Ngày 17/7, nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, Tổ công tác rà soát quá trình triển khai thực hiện các phương án cổ phần hóa (CPH) tại Công ty CP Cà phê Gia Lai do UBND tỉnh Gia Lai thành lập.
Kết quả rà soát sau CPH tại Công ty trên, Tổ công tác phát hiện nhiều bất thường ảnh hưởng đến người lao động tại địa phương; trong đó, có việc doanh nghiệp này chuyển trồng cà phê thành khoai, chanh dây, chuối...
Công ty CP Cà phê Gia Lai chuyển đổi 214 ha cà phê già cỗi, không thể phục hồi để chuyển sang trồng thử nghiệm khoai lang, chanh dây và chuối xuất khẩu. Ảnh minh họa.
Tháng 4/2018 UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) và chuyển Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai thành công ty cổ phần với tên gọi: “Công ty Cổ phần (CP) cà phê Gia Lai”.
Trong phương án CPH nêu rõ: “Trên cơ sở kế hoạch sản xuất 3 năm tiếp theo, sau khi chuyển thành công ty cổ phần, công ty tiếp tục duy trì và ổn định công tác tổ chức, củng cố và phát triển sản xuất. Phát huy thế mạnh hiện có của Công ty, xây dựng chuỗi cung cấp bền vững thông qua củng cố vùng nguyên liệu, ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường cả xuất khẩu và nội địa theo hướng xây dựng thương hiệu sản phẩm, đảm bảo việc làm cho người lao động và cam kết phát triển cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội”.
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND huyện Chư Sê - nơi có phần diện tích của Công ty CP cà phê Gia Lai, đã phát hiện việc công ty này cho Công ty Cổ phần Gia súc Lơ Pang thuê lại 1 phần diện tích đã được UBND tỉnh cho thuê sau CPH. Sau đó, Công ty Cổ phần Gia súc Lơ Pang tiếp tục cho Hợp tác xã Dược liệu Quang Minh thuê lại với diện tích 140 ha, vị trí tại thôn Phú Cương, xã Ia Pal, tiếp giáp Quốc lộ 25, huyện Chư Sê.
Cũng theo báo cáo, phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai tại các huyện Chư Prông, Chư Sê và Ia Grai được UBND tỉnh phê duyệt với mục đích sử dụng đất để giao khoán cho người lao động: Trồng chăm sóc kinh doanh cà phê, hồ tiêu.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, Công ty CP Cà phê Gia Lai có chuyển đổi 214 ha cà phê già cỗi, không thể phục hồi để chuyển sang trồng thử nghiệm khoai lang, chanh dây và chuối xuất khẩu.
Việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất trồng cây hàng năm tuy không phải xin phép nhưng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT thì phải thực hiện việc đăng ký biến động. Việc này Công ty CP cà phê Gia Lai chưa thực hiện là không đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Ngoài ra, Công ty không chấp hành cam kết về việc ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất 3 năm sau khi CPH.
Không thực hiện đầy đủ các cam kết về việc kế thừa các phương án khoán và Hợp đồng giao nhận khoán đã ký giữa Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai với người lao động nhận khoán; về việc tiếp tục sử dụng lao động, sử dụng đất hiện có tại Công ty (đặc biệt lao động là đồng bào dân tộc thiểu số) theo đúng phương án sử dụng đất, phương án sử dụng lao động đã được phê duyệt, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và quyền hạn của công ty đối với người lao động theo hợp đồng lao động.
Văn bản này cũng chỉ ra trước CPH, Công ty đã thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 1.052 lao động. Đến thời điểm rà soát, Công ty đang thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 296 lao động, trong đó có 69 trường hợp người lao động không tham gia làm việc nhưng tự nguyện nộp BHXH thông qua công ty. Còn 247 trường hợp người lao động không tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN, trong đó có 191 lao động đang làm việc.
Ngoài vấn đề trên, tỉnh Gia Lai còn phát hiện nhiều vấn đề khác trong việc hỗ trợ bồi thường khi phá đất giao khoán, hỗ trợ người lao động sau khi CPH doanh nghiệp...