Nốt trầm các doanh nghiệp bất động sản trong nửa năm hồi phục kinh tế sau đại dịch

04/08/2022 09:13

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp địa ốc không mấy khả quan vì kinh doanh BĐS gặp khó trong nửa đầu năm. Một số đơn vị phát triển khu công nghiệp cũng báo lãi giảm do ảnh hưởng của mảng nhà ở trong khi phân khúc chính là khu công nghiệp vẫn tăng trưởng tốt.

Nửa đầu năm nay, mặc dù chứng kiến nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch, thị trường bất động sản vẫn gặp khó do ảnh hưởng của môi trường vĩ mô và những biến động trên thị trường vốn. 

Thống kê hơn 100 doanh nghiệp bất động sản đại chúng đã công bố báo cáo tài chính, các doanh nghiệp báo lãi giảm hoặc lỗ sau thuế sau hai quý kinh doanh chiếm hơn 54%, tăng nhẹ so với cuối quý I/2022.  

 

Lợi nhuận các doanh nghiệp lao dốc vì khó bán bất động sản

 

Chiếm phần lớn trong danh sách những doanh nghiệp giảm lãi sâu nhất nửa đầu năm là nhóm doanh nghiệp bấy động sản kinh doanh mảng địa ốc.

Trong đó, Năm Bảy Bảy (NBB) là doanh nghiệp ghi nhận mức giảm lãi sâu nhất 99%, từ 163 tỷ đồng cùng kỳ còn gần 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu thuần của công ty cũng giảm gần 70% còn 169 tỷ đồng.

Nửa đầu năm, doanh thu, lợi nhuận của Năm Bảy Bảy chủ yếu đến từ dự án Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Đây cũng là dự án sẽ đóng góp chính cho kết quả kinh doanh của công ty trong năm nay, theo chia sẻ của Ban lãnh đạo công ty. Các dự án khác sẽ có điểm rơi doanh thu vào giai đoạn năm 2023 - 2025.

Hudland (HLD) cũng báo lãi giảm 91% còn 924 triệu đồng. Trong kỳ, doanh thu thuần của công ty đều đến từ các dự án, giảm hơn 75% so với cùng kỳ, đạt 11,6 tỷ đồng. 

Tương tự Hudland, lợi nhuận của Nam Mê Kông (VC3) sụt giảm do doanh thu kinh doanh bất động sản giảm mạnh. Riêng trong quý II, doanh thu mảng này đã giảm hơn 94%, đồng thời, các mảng bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cũng giảm so với cùng kỳ. 

Hay Thuduc House (TDH) ghi nhận doanh thu bán hàng bất động sản giảm từ 305 tỷ đồng còn 6,5 tỷ đồng, kéo tổng doanh thu thuần của công ty giảm 93%, đạt 29,9 tỷ đồng. 

Nhờ ghi nhận các khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư và dự phòng chi phí khấu hao, công ty thoát lỗ và báo lãi sau thuế 42,6 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ. 

10-doanh-nghiep-bat-dong-san-co-lai-giam-sau-nhat-trong-6-thang-dau-nam-1659578400.png
 

Ngoài các doanh nghiệp địa ốc nói trên, một số đơn vị phát triển bất động sản khu công nghiệp có tham gia đầu tư nhà ở cũng báo lãi giảm, trong khi nguồn thu chính từ khu công nghiệp vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ.

Đơn cử, D2D ghi nhận lãi giảm mạnh trong khi nguồn thu chính từ cho thuê hạ tầng khu công nghiệp tăng nhẹ. Nguyên nhân là doanh thu bán hàng tại các dự án khu dân cư giảm, công ty cũng không ghi nhận doanh thu tại dự án Khu dân cư Lộc An, kéo theo tổng doanh thu thuần giảm 80% so với cùng kỳ. 

