Ông Biden công du Trung Đông, quyết giành ảnh hưởng của Nga

16/07/2022 08:44

Ông Biden đang có chuyến thăm nhiều nước Trung Đông nhằm tìm giải pháp cho tình trạng khan hiếm xăng dầu, đồng thời củng cố vị thế Mỹ tại đây.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến công du tới một số khu vực ở Trung Đông bao gồm Israel, Bờ Tây và Saudi Arabia từ ngày 13 đến16-7 (giờ địa phương) để củng cố quan hệ với đồng minh khu vực và thảo luận những vấn đề nổi bật tại đây.

Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh vai trò và ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông ngày càng suy giảm do các đối thủ tăng cường ảnh hưởng, chuyến thăm Trung Đông đầu tiên của ông Biden từ khi nhậm chức đến nay sẽ là cơ hội để Mỹ cố gắng hài hòa được các lợi ích của mình với các quốc gia Trung Đông, đồng thời tìm cách nắm bắt lại mạng lưới quan hệ hết sức phức tạp giữa các quốc gia trong khu vực này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc họp báo ở thủ đô Jerusalem, Israel vào ngày 15-7. Ảnh: AFP

Củng cố các mối quan hệ truyền thống ở Trung Đông

Tờ The Washington Post cho biết điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông của ông Biden là Israel. Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết trọng tâm của chuyến thăm là “sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Israel vào khu vực” thông qua Hiệp định Abraham (do Mỹ làm trung gian dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump) và quan hệ với Jordan và Ai Cập.

Đáng chú ý, tại Israel, Mỹ hôm 14-7 đã cùng nước này, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Nhóm đối thoại I2U2 theo hình thức trực tuyến. Nhóm I2U2 được coi như một phần trong nỗ lực của chính quyền Biden nhằm tái kích hoạt và hồi sinh các liên minh của Mỹ. Hội nghị đã ra tuyên bố chung khẳng định mục tiêu của nhóm là khai thác sức sống trong xã hội mỗi nước cùng mở rộng hợp tác với khối doanh nhân nhằm xử lý những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, trong đó trọng tâm là đầu tư chung vào những sáng kiến liên quan tới nước, năng lượng, vận tải, không gian và an ninh lương thực.

Điểm dừng chân thứ hai của ông Biden trong chuyến công du là tại Bờ Tây để gặp các lãnh đạo Palestine nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ với giải pháp “hai nhà nước” cho cuộc xung đột Israel - Palestine, bao gồm các biện pháp bình đẳng về an ninh, tự do và tạo cơ hội cho người dân Palestine.

Điểm đến cuối cùng trong chuyến công du là Saudi Arabia. Ông Biden dự kiến tham dự Hội nghị thượng đỉnh của các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh cùng với Ai Cập, Iraq và Jordan (GCC + 3) để thúc đẩy các lợi ích an ninh, kinh tế và ngoại giao của Mỹ. Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về cách thức để mở rộng hợp tác kinh tế và an ninh trong khu vực, bao gồm các sáng kiến mới về cơ sở hạ tầng và khí hậu, ngăn chặn các mối đe dọa từ Iran cũng như đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực toàn cầu.

Đáng chú ý, ông Biden cũng sẽ gặp thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman. Quyết định này cho thấy sự đảo ngược hoàn toàn chủ trương của Tổng thống Biden hồi mới nhậm chức về việc cô lập ngoại giao nước này do các cáo buộc liên quan vụ nhà báo Jamal Khashoggi của The Washington Post bị sát hại hồi năm 2018. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng trấn an rằng đây chỉ là một trong hàng loạt cuộc gặp của ông Biden với lãnh đạo các nước vùng Vịnh sắp tới.

Nhìn chung, theo giới chuyên gia, tình trạng lạm phát, giá xăng dầu tăng cao do xung đột Nga - Ukraine là nguyên nhân khiến ông Biden phải tranh thủ các nước Trung Đông nhằm tăng nguồn cung giữa lúc cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang tới gần và nhà lãnh đạo Mỹ ở trong tình thế buộc phải ưu tiên các chính sách liên quan tới việc ổn định kinh tế nội bộ.

