng và sử dụng thuốc có thành phần corticoid trong thời gian dài điều trị thì nên đi thăm khám ngay.

Người lớn tuổi cần kiểm soát tốt bệnh nền (uống thuốc tiểu đường, kháng đông, ung thư đầy đủ); vệ sinh răng miệng kỹ, đúng cách; hạn chế các loại thuốc không cần thiết, dùng kéo dài và cuối cùng là điều trị tốt các bệnh nhiễm khuẩn vùng răng miệng.

Mới đây, ngày 14/7, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM và Bệnh viện Chợ Rẫy về báo cáo tình hình người bệnh hoại tử xương hàm; yêu cầu thành lập hội đồng chuyên môn để xem xét, xác định nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan đến bệnh lý trên.

Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM, 5 tháng đầu năm nay có 16 ca hoại tử xương hàm nhập viện chưa xác định được nguyên nhân. Còn ở Bệnh viện Chợ Rẫy, có 2 bệnh nhân tử vong trong 11 ca bệnh được điều trị tại đây. Theo các bác sĩ, hiện chưa có bằng chứng nào để chứng minh những ca bệnh hoại tử xương hàm gần đây do COVID-19 gây ra, tuy nhiên nhiều nhà lâm sàng đánh giá có yếu tố liên quan COVID-19.

Bạn đang đọc bài viết "Những yếu tố có khả năng gây bệnh hoại tử xương hàm mặt liên quan đến hậu COVID-19 và cách nhận biết" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).