Hay như KCN Tín Nghĩa (TIP) báo lãi giảm 71% so với cùng kỳ chủ yếu do hụt nguồn thu từ Khu dân cư 18 và hoạt động kinh doanh đất nền tại công ty con, trong khi đó, nguồn thu chính từ thu phí cơ sở hạ tầng vẫn tăng trưởng 2%. 

Ở chiều ngược lãi, doanh thu thuần của Vinahud (VHD) trong nửa đầu năm đã đạt mức tăng 170% so với cùng kỳ nhờ chiến lược tái cơ cấu, mở rộng thêm hoạt động kinh doanh. 

Song, việc tái cơ cấu này cũng khiến các chi phí tăng cao, đồng thời công ty không có khoản hoàn nhập dự phòng như cùng kỳ năm ngoái, từ đó kéo lợi nhuận giảm 94%.

KCN Dầu khí Long Sơn (PXL) cũng là doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ, chủ yếu tăng ở hoạt động cho thuê tài sản, song, giá vốn cao cùng chi phí quản lý tăng mạnh do phát sinh chi phí dự phòng phải thu khó đòi, lợi nhuận công ty giảm 97%.  

Tương tự tại CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), doanh thu thuần công ty tăng nhẹ, chủ yếu nhờ mảng cho thuê lại đất, cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, giá vốn cùng chi phí quản lý đều tăng khiến công ty báo lãi giảm 84% so với cùng kỳ. 

 

Chi phí tăng cao kéo nhiều đơn vị lỗ đậm dù doanh thu tăng trưởng

 

Theo thống kê, 76% các doanh nghiệp lỗ sau thuế ghi nhận mức lỗ đậm hơn so với cùng kỳ, hoặc báo lỗ trong khi cùng kỳ có lãi.  

10-doanh-nghiep-bat-dong-san-lo-dam-nhat-trong-6-thang-dau-nam-1659578523.png
 

Trong đó, FLC cùng FLC Homes (FHH) đều báo lỗ sau thuế sau 6 tháng đầu năm. Theo FLC, kết quả này là do công ty đang trong quá trình cơ cấu lại các mảng kinh doanh và thay đổi nhân sự lãnh đạo chủ chốt. 

Bên cạnh đó, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp tăng do hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng đang mùa cao điểm, cùng với khoản lỗ 312 tỷ đồng từ mảng đầu tư hàng không. 

Chi phí, giá vốn tăng cao cũng là nguyên nhân Licogi 14 (L14), Ocean Group (OGC)Louis Land (BII) báo lỗ trong khi doanh thu thuần trong kỳ vẫn đạt tăng trưởng tốt và cùng kỳ năm 2021 báo lãi.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của cả ba doanh nghiệp này đều là từ hoạt động bán hàng hóa, tăng mạnh so với cùng kỳ. 

Mặt khác, chi phí tài chính tăng vọt trong khi doanh thu thuần giảm 99% khiến Nhà Đà Nẵng (NDN) lỗ sau thuế gần 91 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 133 tỷ đồng.

Nguồn thu trong kỳ của Nhà Đà Nẵng đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ, đạt gần 1,4 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu chuyển nhượng bất động sản âm gần 126 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 đạt 234 tỷ đồng. 

Victory Capital (PTL) lỗ sau thuế 4,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 17 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu thuần giảm 35% so với cùng kỳ. Riêng trong quý II, công ty không phát sinh doanh thu từ kinh doanh bất động sản, nguồn thu chính trong cùng kỳ. 

Về phần Samland (SLD), mặc dù doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 55% so với cùng kỳ, song, do ghi nhận thêm hơn 12 tỷ đồng giảm trừ do hàng bán bị trả lại, doanh thu thuần của công ty giảm 71% và khiến công ty lỗ sau thuế 42,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lãi.

Bạn đang đọc bài viết "Nốt trầm các doanh nghiệp bất động sản trong nửa năm hồi phục kinh tế sau đại dịch" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).