Sai phạm tại dự án lấp biển Vega City chỉ bị xử phạt 70 triệu thì liệu có ổn?

20/10/2021 18:08

Với hành vi đổ đất đá lấn biển 17.564,2m2, chủ đầu tư dự án Champarama Resort & Spa (tên thương mại Vega City) chỉ bị xử phạt 70 triệu đồng và được đưa khu đất này vào ranh giới được giao.

Hợp thức hóa việc lấp biển

Dự án Vega City có lịch sử hình thành từ năm 2000. Khi đó, dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tên gọi Rusalka, có diện tích 43,8ha, tổng mức đầu tư 15 triệu USD. Chủ đầu tư khi đó là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Rus-Invest-Tur (RIT).

Tháng 5.2013, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho dự án Rusalka với tên gọi Champarama Resort & Spa. Dự án mới cấp cho Công ty cổ phần Du lịch Trọng điểm Nha Trang (Focus Travel Nha Trang). Ngày 12.12.2015, Công ty Focus Travel Nha Trang được đổi tên thành Công ty cổ phần Khu du lịch Champarama.

Ngày 24.11.2017, Sở Tài nguyên - Môi trường có văn bản số 5267/STNMT-TTr gửi UBND tỉnh Khánh Hòa về việc kiểm tra khắc phục hậu quả đối với dự án Champarama Resort & Spa.

Văn bản cho biết việc này được thực hiện chỉ đạo tại văn bản số 10660/UBND-KT ngày 13.11.2017 của UBND tỉnh về việc hoạt động của dự án Champarama Resort & Spa. Theo đó, UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường và Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tổ chức kiểm tra xác nhận việc hoàn thành các biện pháp khắc phục hậu quả của Công ty cổ phần Khu du lịch Champarama. Việc này nhằm làm cơ sở để doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các hoạt động xây dựng, triển khai theo quy định.

Trước đó, ngày 22.11.2017, Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, UBND TP.Nha Trang, Ban Quản lý vịnh Nha Trang, UBND phường Vĩnh Hòa và Giám đốc Công ty cổ phần Khu Du lịch Champarama kiểm tra thực địa để làm cơ sở việc khắc phục hậu quả của công ty.

Sau khi kiểm tra thực địa có sự chứng kiến của ngành, họp bàn bạc với các sở ngành, đoàn kiểm tra thống nhất công bố kết quả và kiến nghị tới UBND tỉnh. Theo đó, đối với hành vi không thực hiện giám sát môi trường xung quanh theo quy định, chủ đầu tư này chỉ bị xử phạt 35 triệu đồng. Biện pháp khắc phục là Công ty cổ phần Khu Du lịch Champarama thực hiện chương trình giám sát môi trường theo báo cáo đánh giá tác tác động môi trường được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 1938/QĐ-UBND ngày 5.7.2016.

Công ty đã ký kết hợp đông quan trắc với Trung tâm Phân tích và đo đạc môi trường Phương Nam và lập báo cáo chương trình quan trắc môi trường gửi Sở Tài nguyên - Môi trường. Về vấn đề này, Sở Tài nguyên - Môi trường đã thẩm tra và báo cáo UBND tỉnh tại văn bản số 4684/STNMT-TTr ngày 19.10.2017 về việc kết quả kiểm tra khắc phục đối với dự án khu nghỉ dưỡng Champarama Resort & Spa.

Đối với hành vi đổ đất đá lấn biển, diện tích 17.564,2m2 đất ngoài ranh giới được giao, công ty bị xử phạt 70 triệu đồng và yêu cầu chấm dứt các vi phạm, khôi phục hiện trạng ban đầu trước ngày 16.10.2017. Sau đó, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra lại hiện trạng khu vực phần diện tích đất đá công ty đã đổ đất lấn biển ngoài ranh giới được giao. Tại buổi kiểm tra thực địa ngày 22.11.2017 so với hiện trạng kiểm tra ngày 11.10.2017 không có gì thay đổi.