Sau khi ông Biden khởi hành, Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến cũng sẽ thăm Trung Đông này vào tuần tới. Tổng thống Nga dự kiến có cuộc gặp tại thủ đô Tehran với các nhà lãnh đạo của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Yếu tố Nga đè nặng chuyến đi của ông Biden

Theo tạp chí Time, một cách khác mà cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay đang tác động lên chuyến đi của ông Biden chính là việc nhà lãnh đạo này phải tìm cách lôi kéo thêm quốc gia ủng hộ chiến dịch cô lập Moscow của Washington. Cựu cố vấn cấp cao về chính sách Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Aaron David Miller cho biết ngay cả khi các lệnh trừng phạt bắt đầu tác động đến nền kinh tế Nga, không phải nước nào cũng “nhảy thuyền” theo Mỹ mà vẫn có những tính toán riêng. Chẳng hạn, Israel tiếp tục duy trì mối quan hệ cởi mở với Nga bởi Nga vẫn còn căn cứ quân sự ở quốc gia Syria liền kề và Tel Aviv muốn bảo toàn mối quan hệ lâu dài giữa người Israel và cộng đồng người Do Thái ở Nga. Về phía Saudi Arabia, Riyadh coi mối quan hệ với một nước Nga giàu dầu mỏ là cách giúp tạo ảnh hưởng đến thị trường năng lượng toàn cầu.

“Trong số 10 quốc gia đông dân nhất trên thế giới, chỉ có một quốc gia chống Nga toàn diện đó là Mỹ. Vì vậy, chuyến đi của ông Biden là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Washington nhằm lôi kéo những quốc gia có sức ảnh hưởng nhưng chưa chọn phe bởi những nước này có thể bị thu hút về phía Nga và làm nóng lại sự cạnh tranh giữa Moscow và Washington” - ông Miller nhận định.

Trong một cuộc họp báo về chuyến công du Trung Đông của ông Biden tuần trước, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan khẳng định một trong những mục tiêu của ông Biden trong thời gian ở khu vực là đảm bảo rằng “không một thế lực nước ngoài nào có thể thống trị hoặc giành được lợi thế chiến lược trước Mỹ”.

Hiện Mỹ về cơ bản vẫn đang có lợi thế trước Nga trong cuộc đua ngoại giao ở Trung Đông. Mối liên hệ giữa Saudi Arabia - Nga không sâu đậm bằng mối quan hệ của nước này với Mỹ.

Dù vậy, liệu lợi thế này còn được giữ vững trong tương lai hay không là một câu hỏi lớn. Nga và Saudi Arabia đã xích lại gần nhau hơn bao giờ hết vào năm 2016, khi giới chức Riyadh thuyết phục được Moscow tham gia nhóm mở rộng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ được gọi là OPEC+. Mối quan hệ hợp tác đó một phần được thúc đẩy bởi sự thất vọng của Saudi Arabia khi chứng kiến Mỹ phát triển công nghệ khai thác đá phiến nhằm thúc đẩy sản xuất dầu, trực tiếp ảnh hưởng đến lợi ích của Riyadh.•

Iran cảnh báo rắn trước đe dọa dùng vũ lực của ông Biden

Hãng tin Reuters ngày 15-7 dẫn lời phát ngôn viên quân đội Iran - Chuẩn tướng Abolfazl Shekarchi cảnh báo Mỹ và Israel sẽ biết rất rõ “cái giá phải trả” khi sử dụng từ vũ lực chống lại Iran.

Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel - ông Yair Lapid đã ký một tuyên bố chung, trong đó phản đối Iran có được vũ khí hạt nhân. Trong bài trả lời phỏng vấn với kênh Channel 12 của Israel, ông Biden khẳng định sẽ tiếp tục giữ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) trong danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài của Mỹ, ngay cả khi quyết định này làm tiêu tan khả năng nối lại đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Khi được hỏi liệu những tuyên bố trước đây rằng việc Nhà Trắng sẽ ngăn chặn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân cũng đồng nghĩa với việc ông sẽ ra lệnh sử dụng vũ lực để tấn công Iran, Tổng thống Biden khẳng định: “Nếu đó là lựa chọn cuối cùng thì câu trả lời là có”.

Bạn đang đọc bài viết "Ông Biden công du Trung Đông, quyết giành ảnh hưởng của Nga" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).