"Siêu" như Thaiholdings: Góp vốn thành lập công ty trong lĩnh vực vũ trụ để...vay tiền

13/10/2022 13:44

Thaiholdings góp vốn thành lập một công ty đăng ký hoạt động trong lĩnh vực...vũ trụ để rồi vay số tiền lớn hơn cả tiền góp vốn.

Tuần vừa qua cái tên Thaiholdings (mã chứng khoán THD) được nhắc lại một lần nữa sau vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh hồi đầu năm. Nguyên nhân là Chứng khoán VnDirect bị phạt do cấp margin cho cổ phiếu THD của Thaiholdings.

Việc THD được nhắc tới lại khiến các nhà đầu tư lôi “nỗi đau” ra gặm nhấm khi nhắc đến cổ phiếu này.

THD lên sàn từ tháng 6/2020 và nhanh chóng vẽ nên hình cây thông rất lớn với “đỉnh cây” ở vùng giá khoảng 264.000 đồng/cổ phiếu. Ngay sau khi tạo đỉnh, THD lại nhanh chóng "rơi" xuống và hiện tại đang “quay” về bờ bên phải của cây thông với giá giao dịch quanh mức 40.800 đồng/cổ phiếu.

screen-shot-2022-10-12-at-233319-1665642926.png
 

 

Nhà đầu tư “mổ xẻ” kết quả kinh doanh của ThaiHoldings và thực sự bất ngờ với những thương vụ làm ăn chóng vánh, thu lãi hàng trăm, nghìn tỷ như việc bán đi Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ, nhà máy xi măng Minh Tâm, hay bán các khoản đầu tư vào Cường Thịnh Thi, vào Tplus...

Ở một khía cạnh khác, Thaiholdings còn được biết đến với “nghệ thuật” vay tiền bằng cách góp vốn thành lập các công ty, đầu tư vào các doanh nghiệp…

Góp vốn thành lập Thaispace để … “vay tiền”

Tháng 12/2021 Công ty đã thông qua Nghị quyết về việc góp vốn thành lập Thaispace với tổng giá trị vốn góp dự kiến 1.334,4 tỷ đồng tương ứng 5% vốn điều lệ Thaispace.

Theo thông tin đăng ký ban đầu, Thaispace có vốn điều lệ dự kiến 26.688 tỷ đồng trong đó Thaiholdings dự kiến góp vốn tổng cộng 1.334,4 tỷ đồng tương ứng 5% tổng vốn điều lệ của Thaispace; Bầu Thuỵ góp 75% vốn tương ứng 20.016 tỷ đồng; con gái bầu Thuỵ - bà Nguyễn Ngọc Mỹ Anh - góp 2.669 tỷ đồng tương ứng 10% vốn điều lệ và con trai bầu Thuỵ là ông Nguyễn Xuân Thái góp 10% vốn điều lệ. Bà Nguyễn Ngọc Mỹ Anh là CEO kiêm người đại diện theo pháp luật của Thaispace

screen-shot-2022-10-12-at-234123-1665642936.png
 

 

Ngay sau đó, trong năm 2021 Thaiholdings đã bước đầu góp được 80 tỷ đồng vào vốn thành lập của Thaispace. 

Đến hết quý 1/2022 tổng giá trị góp vốn của Thaiholdings tại Thaispace là 253 tỷ đồng, tăng 173 tỷ đồng so với đầu năm.

Đáng chú ý, kết thúc quý 1/2022, khi mới góp vốn được 253 tỷ đồng vào Thaispace, Thaiholdings đã ghi nhận một khoản tiền vay ngắn hạn tại Thaispace là 550,2 tỷ đồng – còn cao hơn gấp đôi số tiền mà Thaiholdings mang đi góp vốn thành lập vào công ty vũ trụ này.

screen-shot-2022-10-13-at-000130-1665642948.png
 

 

Thời điểm kết thúc quý 2, trên Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 ghi nhận “trong kỳ Thaiholdings đã góp thêm vốn theo cam kết vào Công ty TNHH Đầu tư Thương Mại và Dịch vụ Bãi Thơm Phú Quốc (được đổi tên từ CTCP Thaispace) với tổng tiền hơn 306,36 tỷ đồng, nâng tổng giá trị đầu tư lên hơn 386,36 tỷ đồng".

Tuy vậy đến 15/6 công ty lại chuyển nhượng bớt 1 phần vốn góp vào đây với giá trị 176 tỷ đồng cho ông Nguyễn Văn Thiệm, giảm giá trị gốc đầu tư xuống còn hơn 210 tỷ đồng tính đến 30/6/2022.

Liên quan đến khoản tiền vay, khoản vay ngắn hạn tại Thaispace có tổng phát sinh trong kỳ 609,8 tỷ đồng và đã được tất toán trả hết trong kỳ. 

screen-shot-2022-10-13-at-000437-1665642960.png
 

 

Thành lập công ty có ngành nghề đăng ký khá trừu tượng, Thaiholdings đã có ngay động thái đầu tiên là đi vay tiền từ doanh nghiệp này với số tiền vay còn cao hơn cả tiền đưa đi góp vốn khiến các nhà đầu tư không khỏi đặt câu hỏi về công ty này.

Câu chuyện của Thaispace

Trở về với thắc mắc của nhà đầu tư, thông tin về Thaispace cũng rất thú vị: Thaispace thành lập cuối năm 2021, đặt trụ sở tại Tổ 8, Khu Tái định cư, Khu phố 5, Phường Dương Đông, Thành phố Phú Quốc, Tỉnh Kiên Giang.

