Theo tìm hiểu của PV, TPBVSK SPO ROYAL do p (Văn phòng đại diện số 468 đường Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội) phân phối, đại diện pháp luật của công ty là ông Nguyễn Thế Toàn. Theo bản công bố số 00317/2020/ATTP-XNQC mà Cục ATTP - Bộ Y tế cấp cho đơn vị này thì sản phẩm SPO ROYAL chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có công dụng hỗ trợ bổ sung lợi khuẩn, hỗ trợ duy trì hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ hạn chế các biểu hiện và giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa do loạn khuẩn đường ruột, không phải là thuốc chữa bệnh, điều trị, xử lý, làm lành viêm lóet đại tràng, tá tràng... như những quảng cáo nêu trên.
Thế nhưng, sản phẩm TPBVSK SPO ROYAL bất chấp quy định pháp luật quảng cáo như thuốc chữa bệnh khiến khách hàng như rơi vào ma trận. Thậm chí, khiến nhiều người hiểu lầm thực phẩm bảo vệ sức khỏe chính là thuốc chữa bệnh.
Cụ thể, tại trang https://daitrang.sporoyal-chinhhang.com/?utm_source=Google&utm_medium=banner&utm_campaign=SEONGON, sản phẩm SPO ROYAL được giới thiệu là “đột phá” cho người viêm đại tràng, hiệu quả nhanh và không tác dụng phụ, chuyên dụng cho viêm đại tràng.
Ngoài ra, tại trang này cũng "nổ" công dụng như "thần dược": Chỉ 2 liều/1ngày, hết đau bụng - hết đi ngoài, tiêu ổ viêm - lành vết loét.
Cũng theo quảng cáo, TPBVSK SPO ROYAL được bào chế bởi nhà khoa học đầu ngành về Khoa học Y sinh – Biomedical Sciences, sản phẩm này có thành phần trên 3 tỷ (3 x 10ˆ9) bào tử lợi khuẩn Bacillus clausii, Bacillus subtilis, nước cất tinh khiết tạo môi trường và sử dụng công nghệ BBE Anh quốc. Tuy nhiên, những thông tin này không có tài liệu đăng kèm chứng minh.
Có thể thấy, những nội dung quảng cáo như trên rất dễ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm TPBVSK SPO ROYAL giống với thuốc chữa bệnh. Nhưng trên thực tế, sản phẩm này chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (hay còn gọi là TPCN) .
Người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình, tỉnh táo trước những quảng cáo khoa trương, sai sự thật về sản phẩm SPO ROYAL. Để tránh việc quảng cáo “thổi phồng” công dụng của TPBVSK SPO ROYAL như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định pháp luật, khiến người tiêu dùng hiểu lầm…, đề nghị Cục ATTP và các cơ quan chức năng liên quan sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ.
Đối chiếu quy định pháp luật, Khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này;
Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này”.
Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự 2015.
“Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.