Sách giáo khoa “khổ to, giấy tốt” làm lợi cho ai?

31/05/2022 09:11

Nếu xã hội hóa mà khiến giá SGK tăng cao, trở thành gánh nặng cho người dân thì cần phải xem lại ở cách thức vận hành, ở vai trò điều tiết của Nhà nước, cụ thể là của Bộ GD&ĐT.

Trả lời các đại biểu Quốc hội về giá sách giáo khoa mới đắt gấp 2-3 lần sách cũ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giải thích là do “khổ lớn hơn, giấy tốt hơn”. Những lời “không phải thanh minh hay giải thích cho doanh nghiệp” của bộ trưởng đã không làm cho người dân hài lòng, nhất là những người đang phải thắt lưng buộc bụng cho con đi học.

1.

Đây là năm thứ ba nước ta thực hiện chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa (SGK) theo nghị quyết của Quốc hội. Ngoài việc dành quyền lựa chọn những bộ SGK phù hợp cho nhà trường, việc xã hội hóa SGK còn mang lại kỳ vọng giá sách sẽ giảm khi các doanh nghiệp làm sách cạnh tranh lành mạnh với nhau.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy kỳ vọng của người dân vào giá sách đã trở thành thất vọng, khi giá sách tăng gấp 2-3 lần so với giá lúc chưa xã hội hóa.

Trở lại với giải đáp của bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Sau khi đưa ra những cứ liệu mang tính giải thích, so sánh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định giá sách như thế là “hợp lý”.

Sách giáo khoa “khổ to, giấy tốt” làm lợi cho ai? ảnh 1
Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn giải thích lý do giá sách giáo khoa bộ mới tăng gấp 2-3 lần

Nhìn ở góc độ kinh tế thị trường, nhận xét đó của bộ trưởng là không sai. Song, nếu cứ để mọi thứ vận hành theo kinh tế thị trường thì có lẽ nhiều con em của chúng ta sẽ phải bỏ học giữa chừng bởi gánh nặng chi phí oằn vai.

Đã qua rồi cái thời vở cũ, giấy đen, SGK (được nhà trường cho mượn) dùng lại có cuốn rách bươm. Khi cuộc sống khấm khá, học trò được dùng vở tốt, sách đẹp, mọi thứ tinh tươm hơn. Chỉ có điều, giờ đây tất cả đều phải mua. Và đắng chát thay, con em chúng ta phải mua SGK với giá vận hành theo cơ chế thị trường!

Mới cách đây mấy ngày, sau khi họp phụ huynh cuối năm về, vợ tôi đã phải liệt kê ra hàng loạt chi phí để chuẩn bị cho năm học mới. Ngoài tiền sách vở, đồng phục, có rất nhiều khoản khác phải lo cho một “suất” học sinh đến trường; tính giản lược nhất, số tiền phải chi ra lên đến 2 triệu đồng. “Nhà mình có thu nhập còn mệt, huống gì những người buôn gánh bán bưng” - vợ tôi thở dài.

Nói cho ngay, người dân TP dù thu nhập thấp vẫn cố “gồng mình” lo cho con được. Nhưng với người dân ở nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, một bộ SGK hơn 300.000 đồng là một gánh nặng “ghì sát đất”!

2.

Cần nhắc lại một lần nữa, xã hội hóa SGK là chủ trương đúng đắn, để phục vụ cho đổi mới chương trình, để nền giáo dục được tốt hơn lên. Song, nếu xã hội hóa mà khiến giá SGK tăng cao, trở thành gánh nặng cho người dân thì cần phải xem lại ở cách thức vận hành, ở vai trò điều tiết của Nhà nước.

Trả lời báo Thanh Niên, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính), cho rằng chúng ta phải xác định học sinh phổ thông là đối tượng cần được bảo trợ. Các quốc gia đều có chính sách hỗ trợ về SGK, nơi thì cấp tiền, nơi thì cho mượn SGK…

Ở Việt Nam, ông Long cho rằng Nhà nước đã rất quan tâm đến vấn đề này với nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ. Do vậy, SGK là mặt hàng mà Nhà nước đặc biệt phải quan tâm, khi đại bộ phận người dân vẫn chưa có thu nhập cao, người dân ở khu vực nông thôn, miền núi thì còn rất khó khăn, việc tăng giá SGK gấp 2-3 lần cũng như tăng số đầu sách bắt buộc như hiện nay thực sự là gánh nặng với họ.

“Chúng ta chỉ nên xã hội hóa ở từng khâu. Nhà nước sẽ bao cấp, hỗ trợ khâu nào đó để đảm bảo giá SGK phù hợp đối với mọi gia đình, chứ không phải xã hội hóa ở tất cả khâu để ra được một cuốn SGK như hiện nay” - PGS-TS Ngô Trí Long đề xuất giải pháp.với các doanh nghiệp làm SGK, lợi nhuận luôn là một trong những điều họ hướng tới. Vì vậy, rất cần bàn tay điều tiết của Nhà nước, mà cụ thể là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT.

Với các doanh nghiệp làm SGK, lợi nhuận luôn là một trong những điều họ hướng tới. Vì vậy, rất cần bàn tay điều tiết của Nhà nước, mà cụ thể là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT.

3.

Câu chuyện SGK không chỉ là giá cả, gần đây nhiều cử tri còn phản ánh về chất lượng, về nội dung và cả cách thức lựa chọn các bộ sách của mỗi trường.

Phát biểu tại nghị trường Quốc hội mới đây, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội) nêu ý kiến: “Cử tri rất bức xúc vì nhiều chương trình giáo dục không phù hợp, nhiều bộ SGK còn in sai, hình ảnh không chuẩn mực, có quá nhiều bộ sách được đề nghị lựa chọn gây lúng túng cho nhà trường cũng như phụ huynh...”.

Từ đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội cần phải giám sát tối cao đối với chuyên đề về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Qua đó, Quốc hội xem đâu là mặt được, mặt chưa được để từ đó có những kiến nghị sửa đổi cho phù hợp.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng) nói: “Thậm chí còn có câu hỏi đặt ra liệu có “vụ Việt Á” trong lựa chọn SGK hay không?”.

Hy vọng là không có “vụ Việt Á” nào trong câu chuyện SGK như nỗi lo của vị đại biểu. Nhưng với các doanh nghiệp làm SGK, lợi nhuận luôn là một trong những điều họ hướng tới. Vì vậy, rất cần bàn tay điều tiết của Nhà nước, mà cụ thể là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đừng để vì gánh nặng SGK mà khiến con đường đến trường của nhiều học sinh càng gập ghềnh, trắc trở!

Bạn đang đọc bài viết "Sách giáo khoa “khổ to, giấy tốt” làm lợi cho ai?" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).