Quốc Cường Gia Lai kinh doanh ra sao sau 7 năm "dậm chân" tại siêu dự án Phước Kiểng

27/02/2023 21:02

Trong tổng số 5.600 tỷ đồng nợ phải trả của Quốc Cường Gia Lai, ngoài những khoản nợ phải trả cho đối tác, ngân hàng thì có đến hàng trăm tỷ vay từ các thành viên trong ban lãnh đạo công ty.

Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 4/2022. Trong quý này, công ty ghi nhận doanh thu đạt 97 tỷ đồng, giảm đến 65% so với cùng kỳ. Doanh thu bất động sản tiếp tục giảm mạnh còn 1/10 cùng kỳ. 

Cụ thể, doanh thu từ mảng bất động sản trong kỳ chỉ đạt 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ hơn 187 tỷ đồng. Doanh thu giảm mạnh trong khi chi phí lãi vay tăng cao khiến công ty lỗ ròng 10 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2022. Quý 4/2022 cũng là quý đầu tiên công ty báo lỗ từ năm 2016.

quoc-cuong-gia-lai-to-chuc-hop-dhdcd-thuong-nien-2022-thong-bao-tinh-hinh-kinh-doanh-cua-cong-ty-1677481009.jpgQuốc Cường Gia Lai tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông báo tình hình kinh doanh của công ty.

Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu công ty thu về 1.274 tỷ đồng, tăng 21% nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 34 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với năm 2021. So với kế hoạch được đại hội đồng cổ đông thông qua, công ty này vượt chỉ tiêu doanh thu nhưng chỉ hoàn thành 44% mục tiêu lợi nhuận. 

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai đạt hơn 9.900 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với thời điểm kết thúc năm 2021. Trong đó, khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là hàng tồn kho cũng gần như đi ngang ở mức hơn 7.200 tỷ đồng; nợ phải trả của doanh nghiệp chiếm hơn 5.600 tỷ đồng, gấp 1,3 lần so với vốn chủ sở hữu.

hang-ton-kho-qcgl-1677481014.jpgSau 1 năm, lượng hàng tồn kho của Quốc Cường Gia Lai vẫn giữ nguyên.

Trong đó, khoản nợ lớn nhất của công ty này là các khoản phải trả ngắn hạn bao gồm gần 2.900 tỷ đồng trả cho đối tác Sunny liên quan đến dự án Phước Kiển, phải trả bên thứ ba gần 1.000 tỷ đồng và phải trả bên liên quan 655 tỷ đồng.  

Điểm đặc biệt trong cấu trúc tài chính của Quốc Cường Gia Lai so với nhiều doanh nghiệp bất động sản khác là công ty nợ ngân hàng rất ít. Công ty đang vay ngắn hạn hơn 100 tỷ đồng và vay dài hạn hơn 300 tỷ đồng với lãi suất tương ứng là 12%/năm và 9%/năm.

Trong nhóm các khoản phải trả cho bên liên quan, hai doanh nghiệp là Công ty CP Bất động sản Hiệp Phúc và Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Phạm Gia cho Quốc Cường Gia Lai mượn hơn 425 tỷ đồng. 

Về cá nhân, Chủ tịch HĐQT Lại Thế Hà và con gái Lại Thị Hoàng Yến cho công ty mượn gần 40 tỷ đồng; Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan cho Quốc Cường Gia Lai vay 92 tỷ đồng, ông Lâu Đức Duy (con rể bà Nguyễn Thị Như Loan) cho công ty vay gần 100 tỷ đồng.

Đáng chú ý, so với báo cáo tài chính quý 3/2022, Quốc Cường Gia Lai đã trả hơn 200 tỷ đồng cho các cá nhân liên quan. Công ty đã trả hết 10 tỷ đồng cho bà Nguyễn Ngọc Huyền My - con gái bà Loan, 109 tỷ đồng cho bà Yến, 57 tỷ đồng cho một cá nhân khác đã cho công ty mượn tiền trước đó. 

Năm 2022, Quốc Cường Gia Lai liên tiếp dính nhiều bê bối về tài chính như ngày 6/6/2022 bị Cục thuế tỉnh Gia Lai xử phạt vi phạm hành chính cho kỳ thanh tra thuế năm 2019 - 2020 với tổng số tiền bị xử phạt và truy thu khoảng 2,3 tỷ. 

Trước đó ít ngày, công ty cũng bị 3 cổ đông khiếu nại, gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng và Văn phòng Quốc hội kiến nghị thực hiện kiểm tra, thanh tra thuế đối để đảm bảo quyền lợi các cổ đông cũng như đảm bảo việc nộp thuế của doanh nghiệp này được thực hiện đầy đủ. 

Bạn đang đọc bài viết "Quốc Cường Gia Lai kinh doanh ra sao sau 7 năm "dậm chân" tại siêu dự án Phước Kiểng" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).