Sở hữu 45 lô trái phiếu “nhiều không”
Theo dữ liệu Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) được tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến ngày công bố thông tin 30/09/2022, có 25 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng, với tổng giá trị gần 15.600 tỷ đồng.
Ngân hàng tiếp tục là nhóm dẫn đầu với tổng giá trị phát hành hơn 9.600 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) phát hành nhiều nhất trong tháng 9/2022 với 3.090 tỷ đồng.
Cụ thể, vào ngày 8/9/2022, Vietinbank phát hành lô trái phiếu CTGL2232013, kỳ hạn 10 năm, giá trị 90 tỷ đồng. Đến ngày 15/9/2022, Vietinbank tiếp tục phát hành lô trái phiếu CTGL2232014, kỳ hạn 8 năm, đáo hạn vào 15/9/2030, giá trị 3.000 tỷ đồng.
Trước đó trong năm 2022, Vietinbank cũng đã phát hành 12 lô trái phiếu khác với tổng giá trị 1.125 tỷ đồng, có kỳ hạn từ 8 đến 15 năm.
Theo HNX, tính cả 14 lô trái phiếu mới được Vietinbank phát hành trong năm 2022 thì hiện nhà băng này đang lưu hành 45 lô trái phiếu dài hạn với tổng giá trị 20.919 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này chủ yếu là loại trái phiếu không kèm chứng quyền, không chuyển đổi, không bảo đảm. Mục đích phát hành là nhằm tăng vốn cho ngân hàng này.
Nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, tổng thu nhập hoạt động của VietinBank trong 9 tháng đầu năm đạt 47.335 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý 3/2022, tổng thu nhập hoạt động đạt 17.324 tỷ, tăng 41,4%.
Sau khi trừ các chi phí, Vietinbank báo lãi trước thuế hơn 15.764 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm tăng 13,3% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối quý 3/2022, tổng tài sản Vietinbank đạt hơn 1,75 triệu tỷ đồng, tăng 14,3% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 10,1% lên hơn 1,245 triệu tỷ đồng.
Tiền gửi khách hàng tăng 2,4% đạt gần 1,190 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tăng 4,7% lên 236.347 tỷ đồng và chiếm 19,9% tổng tiền gửi khách hàng. Tiền gửi có kỳ hạn tăng 1,9%, đạt hơn 946.390 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, Vietinbank trích lập 18.630,5 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 33% so với cùng kỳ. Theo VietinBank, chi phí dự phòng tăng mạnh do ngân hàng chủ động nhận diện rủi ro và chuyển nhóm nợ phù hợp với mức độ rủi ro của khách hàng, đồng thời thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo đúng quy định của NHNN để chủ động các phương án xử lý nợ.
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng nợ xấu nội bảng của của VietinBank đã tăng thêm 3.351,3 tỷ đồng lên 17.651,7 tỷ đồng, tăng mạnh 23,4% so với hồi đầu năm. Qua đó, kéo tỉ lệ nợ xấu từ 1,26% hồi đầu năm nhích lên 1,42%.
Đáng lo ngại, trong cơ cấu nợ xấu của Vietinbank ghi nhận sự dịch chuyển sang Nợ có khả năng mất vốn (Nợ nhóm 5). Cụ thể, Nợ dưới tiêu chuẩn (Nợ nhóm 3) giảm hơn 57% xuống còn gần 3.040 tỷ đồng; Nợ nghi ngờ (Nợ nhóm 4) tăng 9,7% lên mức hơn 2.198 tỷ đồng. Trong khi đó, Nợ có khả năng tăng đột biến gấp 2,4 lần so với hồi đầu năm lên mức 12.413,7 tỷ đồng, chiếm tới hơn 70% tổng nợ xấu của Vietinbank.
Ngoài ra, Nợ cần chú ý (Nợ nhóm 2) của Vietinbank cũng ghi nhận tăng thêm 88,2% so với hồi đầu năm lên mức gần 22.406 tỷ đồng.
|