Nửa đầu năm 2022, hàng lậu, hàng giả tăng cả về số vụ và giá trị tịch thu

26/07/2022 12:06

Trong 6 tháng đầu năm 2022, nhóm hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, vi phạm sở hữu công nghiệp, an toàn thực phẩm có xu hướng gia tăng về cả số vụ và trị giá hàng hóa tịch thu.

Báo cáo kết quả, tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, nửa đầu năm dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, số vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, găng tay, thuốc phòng, chữa bệnh, test nhanh Covid-19... giảm mạnh. Tuy nhiên, nhóm hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, vi phạm sở hữu công nghiệp, an toàn thực phẩm có xu hướng gia tăng về cả số vụ và trị giá hàng hóa tịch thu. Nhóm mặt hàng vi phạm chủ yếu do lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý là thuốc lá điếu, thực phẩm (đường cát), mỹ phẩm, phân bón, đồ may mặc, đồ chơi trẻ em…

Đáng chú ý, thời tiết chuyển mùa nắng nóng, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đường, thuốc lá, bia, nước giải khát tăng cao. Tại khu vực các tỉnh biên giới giáp Campuchia, tuyến đường thẩm lậu hàng hóa vào tiêu thụ tại thị trường nội địa như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tình hình vi phạm hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ gia tăng. Điển hình như, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh thu giữ gần 10 tấn đường cát nhập lậu, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị thu giữ trên 30 tấn đường cát nhập lậu, hàng nghìn sản phẩm thuốc lá điếu nhập lậu, bia các loại...

quan ly thi truong

 

Đồng thời, việc trở lại hoạt động bình thường các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống kéo theo các vi phạm liên quan đến sử dụng nguyên liệu (thực phẩm) như mỡ, nội tạng và sản phẩm động vật khác không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm để chế biến thức ăn diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, trong nửa đầu năm 2022, ở thị trường trong nước, giá xăng dầu, thép liên tục được điều chỉnh tăng theo giá thị trường thế giới. Cùng thời điểm này công suất lọc dầu của nhà máy Nghi Sơn bị cắt giảm dẫn đến tình trạng không đảm bảo nguồn cung xăng dầu tại một số địa phương, đặc biệt trên địa bàn các tỉnh miền Nam vào một số thời điểm, dẫn đến tình trạng vi phạm trong kinh doanh xăng dầu gia tăng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu là niêm yết giá bán xăng dầu không đúng giá do thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối quy định, không đăng ký thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định, tạm ngừng bán hàng khi không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền...

Tuy nhiên, báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường cũng đánh giá, 6 tháng đầu năm, theo chức năng, nhiệm vụ, lực lượng Quản lý thị trường đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh và tăng cường phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng ngăn chặn hành vi buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngay từ tuyến biên giới, trên đường biển, đường bộ, hàng không, đặc biệt là hoạt động kinh doanh xăng dầu và các mặt hàng vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả, trật tự thị trường cơ bản được đảm bảo, không xảy ra những vụ việc nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bạn đang đọc bài viết "Nửa đầu năm 2022, hàng lậu, hàng giả tăng cả về số vụ và giá trị tịch thu" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).