Lợi nhuận giảm hai quý liên tiếp
Trong quý IV/2022, Vosco ghi nhận doanh thu đạt 616,17 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 18,16 tỷ đồng, giảm 84,1% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 39,1% về còn 14,5%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 50,2% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 90,2 tỷ đồng về 89,65 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 18,8%, tương ứng tăng thêm 3,91 tỷ đồng lên 24,68 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 14,7%, tương ứng giảm 3 tỷ đồng về 17,46 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 13,8%, tương ứng tăng thêm 7,11 tỷ đồng lên 58,69 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Trước đó, trong quý III/2022, Vosco ghi nhận doanh thu đạt 711,86 tỷ đồng, tăng 85,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 154,12 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 45,5% về chỉ còn 36,2%.
Như vậy, Vosco vừa trải qua hai quý lợi nhuận giảm liên tục, tốc độ giảm lợi nhuận quý IV/2022 cao hơn tốc độ giảm lợi nhuận quý III/2022.
Được biết, trước khi Đại dịch Covid-19 xuất hiện, giá cước vận tải biển đi ngang trong nhiều năm. Tuy nhiên, sau khi đại dịch xuất hiện, giá cước vận tải biển tăng cao và chạm đỉnh cuối năm 2021, sau đó bắt đầu lao dốc tới thời điểm hiện tại.
Cụ thể, thống kê từ ngày 12/12/2019 đến ngày 23/9/2021, giá cước vận tải chỉ số World Container Index (thống kê giá cước vận tải biển của 8 tuyến chính trên toàn cầu) tăng 585% từ 1.515 lên 10.377 USD/container 40 foot. Sau đó, từ ngày 23/9/2021 đến ngày 26/1/2023, giá cước vận tải chỉ số World Container Index đã giảm 80,3%, về 2.047 USD/container 40 foot.
Như vậy, sau gần 3 năm, giá cước vận tải biển đang về lại gần vùng đáy cũ trước khi có Đại dịch xuất hiện.
Được biết, giai đoạn Đại dịch đầu năm 2020 đến cuối năm 2021, thế giới chứng kiến cuộc đứt gãy chuỗi cung ứng, điều này đẩy giá cước vận tải biển tăng cao và giúp hàng loạt các doanh nghiệp hưởng lợi. Tuy nhiên, gió đã bắt đầu đổi chiều khi giá cước bắt đầu giảm mạnh từ cuối năm 2021 tới nay và vẫn chưa cho thấy dấu hiệu ngừng giảm.
Khi giá cước lao dốc, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển có dấu hiệu suy giảm ngay lập tức.
Xóa hết lỗ lũy kế trong năm 2022
Quay trở lại với Báo cáo tài chính quý IV/2022, lũy kế trong năm 2022, Vosco ghi nhận doanh thu đạt 2.420,4 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 487,94 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Với việc ghi nhận lãi trong năm 2022, tính tới 31/12/2022, lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối ghi nhận dương 98,36 tỷ đồng so với đầu năm ghi nhận lỗ 387,8 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đã xóa hết toàn bộ lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2022.
Trong năm 2022, Vosco đặt kế hoạch doanh thu 1.570 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 391 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và 22,6% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc năm 2022 với lợi nhuận trước thuế ghi nhận 605,6 tỷ đồng, Công ty hoàn thành 154,9% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Vosco giảm 3,6% so với đầu năm, tương ứng giảm 101,3 tỷ đồng, về còn 2.678,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 1.217,1 tỷ đồng, chiếm 45,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 600,6 tỷ đồng, chiếm 22,4% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 379,8 tỷ đồng, chiếm 14,2% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong năm, phần tài sản biến động mạnh chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 16,2% so với đầu năm, tương ứng giảm 73,4 tỷ đồng, về 379,8 tỷ đồng; tài sản cố định giảm 18,8% so với đầu năm, tương ứng giảm 282,2 tỷ đồng, về còn 1.217,1 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 13% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 68,9 tỷ đồng, lên 600,6 tỷ đồng…
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/2, cổ phiếu VOS giảm 550 đồng về 10.400 đồng/cổ phiếu.