Quảng Nam: Những dự án nào bị UBND tỉnh “điểm danh”?

25/03/2021 09:20

Thông báo kết luận số 91 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại cuộc họp rà soát tình hình thực hiện một số dự án lớn tại vùng Đông Nam của tỉnh đã “điểm danh” một số dự án “chết yểu” và làm thủ tục chấm dứt hoạt động đầu tư của dự án theo quy định.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chủ trì họp rà soát tình hình thực hiện một số dự án lớn tại vùng Đông Nam của tỉnh.

Sau khi nghe Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) báo cáo, ý kiến của các thành viên dự họp. Ông Lê Trí Thanh đã chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động rà soát lại toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến các dự án đầu tư trọng điểm tại vùng Đông Nam của tỉnh để xác định rõ các tồn tại, vướng mắc, thiếu sót; đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý đối với từng dự án cụ thể cho phù hợp với quy định của pháp luật (kể các dự án án đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp). 

Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh theo lĩnh vực phân công phụ trách chịu trách nhiệm theo dõi, tập trung chỉ đạo xuyên suốt để xử lý các tồn tại, vướng mắc của các dự án; trường hợp vướng mắc lớn, báo cáo tập thể lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, thống nhất chỉ đạo hoặc báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo xử lý.

Quảng Nam: Những dự án nào bị UBND tỉnh “điểm danh”? - Ảnh 1.

Một số dự án vùng Đông Nam của tỉnh Quảng Nam đã bị "điểm danh" - Ảnh minh họa

Trong đó, một số dự án "chết yểu" đã bị "điểm danh" như dự án Khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC của Công ty Cổ phần Quốc tế Nam Hội An. Tính chất của dự án là dự án thương mại dịch vụ (khu nghỉ dưỡng phức hợp), đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư ngày 24/3/2017; tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các thủ tục tiếp theo của dự án; nhà đầu tư cũng chưa thực hiện nghĩa vụ ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án theo quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; dự án chậm tiến độ hơn 36 tháng nhưng nhà đầu tư không thực hiện thủ tục giãn tiến độ.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở KH&ĐT tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thăng Bình và các Sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động đầu tư của dự án theo quy định và giải quyết các phát sinh sau khi chấm dứt hoạt động của dự án; đồng thời, chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thăng Bình, các Sở, ngành liên quan tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án theo quy định hiện hành của pháp luật và Quyết định số 3376/QĐ-UBND ngày 01/12/2020 của UBND tỉnh ban hành Hướng dẫn trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Trong đó lưu ý, rà soát lại hiện trạng sử dụng đất để điều chỉnh quy mô, ranh giới, loại bỏ phần diện tích có dân cư sinh sống đông đúc ra khỏi ranh giới dự án để thuận lợi trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện dự án và đảm bảo hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, cần xem xét, bổ sung tiêu chí hỗ trợ người dân tại khu vực phát triển sinh kế bằng cách liên kết, hợp tác giữa chủ đầu tư dự án với người dân trong việc phát triển du lịch cộng đồng, làng sản xuất phục vụ du lịch,...

Quảng Nam: Những dự án nào bị UBND tỉnh “điểm danh”? - Ảnh 2.

Dự án Khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC của Công ty Cổ phần Quốc tế Nam Hội An "chết yểu" được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở KH&ĐT tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thăng Bình và các Sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động đầu tư của dự án theo quy định và giải quyết các phát sinh sau khi chấm dứt hoạt động của dự án - Ảnh Báo Quảng Nam

Thứ hai là dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình của Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T. Đây là dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, có quy mô lớn, nhà đầu tư là đơn vị có năng lực tài chính và kinh nghiệm để triển khai thực hiện dự án; dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp của huyện Thăng Bình nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung; tuy nhiên, công tác phối hợp giữa nhà đầu tư và UBND huyện Thăng Bình chưa được đồng bộ, chặt chẽ.

Để dự án sớm được triển khai, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T cử cán bộ có thẩm quyền để phối hợp, làm việc với UBND huyện Thăng Bình và các Sở, ngành liên quan để kịp thời xử lý các nội dung liên quan đến dự án. UBND huyện Thăng Bình tích cực phối hợp, hướng dẫn, giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo thẩm quyền hoặc đề xuất các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định để triển khai thực hiện dự án.

Trong đó lưu ý, cần xác định rõ tính chất của dự án là dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nên xem xét, loại bỏ diện tích đất rừng (nếu có) ra khỏi phạm vi dự án; hạn chế thấp nhất việc thu hồi đất, cho thuê đất đối với dự án trên nguyên tắc không thu hồi đất nông nghiệp do nhân dân đang sản xuất, chỉ thu hồi đất đối với các khu vực có dân cư sinh sống phân tán để sắp xếp lại, xen ghép vào các khu vực dân cư hiện hữu, thu hồi đất cho thuê đất đối với diện tích do nhà nước quản lý.

UBND huyện Thăng Bình làm việc với nhà đầu tư để quy hoạch, sắp xếp lại ruộng đất đảm bảo áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng phương án đầu tư, kinh doanh theo hướng liên kết, hợp tác, hỗ trợ, đào tạo, chuyển giao công nghệ và bao tiêu sản phẩm cho nông dân; thực hiện một số loại hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao độc lập của doanh nghiệp tại các vị trí phù hợp.

Cuối cùng là dự án Thành phố giáo dục quốc tế Nam Hội An của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng. Đây là dự án về giáo dục đào tạo quy mô lớn, liên cấp học từ bậc mầm non đến đại học và trên đại học, thuộc loại hình dự án xã hội hóa ưu tiên kêu gọi đầu tư; nhà đầu tư thực hiện dự án là đơn vị có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục.

Đến nay, nhà đầu tư đã phối hợp với UBND huyện Thăng Bình tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng và đã được bàn giao phần lớn diện tích đất dự án. Vì nhiều lý do khách quan khác nhau như việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết cho phù hợp với chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về quản lý vệt cây xanh hai bên đường Võ Chí Công từ 50 m lên 100 m và nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc triển khai thực hiện dự án không đảm bảo tiến độ theo đúng cam kết; tuy nhiên, tiến độ hoàn thành dự án đưa vào sử dụng chưa đến hạn.

Giao cho Sở KH&ĐT tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thăng Bình yêu cầu chủ đầu tư rà soát tiến độ thực hiện dự án, xây dựng kế hoạch triển khai trong thời gian đến để đề xuất UBND tỉnh xem xét gia hạn tiến độ (yêu cầu cam kết gia hạn một lần) và đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ được gia hạn.

Đồng thời, có văn bản yêu cầu và hướng dẫn Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng xem xét điều chỉnh tên gọi dự án theo hướng không sử dụng từ "Thành phố" (có thể là Khu liên hợp giáo dục quốc tế Nam Hội An) do không đáp ứng tiêu chí của thành phố; Sở Kế hoạch và Đầu tư rút kinh nghiệm trong việc tham mưu UBND tỉnh về tên gọi các dự án đầu tư cho phù hợp với quy định của pháp luật…

Bạn đang đọc bài viết "Quảng Nam: Những dự án nào bị UBND tỉnh “điểm danh”?" tại chuyên mục Dự Án. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).