Màn giải cứu ngoạn mục 54% cổ phần của Hải Phát Invest
Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát tên trước đây là Công ty Cổ phần Xây dựng - Du lịch Hải Phát, được thành lập năm 2003. Năm 2008, Công ty được đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát.
Tháng 7/2018, cổ phiếu này chính thức được giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh với mã HPX.
Trong xu hướng biến động mạnh của thị trường chứng khoán thời gian vừa qua, HPX cũng không tránh được sự sụt giảm. Tình trạng giảm giá mạnh của cổ phiếu HPX bắt đầu diễn ra từ đầu tháng 11.
Cụ thể trong vòng 1 tháng, mã cổ phiếu này chỉ có duy nhất một phiên tăng điểm và một phiên đứng giá. Tất cả các phim còn lại đều giảm giá mạnh đặc biệt trong tháng, có 12 phiên liên tiếp HPX giảm sàn liên tục.
Từ mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu được thiết lập trong ngày 11/11, sau chuỗi giảm sàn, đến ngày 29/11, mã cổ phiếu này chỉ còn 8.510 đồng/cổ phiếu, với dư bán sàn 69 triệu đơn vị. Việc giảm giá khiến cổ phiếu bay hơi gần 57% giá trị. Còn nếu tính từ đầu tháng, HPX ở mốc 25.900 đồng thì HPX đã mất gần 77% giá trị. Đà trượt dốc đẩy HPX xuống mức giá thấp kỷ lục kể từ khi niêm yết trên sàn HOSE.
Cùng với đó, CTCK Mirae Asset (MAS) thông báo về việc sẽ bán giải chấp cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch HPX. Số lượng cổ phiếu HPX dự kiến bán là 3,8 triệu đơn vị. Thời gian thực hiện từ ngày 24/11/2022 đến khi đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định của MAS.
Tương tự, Chứng Khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng thông báo việc bán giải chấp hơn 1,1 triệu cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của Chủ tịch HPX. Thời gian thực hiện cũng là từ ngày 24/11/2022 đến khi đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định.
Trong văn bản giải trình cổ phiếu giảm sàn liên tiếp, Ban Lãnh đạo HPX cho biết, công ty hiện vẫn đang hoạt động bình thường, không có thông tin làm ảnh hưởng tới giá cổ phiếu. “Cổ phiếu HPX được niêm yết công khai trên HoSE, giá cổ phiếu giảm là do cung cầu thị trường, yếu tố tâm lý thị trường và một số điều kiện kinh tế ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bất động sản”.
Tuy nhiên, điều kỳ diệu đã xảy ra đối với mã cổ phiếu này. Cụ thể, tại phiên giao dịch ngày 30/11, HPX đã có phiên tăng trần, trắng bên bán cùng khối lượng giao dịch lên đến hơn 165 triệu đơn vị, chiếm 54% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của công ty. Giá trị giao dịch lên đến gần 1.400 tỷ đồng, chiếm gần 1/10 thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE.
Trong cơ cấu cổ đông của HPX, trước phiên giao dịch kỷ lục, ông Hải nắm giữ gần 122 triệu cổ phiếu công ty, tương đương 40,04% vốn điều lệ. Vợ ông Hải là bà Chu Thị Lương cùng em của ông Hải là Đỗ Quý Thành và Đỗ Quý Đường lần lượt sở hữu 11,4 triệu, 3 triệu và 1,2 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp này.
Tra theo lịch sử giao dịch của cổ đông lớn và cổ đông nội bộ của doanh nghiệp này trong phiên ngày 30/11 có thể thấy, bên mua, ông Đỗ Quý Hải đăng ký mua hơn 31 triệu cổ phần. Bà Trần Thị Thái Bình - Em của ông Trần Vũ Thái Hòa - Thành viên HĐQT độc lập công ty mua 26.900 cổ phần.
Phía bên bán, bà Lương, vợ ông Hải đã bán 4,2 triệu cổ phần. Ông Đường bán 2,3 triệu cổ phần. Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited bán toàn bộ hơn 26,5 triệu cổ phần HPX.
Tại phiên ngày 1/12, HPX tiếp tục có 1 phiên tăng trần, lên mức 9.730 đồng/cổ phiếu, gần 21 triệu cổ phiếu đã được sang tay. Ông Hải bán 1,6 triệu cổ phần, bà Lương bán 902.000 cổ phần.
Sang đến ngày 2/12, HPX giảm mạnh, xuống còn 9.070 đồng/cổ phiếu thì hàng loạt quỹ đầu tư rút vốn khỏi doanh nghiệp này. Nhóm Dragon Capital đã bán 36,2 triệu cổ phiếu HPX (tỷ lệ sở hữu 11,9%), thoái toàn bộ vốn ở công ty này. Vietnam Enterprise Investments Limited, Amersham Industries Limited, và Wareham Group Limited bán lần lượt 26,5 triệu, 7,88 triệu và 1,78 triệu cổ phần HPX, sau giao dịch, tỷ lệ nắm giữ còn 0%.
Hải Phát Invest kinh doanh ra sao?
Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát hoạt động chính của công ty là kinh doanh bất động sản, xây nhà các loại, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, quản lý, khai thác các tài sản sau đầu tư. Đến thời điểm ngày 30/9/2022, công ty có 11 công ty con, chủ yếu là phát triển, kinh doanh, cho thuê, tư vấn các dự án bất động sản.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của công ty đạt 1.308 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận trước thuế 185 tỷ đồng, giảm 29%.
Tiền mặt của công ty là gần 14 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng là hơn 39,5 tỷ đồng, các khoản tương đương với tiền là 15 tỷ đồng. Tổng chung, tiền và các khoản tương đương tiền của Hải Phát Invest đạt 68,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 635 tỷ đồng của hồi đầu năm.
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của HPX đạt 10.286 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng lên 6.651 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay, thuê tài chính ngắn và dài hạn hơn 4.750 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả/VCSH là 1,8.
Các khoản nợ vay của Hải Phát chủ yếu là vay ngân hàng và các khoản vay tại các công ty chứng khoán do phát hành trái phiếu.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ tháng 5/2021 – 1/2022 HPX đã thực hiện phát hành thành công 15 đợt phát hành trái phiếu, huy động được 3.950 tỷ đồng, gồm trực tiếp HPX (3.450 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Hải Phát Retail (100 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh bất động sản Hải Phát (400 tỷ đồng).
Tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu này chủ yếu là các cổ phần công ty con của HPX, cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của một số cá nhân, các dự án/tài sản phát sinh từ dự án như Kalong Riverside (TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), dự án Roman Plaza (TP. Hà Nội), dự án The Pride (TP. Hà Nội), dự án HP Intermix Bắc Giang (TP. Bắc Giang), lô đất thương mại dịch vụ dự án Cồn Tân Lập, Khu dân cư Cồn Tân Lập (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa)…