Do phải trích lập dự phòng rủi ro lớn đối với hàng tồn kho, nên PLX đã lỗ ròng lần đầu tiên trong quý 2/2022.
Lỗ ròng quý 2
Petrolimex vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022. Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 84.398 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng tăng mạnh lên 81.965 tỷ đồng, khiến lãi gộp của PLX còn 2.403 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ đạt vỏn vẹn 2,85% trong quý 2, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong cơ cấu chi phí, chi phí bán hàng của PLX tiếp tục tăng 6% lên 2.570 tỷ đồng. Dù doanh thu tài chính và phần lãi trong công ty liên kết tăng lần lượt lên 416 tỷ đồng và 177 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế của PLX âm gần 141 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước doanh nghiệp lãi 1.594 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, PLX ghi nhận 151.387 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của PLX giảm mạnh 87%, chỉ đạt 302 tỷ đồng.
Quy mô tổng tài sản của PLX tính đến cuối quý 2/2022 đạt gần 81.049 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn gần 12.155 tỷ đồng, tăng 60% so với đầu năm.
Nợ phải trả của PLX cũng tăng hơn gấp đôi so với đầu năm lên gần 55.000 tỷ đồng, chiếm 68% tổng nguồn vốn. Đáng chú ý, nợ phải trả của PLX đã tăng hơn gấp 2 lần vốn chủ sở hữu, tiềm ẩn rủi ro tài chính đối với PLX.
Thách thức hàng tồn kho
Nguyên nhân khiến PLX lỗ ròng trong quý 2 là do thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng hóa tồn kho tại ngày 30/06/2022 căn cứ vào giá trị thuần có thể thực hiện được tại thời điểm lập báo cáo tài chính (20/07/2022). Cụ thể, do giá xăng dầu trong nước biến động theo chiều hướng giảm sâu, PLX phải trích lập bổ sung 1.104 tỷ đồng thay vì được hoàn nhập gần 156 tỷ đồng nếu căn cứ theo giá trị thuần có thể thực hiện được tại ngày khóa sổ 30/06/2022. Theo đó, giá vốn hàng bán trong kỳ tăng và lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn giảm tương ứng hơn 1.259 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý 2, lượng hàng tồn kho của PLX lên tới hơn 23.478 tỷ đồng, tăng gần 43% so với đầu năm nay. Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho này có giá cao, trong khi giá xăng dầu đang có xu hướng giảm mạnh. Các chuyên gia cho rằng, giá dầu thế giới đã có dấu hiệu hạ nhiệt và điều chỉnh mạnh sau khi đạt đỉnh, có thể kéo theo giá xăng trong nước cũng giảm theo, chưa kể những biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhằm thực hiện mục tiêu chống lạm phát. Vì thế, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể sẽ khó duy trì được tăng trưởng cao trong các quý tiếp theo khi phải trích lập dự phòng cho các khoản tồn kho giá cao.
Trong quý 2, PLX đã trích lập dự phòng hàng tồn kho hơn 1.330 tỷ đồng, tăng tới 83% so với đầu năm nay. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán HSC cho rằng, việc PLX trích lập hàng tồn kho lớn như vậy sẽ khó được Kiểm toán chấp nhận, bởi hàng tồn kho của PLX chỉ tương đương 20 ngày bán hàng.