Ôm dự án nhà ở XH nghìn tỷ, năng lực thực sự của Viglacera thế nào?

16/12/2021 19:05

Vừa qua, sai phạm của Tổng Công ty Viglacera tại dự án Khu đô thị mới Đặng Xá II đã được HĐND TP. Hà Nội chỉ rõ. Và dù đang có tổng vay nợ tài chính tăng mạnh, lại 'vướng' nhiều tai tiếng khi thường xuyên 'gặp khó' trong hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất; nhưng mới đây Viglacera lại tiếp tục đề xuất TP. Hà Nội giao làm chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội có quy mô 'khủng' ở huyện Đông Anh.

Sai phạm chồng sai phạm

Theo đó, sai phạm của Tổng Công ty Viglacera tại dự án Khu đô thị mới Đặng Xá II (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã được Thường trực HĐND TP. Hà Nội chỉ rõ trong nội dung Báo cáo kết quả tái giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.

Là 1 trong số 38 dự án nợ Ngân sách Nhà nước, chậm hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất, dự án Khu đô thị mới Đặng Xá II (nằm trên địa bàn các xã Đặng Xá - Cổ Bi - Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội) của Tổng Công ty Viglacera thuộc Danh mục các dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đến hết ngày 30/5/2021. Dự án hiện đang có tổng nợ Ngân sách Nhà nước số tiền 30,161 tỷ đồng. Đây cũng là số tiền chậm nộp còn phải thu tính đến thời điểm cuối tháng 5/2021, hiện đang trong quá trình chờ xử lý.

Trao đổi với PV Ngày Nay, đại diện Viglacera dù một mực khẳng định Công ty đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính về đất tại dự án Khu đô thị Đặng Xá nhưng lại không cung cấp những văn bản, tài liệu cụ thể để chứng minh việc này. Đối với số tiền chậm nộp hơn 30 tỷ đồng, Viglacera sẽ tiến hành thanh toán sau khi có quyết định cụ thể của TP. Hà Nội.

Dự án Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Viglacera bị các cơ quan quản lý Nhà nước nhắc tên vì những sai phạm trong thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất. Thời điểm năm 2017, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có Kết luận thanh tra về đầu tư xây dựng một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu đô thị của TP. Hà Nội giai đoạn 2002-2014. Báo cáo này hé lộ một số sai phạm tại hai dự án của Viglacera là dự án đầu tư xây dựng "Tổ hợp văn phòng, thương mại, khách sạn và nhà ở Viglacera" tại phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) và phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm).

Cụ thể, Báo cáo của TTCP nêu rõ: tiền sử dụng đất đối với dự án là hơn 407,1 tỷ đồng; chủ đầu tư sau đó phải nộp bổ sung hơn 94,6 tỷ đồng nghĩa vụ tài chính về đất do điều chỉnh nâng tầng. Khi xác định chi phí phát triển của dự án, khoản chi phí dự phòng được liên ngành của TP. Hà Nội đưa ra không đúng với quy định của Bộ Tài chính, gây thất thu Ngân sách Nhà nước. Và khi thực hiện dự án, Tổng công ty Viglacera không thực hiện nghĩa vụ nộp quỹ đất.

TTCP cũng đã từng "điểm danh" những sai phạm tương tự trong việc xác định sai tiền sử dụng đất gây thất thu Ngân sách Nhà nước tại một số dự án khác nằm trên địa bàn TP. Hà Nội do Viglacera làm chủ đầu tư như: dự án Khu chức năng đô thị Tây Mỗ và dự án Khu nhà ở Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm); dự án Khu nhà ở tại 628 Hoàng Hoa Thám (quận Tây Hồ); dự án chung cư tại 671 Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình); dự án Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm)…

“Nợ nần đầm đìa”, năng lực của Viglacera thế nào?

UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép Thành phố chỉ định liên danh Tổng Công ty Viglacera và Công ty CP đầu tư và Phát triển hạ tầng Hoàng Thành làm chủ đầu tư thực hiện Dự án Thí điểm xây dựng NƠXH tập trung ở huyện Đông Anh.

Trước đó, vào tháng 9/2017, UBND TP. Hà Nội đã có báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép phát triển quỹ đất NƠXH theo nguyên tắc cân đối tỷ lệ tổng thể với quy mô nhà ở thương mại trên địa bàn để hình thành các khu NƠXH tập trung, đồng bộ. Thủ tướng sau đó đã đồng ý về nguyên tắc với đề nghị này và giao UBND TP. Hà Nội chọn thí điểm một số dự án để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. TP. Hà Nội sau đó đã lên kế hoạch triển khai 4 dự án NƠXH, và Dự án Thí điểm xây dựng NƠXH tập trung ở huyện Đông Anh chính là một trong số đó.