Đặc biệt, công ty đã khắc phục và đưa khu đất vào ranh giới được giao tại quyết định số 3267/QĐ-UBND ngày 28.10.2016 của UBND tỉnh về việc cho Công ty cổ phần Khu du lịch Champarama thuê đất bổ sung để xây dựng khu C dự án và quyết định số 3268/QĐ-UBND ngày 28.10.2016 về việc điều chỉnh quyết định số 833/QĐ-TTg ngày 5.7.2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho Công ty Đầu tư và phát triển du lịch Rus-Invest-Tur (công ty 100% vốn nước ngoài) thuê đất để xây dựng khu nghỉ mát Rusalka tại phường Vĩnh Hải, TP.Nha Trang.

Đoàn kiểm tra cũng đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét cho Công ty cổ phần Khu du lịch Champarama tiếp tục thực hiện dự án theo thẩm quyền.

Khu vực lấn biển tại dự án Vega City Nha Trang - Ảnh: Tư liệu

Dự án được hưởng cơ chế đặc biệt

Thời gian gần đây, dự án tiếp tục được điều chỉnh với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Vega City (thuộc tập đoàn KDI Holdings) và tên dự án chính thức đổi thành Vega City.

Vega City đã trải qua nhiều lần thay tên đổi chủ nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành việc đền bù giải tỏa và tái định cư cho người dân. Một trong những khó khăn vướng mắc chính là việc nhiều người dân cho rằng đây là dự án dịch vụ kinh doanh nên phải để chủ dự án thỏa thuận với dân. Tuy nhiên, thực tế chủ đầu tư không thỏa thuận mà chính quyền đứng ra thu hồi đất.

Trả lời báo chí về những trường hợp Nhà nước áp dụng cơ chế thu hồi đất, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng điều này được quy định trong Hiến pháp. Đó là những trường hợp đất đai sử dụng cho quốc phòng, an ninh, phát triển vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng. Trong Luật Đất đai năm 2013 định nghĩa khá rõ thế nào là đất quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng nhưng vế thứ 2, cụm từ “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia” thì hoàn toàn không có định nghĩa.

GS Võ phân tích một khái niệm được đưa ra trong Luật Đất đai 2013 mà không định nghĩa thế nào là “lợi ích quốc gia” - đây là vấn đề. Nếu đối chiếu với Luật Đất đai 2003 thì thấy ở đây định nghĩa rất rõ khái niệm thế nào là đất sử dụng cho lợi ích quốc gia: đất xây dựng các trụ sở của cơ quan nhà nước, đất sử dụng phục vụ các dịch vụ công của Nhà nước, các nội hàm rất rõ ràng. Tuy nhiên, trong Luật Đất đai 2013 thì khái niệm này không được định nghĩa.

Nếu áp dụng ngay định nghĩa về “lợi ích quốc gia” của Luật Đất đai 2003 thì rất nhiều loại dự án ở trong quy định của điều 62 Luật Đất đai 2013 là không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất.

“Chính vì sự không rõ ràng trong điều 62, các dự án phát triển kinh tế - xã hội có thể gắn được mác “lợi ích quốc gia”. Việc thu hồi giải phóng mặt bằng từ cơ chế tự thỏa thuận với người dân sang cơ chế Nhà nước thu hồi, tiền đền bù giải phóng mặt bằng thấp hơn rất nhiều”, GS Võ nói.

Liên quan vấn đề này, Ban Thường vụ Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đề nghị cần phải định nghĩa rõ khái niệm “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, giúp xác định đúng các trường hợp áp dụng theo cơ chế này.

Ngoài ra, khi liệt kê danh sách các trường hợp thu hồi đất theo mục đích đặt ra, cần giải thích rõ các khái niệm trong danh sách đó, nhằm bảo đảm hiểu đúng và thống nhất, giúp phân loại chính xác các dự án phát triển kinh tế - xã hội cho mục đích quốc gia, công cộng.

Bạn đang đọc bài viết "Sai phạm tại dự án lấp biển Vega City chỉ bị xử phạt 70 triệu thì liệu có ổn?" tại chuyên mục Dự Án. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).