Nhà máy Bột – Giấy VNT19 đã bắt đầu thi công hạng mục ống xả thải. |
Nhiều ngày qua, phía bên ngoài cổng chính nhà máy Bột – Giấy VNT19 ở Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), một lượng lớn nhân công, phương tiện đang hối hả thi công hạng mục đường ống xả thải cho nhà máy này.
Theo quan sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, hàng chục ống nhựa HDPE – Phi 900 đã được rải dọc tuyến đường DH07. Xe đào tham gia tạo hình rãnh chôn đường ống sâu hơn 2m, phía dưới có lót một lớp cát mỏng. Một đường ống nhựa HDPE gần 200m đã được nối lại với nhau bằng máy hàn chuyên dụng, đầu ống phía cổng nhà máy đã được đưa xuống rãnh để chờ lấp đất, đầu còn lại công nhân đang khẩn trương hàn để tiếp tục nối các đoạn ống tiếp theo, hướng thi công được đuổi về phía đường Võ Văn Kiệt – Vịnh Việt Thanh.
Dù chủ đầu tư nhà máy Bột - Giấy VNT19 đang cấp tập thi công hạng mục đường ống xả thải, nhưng khi trao đổi với chúng tôi thì cả đại diện chính quyền xã Bình Phước (nơi đặt nhà máy) và Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đều bất ngờ trước thông tin trên. Bởi lẽ, do lo ngại về một thảm họa môi trường có thể xảy đến với vịnh Việt Thanh, nên việc có cho phép doanh nghiệp này đặt ống xả thải xuống đây hay không đang được các cơ quan chức năng cân nhắc rất kỹ lưỡng, trải qua rất nhiều khâu, nhiều bước để đánh giá toàn diện.
Việc nhà máy giấy lớn nhất nước này có được phép xả thải ra vịnh Việt Thanh hay không đến nay vẫn chưa có câu trả lời. |
Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Phạm Trọng Nghĩa cho biết, đến thời điểm này doanh nghiệp chưa được phép thi công đường ống xả thải phía bên ngoài nhà máy. Do tính chất cực kỳ quan trọng nên việc xả thải của dự án này khi lấy ý kiến cộng đồng dân cư phải trải qua nhiều bước, như: Lấy ý kiến các nhà khoa học, lấy ý kiến phản biện xã hội, lấy ý kiến các Sở, ban ngành địa phương liên quan, sau đó mới tổ chức họp dân. “Đến thời điểm hiện tại, nhà máy giấy này mới chỉ hoàn thành 1 - 2 bước đầu tiên” - Ông Nghĩa nói.
Ống HDPE đường kính lớn - 90cm được sử dụng làm ống xả thải. |
Còn ông Nguyễn Đức Sơn – Chủ tịch UBND xã Bình Phước, huyện Bình Sơn thì cho biết, đến thời điểm hiện tại các cấp có thẩm quyền chưa ban hành bất cứ một văn bản nào cho phép doanh nghiệp tổ chức thi công hạng mục đường ống xả thải. Khi phát hiện sự việc, qua trao đổi nhanh với đại diện nhà máy giấy thì họ không đưa ra câu trả lời cụ thể nào. “Tôi cũng không hiểu doanh nghiệp đã dựa vào đâu để tổ chức thi công nữa? Ngay ngày mai địa phương sẽ làm báo cáo lên huyện để xin ý kiến chỉ đạo xử lý sự việc” - Ông Sơn nói.
Sau hơn 11 năm triển khai, đến nay nhà máy Bột – Giấy VNT19 mới chỉ hoàn thành hơn 60% khối lượng công việc, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2023. Trước đây, nhà máy bột giấy này từng nhận phản ứng dữ dội từ người dân và dư luận tỉnh Quảng Ngãi khi nhập rất nhiều thiết bị cũ, gỉ sắt từ nước ngoài về để sử dụng cho nhà máy.
Chủ đầu tư đang cấp tập thi công đường ống xả thải. |
Thời điểm hiện tại, theo đại diện chủ đầu tư thì tỷ lệ thiết bị cũ của nhà máy là 60%, hiệu suất sử dụng còn trên 80%. Còn hệ thống xử lý nước thải thì được đầu tư mới, do AQUAFLOW (AQF) Phần Lan thiết kế, cung cấp thiết bị, giám sát lắp đặt và chạy thử đảm bảo nước thải sau xử lý đạt các tiêu chuẩn quy định.
Ống HDPE được tập kết gần khu vực đường Võ Văn Kiệt. |
Trước đây, nhà máy đề xuất phương án xả thải ra sông Trà Bồng, nhưng sau đó đổi phương án đề xuất xả thải theo phương thức phân tán ra vịnh Việt Thanh. Vị trí xả thải dự kiến cách bờ khoảng 1km, một ngày đêm sẽ thải ra vịnh biển này khoảng 50.000m3 nước thải sau quá trình sản xuất giấy. Thông tin nhà máy giấy này sẽ đặt ống xả thải ngầm dưới vịnh Việt Thanh – một vịnh biển tuyệt đẹp ở Dung Quất ngay lập tức khiến người dân và dư luận tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục phản ứng.
Chính quyền huyện Bình Sơn và tỉnh Quảng Ngãi cần tức tốc kiểm tra hiện trường nhà máy giấy này. |
Bởi lẽ, khu vực biển Việt Thanh nằm trong quy hoạch đô thị Vạn Tường, liên quan trực tiếp đến sinh kế của hàng nghìn ngư dân địa phương. Đồng thời, rất nhiều chuyên gia và người dân lo ngại nhà máy giấy sẽ “bức tử” vịnh biển nổi tiếng này nói riêng và cả vùng biển Quảng Ngãi nói chung.
Người dân và dư luận rất lo lắng việc nhà máy giấy này sẽ xả thải ra vịnh Việt Thanh – Một vịnh biển đẹp nổi tiếng ở Quảng Ngãi. |
Lo lắng trên của người dân Quảng Ngãi là hoàn toàn có cơ sở khi sản xuất giấy lâu nay được biết đến là một ngành công nghiệp “đứng đầu” về mức độ gây ô nhiễm môi trường, vì để tạo ra sản phẩm nhà máy phải sử dụng hóa chất để tẩy trắng. Ngoài ra, cùng với việc nhà máy này sử dụng rất nhiều thiết bị cũ được nhập khẩu từ nước ngoài, thì trong thời gian dài chủ đầu tư không công khai rộng rãi thông tin với người dân và báo chí cũng dấy lên nhiều hoài nghi. Hơn nữa, nhà máy Bột - Giấy VNT19 còn được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào danh sách có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Nhà máy Bột - Giấy VNT19 được tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2011, đến năm 2015 thì khởi công xây dựng. Đây là nhà máy bột giấy lớn nhất Việt Nam, với quy mô 350 nghìn tấn bột giấy tẩy trắng/năm, giai đoạn 1 được xây dựng trên diện tích 117ha, tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Dự kiến mỗi năm nhà máy bột giấy này sẽ sử dụng khoảng 550 nghìn tấn dăm gỗ khô, tương đương 1,1 triệu tấn gỗ keo tươi. |