Để tăng cường công tác quản lý, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố kịp thời phát hiện những sai phạm trong khai báo tên hàng, mã số và áp dụng mức thuế đối với các mặt hàng này.
Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, thời gian qua, lực lượng hải quan đã phát hiện một số doanh nghiệp (DN) có hành vi khai sai tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số, xuất xứ để gian lận; nhập khẩu hàng không đúng với khai hải quan về chủng loại, số lượng, trị giá và hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu… Do đó, lực lượng hải quan đã tập trung nắm tình hình, thu thập thông tin đối với các đối tượng có mức độ rủi ro cao và theo dõi, giám sát chặt chẽ các lô hàng xuất nhập khẩu thực hiện thực hiện thông quan.
Theo đó, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 02/QĐ-ĐTCBL về tội “vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” xảy ra tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, liên quan đến Công ty TNHH T-Dracons.
Được biết, công ty này đã thực hiện một số hành vi sai phạm như khai báo sai tên hàng, đưa hàng hóa cấm nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép, hàng nhập khẩu có điều kiện nhưng không tuân thủ các quy định của pháp luật, hàng hóa là tang vật bị phát hiện tạm giữ có trị giá rất lớn, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự… Tổng trị giá hàng hóa trong 10 container của Công ty TNHH T-Dracons lên đến hơn 38 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 11/1, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã khởi tố hình sự Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KR gian lận trên 400 triệu đồng thuế nhập khẩu container hàng bách hóa Trung Quốc, phần nhiều không khai báo và sai khai báo hải quan.
Mới đây, ngày 22/3, tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng đã phát hiện một DN nhập khẩu mặt hàng cáp Cat6 các loại, số lượng 11.074 cuộn, với trị giá tính thuế hơn 8,5 tỷ đồng. Sau khi đối chiếu quy định về việc phân loại cáp Cat5e, Cat6, lực lượng hải quan đã phát hiện DN khai sai tên hàng, mã số và thuế suất hàng hóa nhập khẩu dẫn đến thiếu tiền thuế phải nộp ngân sách nhà nước hơn 700 triệu đồng.
Đáng chú ý, qua rà soát, cơ quan Hải quan nhận thấy, DN nhập khẩu mặt hàng thép khai báo thiếu hoặc không chính xác thông tin để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% và không chịu thuế chống bán phá giá như không khai báo thép hợp kim hay phi hợp kim, khai báo thép hợp kim nhưng không khai báo thành phần, hàm lượng cacbon, nhôm, đồng, chì, crom, mangan…
Về mặt hàng động cơ điện, dạng xoay chiều, DN nhập khẩu khai báo thiếu hoặc không chính xác thông tin hàng hóa để được hưởng thuế suất nhập khẩu thấp hơn. Tương tự mặt hàng quạt thông gió, cơ quan Hải quan phát hiện, DN nhập khẩu khai báo thiếu hoặc không chính xác thông tin hàng hóa để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu thấp hơn như công suất quạt không quá 125W nhưng áp mã số thuộc phân nhóm trên 125W, khai báo quạt thông gió công nghiệp nhưng thông số kỹ thuật xác định phù hợp quạt thông gió gia dụng…
Điển hình, cuối tháng 5/2021, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ điện Mạnh Phương đăng ký mở tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 nhập khẩu mặt hàng quạt thông gió công nghiệp, mã số khai báo là 8414.59.99 mức thuế suất MFN 10%. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, mặt hàng phù hợp phân loại mã số 8414.51.91 có mức thuế suất MFN 25%.
Trước thực trạng nêu trên, để tăng cường công tác quản lý của cơ quan hải quan, Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc hướng dẫn tại công văn số 7203/TCHQ-TXNK ngày 11/11/2020, hướng dẫn doanh nghiệp khai báo đầy đủ mô tả hàng hóa để tránh dẫn tới phân loại sai, không chính xác; công chức hải quan thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra mô tả hàng hóa, mã số, mức thuế khai báo theo đúng quy định, tại Quy trình 1921/QĐ-TCHQ ngày 28/6/2018.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện kiểm tra, rà soát các tờ khai nhập khẩu các mặt hàng giống hệt, tương tự với các mặt hàng có tên khai báo nêu trên nhằm đảm bảo đủ thông tin để phân loại, xác định mã số theo đúng quy định. Trường hợp phát hiện việc khai báo tên hàng không đầy đủ, chính xác, phân loại không phù hợp thì xác định lại mã số, ấn định thuế và xử lý vi phạm (nếu có) theo đúng quy định, đồng thời chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm của những người liên quan.