Vụ việc Thế giới Di động (TGDĐ) đã thanh lý Hợp đồng (HĐ) thuê quyền sử dụng đất đối với ông Trần Kỷ Mùi (là đối tác cho TGDĐ thuê mặt bằng tại Bình Định) đang nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Thối lại tiền mới chịu trả mặt bằng
Ông Mùi xác nhận với PV vào ngày 15-10 đã nhận được hợp đồng thanh lý (HĐTL) do TGDĐ soạn thảo, thời gian chấm dứt HĐ thuê là ngày 15-11-2021.
HĐ cho thuê mặt bằng giữa ông Mùi và TGDĐ ban đầu dự kiến kéo dài tám năm (từ tháng 3-2020 đến tháng 3-2028).
Động thái trên của TGDĐ được thực hiện sau khi ông Mùi không đồng ý với mức miễn, giảm từ 70-100% tiền cho thuê mà TGDĐ đưa ra đối với một số chủ cho thuê nhà trước đó.
Qua tìm hiểu, trong HĐTL, TGDĐ nêu đã thanh toán tiền thuê đến hết ngày 30-11-2021 và khẳng định nếu chủ nhà muốn lấy lại mặt bằng phải thực hiện một số nghĩa vụ như:
- Kê khai và đóng các khoản thuế liên quan đến HĐ thuê… và cung cấp cho TGDĐ bản gốc những hóa đơn, chứng từ này.
- Trong vòng năm ngày kể từ ngày kí HĐTL, ông Mùi phải trả lại cho TGDĐ số tiền thuê tương ứng với thời gian TGDĐ đã trả mà chưa sử dụng (15 ngày cuối tháng 11-2021). Cụ thể là 12,5 triệu đồng…
Được biết, theo HĐ thuê, tổng số tiền mà TGDĐ phải trả cho ông Mùi các tháng 7, 8, 9 năm 2021 là 75 triệu đồng nhưng ông Mùi chỉ thực nhận số tiền 24,1 triệu đồng mà TGDĐ chuyển khoản cho cả ba tháng này.
Nói cách khác, thay vì phải được nhận thêm tiền thì bây giờ ông Mùi phải “thối ngược lại” thì TGDĐ mới chịu trả lại tài sản và mặt bằng cho thuê của ông.
Cũng theo ông Mùi, vào sáng nay 16-10, ông và TGDĐ cũng tiếp tục có buổi làm việc với nhau.
Trong khi đó, PV đã liên lạc nhiều lần cho ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO của TGDĐ nhưng bất thành.
Công văn của TGDĐ tại Bình Định gửi cho ông Mùi về việc chấm dứt hợp đồng thuê trước hạn. Ảnh: NVCC
Về pháp lý
TS Bùi Thị Hằng Nga, Giảng viên Khoa Luật Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM cho biết: Theo thông tin được báo chỉ phản ánh thì TGDĐ ra quyết định đơn phương chấm dứt HĐ (đình chỉ thực hiện HĐ).
Để đánh giá xem quyết định của TGDĐ đúng hay sai phải căn cứ vào nội dung của HĐ. Bởi lẽ hiện nay, theo quy định tại Điều 428 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 310 Luật Thương mại năm 2005 (trong trường hợp các bên lựa chọn áp dụng Luật Thương mại) thì một bên trong HĐ có quyền đình chỉ thực hiện HĐ (đơn phương chấm dứt HĐ) khi:
1. Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng;
2. Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
“Do đó, nếu trong HĐ không có điều khoản thỏa thuận về việc đơn phương chấm dứt HĐ thì hành vi này của TGDĐ là trái luật vì theo thông tin thì chủ nhà không có hành vi vi phạm cơ bản nghĩa vụ của HĐ cho thuê”, TS Hằng Nga nhận định.
Theo bà Nga, trong vụ việc này cần làm rõ trong HĐ các bên có thỏa thuận điều kiện cụ thể để một bên có quyền chấm dứt HĐ hay không? Nếu có thì trường hợp nêu trên có thỏa mãn các điều khoản đó hay không?
Bà Nga thẳng thắn: “Trong vụ này, theo tôi, việc các cửa hàng của hệ thống bán lẻ TGDĐ đóng cửa do tuân thủ các Chỉ thị 15, 16… khôngđược xem là sự kiện bất kháng để đưa ra các “yêu sách” đối với quý đối tác cho thuê mặt bằng.
Lí do là bởi, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Cần nhấn mạnh và làm rõ ý này và đối với căn cứ để áp dụng sự kiện bất khả kháng của TGDĐ phải dựa vào doanh số và lợi nhuận chứ không thể chỉ dựa vào việc đóng - mở cửa hàng”.
Về đạo đức kinh doanh
Trong khi đó, TS Dương Kim Thế Nguyên, Trưởng Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết: Cần có đầy đủ các thông tin cũng như toàn bộ hồ sơ mới có thể đưa ra nhận định một cách khách quan, công tâm, toàn diện đối với vụ việc.
Tuy nhiên, ông Nguyên cho rằng hành xử của TGDĐ là rất đáng ngại, theo kiểu “bất cần”, không quan tâm đến đối tác, không có tính thiện chí…
Một trong những nguyên tắc của HĐ đó là sự thiện chí. Khi có bất kì sự thay đổi nào, các bên phải thông báo cho nhau và tìm cách giải quyết.
“Cách hành xử của TGDĐ rất lạ lẫm với văn hóa kinh doanh của người Việt. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ tốt đẹp trong kinh doanh mà ai cũng muốn giữ gìn và phát triển. Tôi thấy TGDĐ ứng xử rất kì lạ và không bình thường. Có thể có gì ở sau đó chăng?” – TS Thế Nguyên đặt vấn đề.
Khởi kiện để bảo vệ lợi ích hợp pháp của bên cho thuê
Nếu như trong HĐ không ghi nhận về quyền đơn phương chấm dứt HĐ thì có thể thấy hành vi chấm dứt HĐ của TGDĐ là trái pháp luật.
Bên bị vi phạm (chủ nhà) có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Tùy vào ý chí của chủ nhà mà họ có thể lựa chọn các phương án sau:
1. Tiếp tục thực hiện HĐ, áp dụng các chế tài (phạt vi phạm HĐ và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có).
2. Chấm dứt HĐ (lấy lại nhà) và yêu cầu bên thuê thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán đến thời điểm HĐ chấm dứt (trả tiền thuê nhà cho thời gian còn nợ tiền thuê và lãi chậm trả) cũng như yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).
Trong trường hợp TGDĐ không tự nguyện chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của mình thì có thể khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền và lợi hợp pháp của chủ nhà.
TS BÙI THỊ HẰNG NGA, Giảng viên Khoa Luật Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM