Tại ngày 30/6, tiền gửi khách hàng tại 21 ngân hàng này là gần 5,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, nếu chỉ tính 2 ngân hàng quốc doanh (đã công bố báo cáo tài chính), tiền gửi của khách hàng đã chiếm tới hơn 2,4 triệu tỷ đồng (42% tổng tiền gửi khách hàng tại 21 ngân hàng được thống kê).
Trong đó, dẫn đầu danh sách tiền gửi của khách hàng là VietinBank với trên 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 3,6% so với đầu năm. Vietcombank theo sát với xấp xỉ 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 5% sau 6 tháng đầu năm.
"Top 10" tiền gửi khách hàng trong danh sách này còn có: Sacombank (STB) với 456.417 tỷ đồng; MBBank ( 396.910 tỷ đồng); ACB (388.132 tỷ đồng); Techcombank (TCB) với 321.633 tỷ đồng; VPBank (295.419 tỷ đồng); HDBank (212.520 tỷ đồng); VIB (197.169 tỷ đồng) và LienVietPostbank với 185.787 tỷ đồng.
Thống kê của Dân Việt cũng cho thấy, trong số 21 ngân hàng chỉ có 2 ngân hàng có tốc độ tăng trưởng âm về tiền gửi khách hàng so với đầu năm đó là NCB và PG Bank (PGB). Tại ngày 30/6, số dư tiền gửi khách hàng của NCB giảm 2,1% xuống còn 63.202 tỷ đồng. Trong khi đó, PG Bank giảm 1,4%, xuống còn 27.679 tỷ đồng.
Trong nhóm 19 ngân hàng tăng trưởng, VPBank bất ngờ dẫn đầu với mức tăng lên tới 20%. Tiếp theo là HDBank (tăng 18,1%) và VIB ( tăng 13,8%). Đây đều là các ngân hàng đang nằm trong Top 10 ngân hàng có số dư tiền gửi khách hàng nhiều nhất.
TPBank là ngân hàng thứ 4 có tốc độ tăng trưởng tiền gửi khách hàng trên 10%, cụ thể là 10,7% đưa số dư tiền gửi khách hàng của TPBank từ 139.000 tỷ lên 156.337 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu xét về giá trị tuyệt đối, tiền gửi của khách hàng tại Vietcombank tăng mạnh nhất. Chỉ trong 6 tháng, Vietcombank đã có thêm 60.000 tỷ từ tiền gửi của khách hàng. Như vậy, bình quân mỗi tháng khách hàng mang 10.000 tỷ "cất vào" Vietcombank, tương đương 333 tỷ đồng/ngày.
Thấp hơn là VPBank, bình quân mỗi tháng khách hàng bỏ thêm 8.840 tỷ đồng tiền gửi vào VPBank, khoảng 295 tỷ đồng/ngày.
Tương tự, với 43.700 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng tăng lên trong 6 tháng, mỗi ngày VietinBank "hút" về 243 tỷ đồng.
Mỗi ngày "hút" gần 1.800 tỷ đồng từ dân cư
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tính đến hết tháng 5/2022, lượng tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt gần 5,57 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng tiền gửi dân cư 5 tháng đầu năm 2022 là hơn 5%, cao hơn nhiều mức tăng 2,6% cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, tiền gửi của tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đạt khoảng 5,806 triệu tỷ đồng, tăng 2,86%, tương đương mức tăng 161.615 tỷ đồng.
Trong tháng 5, người dân cũng mang thêm gần 36.900 tỷ đồng gửi vào ngân hàng, tương đương 1.230 tỷ đồng/ngày. Nếu tính từ đầu năm, cứ mỗi ngày trôi qua, người dân lại mang thêm gần 1.800 tỷ đồng đi gửi ngân hàng lấy lãi.
Thị trường chứng khoán, bất động sản, tiền số trầm lắng trong khi lãi suất tiền gửi ngân hàng có xu hướng tăng khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân phân bổ lại danh mục tài sản. Sau gần 2 năm dòng tiền phân tán sang các kênh đầu tư khác, gửi tiền vào ngân hàng nay lại trở thành kênh được ưa chuộng của nhiều người dân.
Tiền gửi dân cư và tổ chức trong hệ thống ngân hàng ghi nhận mức tăng tích cực, qua đó đóng góp chủ yếu vào tổng phương tiện thanh toán. Nhưng tính đến hết tháng 5, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 3,33% so với đầu năm (cùng kỳ tăng 3,7%). Chỉ số này có dấu hiệu tăng chậm lại, khả năng xuất phát từ lượng giấy tờ có giá phát hành do các tổ chức tín dụng khác mua giảm so với cùng kỳ.
Giới chuyên gia cho rằng, áp lực tăng lãi suất huy động trong nửa cuối năm 2022 là hiện hữu, nếu hạn mức tín dụng được nới.
Đồng thời, việc điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 37% về 34% từ ngày 1/10/2022, theo quy định lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cũng là một áp lực khác khiến lãi suất huy động sẽ tiếp tục ở mức cao. Lẽ đó, tiền gửi của dân cư sẽ duy trì đà tăng, ít nhất từ nay đến cuối năm. Như vậy, tiền gửi của dân cư đổ về ngân hàng cũng được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong những tháng cuối năm.