Dự án này được TP. Hà Nội giao Viglacera và Công ty Hoàng Thành nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết và hồ sơ đã được phê duyệt ngày 7/5/2018. Từ tháng 8/2018 đến tháng 3/2019, liên danh Viglacera - Hoàng Thành đã có các Tờ trình gửi Sở Xây dựng, UBND TP. Hà Nội đề nghị được giao làm chủ đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư Dự án Thí điểm xây dựng NƠXH ở huyện Đông Anh.

UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép Thành phố chỉ định liên danh Viglacera - Hoàng Thành làm chủ đầu tư thực hiện Dự án Thí điểm xây dựng NƠXH tập trung ở huyện Đông Anh. (Ảnh minh họa)

Nội dung Văn bản đề xuất của TP. Hà Nội cho thấy, dự án nằm có diện tích khoảng 426.000 m2; với quy mô khoảng 3.611 căn nhà ở và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý IV/2025. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.351 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài Ngân sách nhà nước; trong đó, chủ đầu tư có khoản đóng góp được cho là từ nguồn vốn tự có rất “khiêm tốn”, vỏn vẹn hơn 1.284 tỷ đồng - tương đương 24% tổng mức đầu tư (Viglacera chỉ góp 48,3% và phần còn lại là của Công ty Hoàng Thành).

Hơn 4.000 tỷ đồng còn lại để thực hiện dự án, liên danh chủ đầu tư khẳng định sẽ… đi vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (đối với Viglacera) và từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (đối với Công ty Hoàng Thành). Tuy nhiên, các biên bản thỏa thuận hợp tác và cam kết đảm bảo giữa các ngân hàng này đối với Viglacera và Hoàng Thành đều đã được ký kết từ những năm 2014, 2016 – cách khá xa thời điểm UBND TP. Hà Nội có đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ.

Theo UBND TP. Hà Nội, đề xuất của liên danh chủ đầu tư tại hồ sơ đề nghị giao chủ đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư dự án cơ bản đáp ứng các quy định hiện hành của pháp luật và của Thành phố. Tổng số vốn mà liên danh chủ đầu tư đóng góp cũng đáp ứng điều kiện về vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia vào dự án. Giữa hai thành viên của liên danh chủ đầu tư có bản thỏa thuận hợp tác về việc tài trợ vốn tín dụng đầu tư và bảo lãnh vay vốn thương mại giữa ngân hàng thương mại đối với các dự án đầu tư.

Được biết, theo các quy định hiện hành, trường hợp Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để xây dựng NƠXH thì việc thực hiện lựa chọn chủ đầu tư sẽ thông qua hình thức đấu thầu nếu có hai đơn vị trở lên đăng ký làm chủ đầu tư; hoặc chỉ định chủ đầu tư nếu chỉ có một nhà đầu tư đăng ký. Tuy nhiên, đề xuất của UBND TP. Hà Nội lại đang thể hiện liên danh Viglacera - Hoàng Thành chính là pháp nhân duy nhất của dự án NƠXH này.

Tại Báo cáo hợp nhất quý III/2021 của Tổng công ty Viglacera (mã CK: VGC) cho thấy, sau 9 tháng đầu năm 2021, lãi trước thuế của Tổng Công ty Viglacera (mã CK: VCG) ghi nhận tăng 51% - đạt 1.043 tỷ đồng. Dù đạt kết quả kinh doanh khả quan, song tổng vay nợ tài chính của Viglacera trong 9 tháng đã tăng 13% so với đầu năm lên mức 2.147 tỷ đồng; trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 7,3% lên 1.605 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn tăng 35% lên 541,8 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn khoản doanh thu chưa thực hiện được lên đến 2.838 tỷ đồng, chiếm 15,4% tổng nguồn vốn.

Việc một doanh nghiệp có tình hình tài chính “kém sáng” với tổng vay nợ tài chính tăng mạnh và thường xuyên “gặp khó” trong hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất lại được UBND TP. Hà Nội giao dự án NƠXH có quy mô nghìn tỷ đang làm dấy lên dấu hỏi lớn về năng lực thực sự của Tổng Công ty Viglacera?

Bạn đang đọc bài viết "Ôm dự án nhà ở XH nghìn tỷ, năng lực thực sự của Viglacera thế nào?" tại chuyên mục Doanh Nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).