Ngành nghề kinh doanh chính của Thaispace cũng rất khác biệt và nghe có vẻ “khác người thường” liên quan đến vận tải, kinh doanh trạm vũ trụ: đăng ký kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không, xây dựng và kinh doanh trạm vũ trụ không gian, vệ tinh tại Việt Nam và Thế giới; kinh doanh dịch vụ viễn thông không dây ở Việt Nam và thế giới như internet vệ tinh, dịch vụ định vị, truyền hình vệ tinh, rada, mạng điện thoại di động và các thiết bị không dây...; kinh doanh hoạt động truyền dẫn kỹ thuật số tại Việt Nam và Thế giới; kinh doanh hoạt động ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data); và kinh doanh vận tải lên vũ trụ tại Việt Nam và Thế giới.  

Mục tiêu của Thaispace khi thành lập là thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ tại Phú Quốc nếu được các cơ quan quản lý cấp phép vào khoảng năm 2026-2030. “Bàn đạp” cho kỳ vọng của Thaispace là Dự án ENCLAVE Phú Quốc – là dự án do công ty con của Thaigroup – CTCP Enclave Phú Quốc thực hiện. Thaispace cũng dự kiến huy động vốn từ thị trường chứng khoán Mỹ với kế hoạch IPO trong năm 2022 nếu đủ điều kiện.

Có lẽ, khi đặt kế hoạch siêu khổng lồ này, Thaispace muốn sánh ngang công ty của Elon Musk để đưa thế giới quan quá hẹp của những người quan sát được mở rộng ra. 

Theo luật, sau 90 ngày lể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các thành viên phải góp đủ vốn và đúng loại tài sản theo đăng ký. Nếu không góp đủ vốn cần làm thủ tục thay đổi đăng ký vốn điều lệ bằng số vốn đã góp.

Do vậy với số vốn điều lệ đăng ký “khổng lồ" 26.688 tỷ đồng và một ngành nghề kinh doanh khá “khác lạ” ở thì hiện tại, thì từng bước đi của Thaispace đều được các nhà đầu tư dõi theo.

Tháng 2/2022 sau khi thành lập được 2 tháng, bà Nguyễn Ngọc Mỹ Anh, con gái bầu Thuỵ, rời khỏi vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật, thay vào đó là cái tên Trịnh Văn Thiệm.

Liên quan đến ông Trịnh Văn Thiệm, thì đây chính là nhân vật mua lại phần vốn góp 176 tỷ đồng từ Thaiholdings công bố vào ngày 15/6/2022 như đã đề cập ở phía trên. Giá chuyển nhượng chỉ mới “hé lộ” là xác định theo Chứng thư thẩm định giá của bên thứ 3, trong quý 3/2022 sẽ hoàn thành việc chuyển nhượng.

Đến tháng 5/2022 Thaispace thông báo điều chỉnh giảm vốn điều lệ từ 26.688 tỷ đồng xuống còn 2.275 tỷ đồng, tương ứng chưa bằng 9% vốn điều lệ đăng ký ban đầu. Việc giảm vốn điều lệ của Thaispace thực hiện sau 5 tháng tương ứng khoảng 150 ngày sau khi đăng ký thành lập.

Không chỉ giảm vốn, Thaispace còn chuyển loại hình hoạt động sang mô hình công ty TNHH, rồi đổi luôn tên sang một cái tên hoàn toàn mới – Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Bãi Thơm Phú Quốc. Cùng với đó, danh sách thành viên góp vốn cũng chỉ còn 2 bên, là Thaiholdings với tỷ lệ góp vốn 16,98% (tương ứng hơn 386,36 tỷ đồng) và ông Nguyễn Đức Thuỵ với số vốn góp 1.888,6 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ 82,02%. Tên của hai người con của bầu Thuỵ hoàn toàn vắng bóng.

screen-shot-2022-10-12-at-224326-1665642973.png
 

 

Lại nói về Dự án ENCLAVE Phú Quốc - bàn đạp cho Thaispace

Theo báo cáo, Dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng phức hợp ENCLAVE Phú Quốc do công ty con của Thaiholdings là CTCP Enclave Phú Quốc thực hiện, nhằm đầu tư xây dựng khu phức hợp nghỉ dưỡng và căn hộ cao cấp tại Bãi Thơm, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Dự án có tổng vốn đầu tư 9.810 tỷ đồng.

screen-shot-2022-10-12-at-235716-1665642985.png
 

 

Công ty đã có thông báo thu hồi đất và làm công tác kiểm đếm trong quý 4/2021 và dự kiến quý 2/2022 sẽ hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng. Tài sản xây dựng cơ bản dở dang tại dự án này đến 30/6/2022 là hơn 23 tỷ đồng.

Đối với việc đầu tư dự án ENCLAVE Phú Quốc, trước đó năm2021 Đại hội cổ đông thường niên Thaiholdings đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ công ty từ 3.500 tỷ đồng hiện nay lên thành 6.800 tỷ đồng, trong đó khoảng 50% số tiền huy động được từ đợt phát hành sẽ để mua cổ phần phát hành riêng lẻ của ENCLAVE Phú Quốc.

Tuy vậy do diễn biến phức tạp nên Ban điều hành công ty gặp khó khăn trong việc thực hiện dự án đầu tư Khu nghỉ dưỡng phức hợp Enclave Phú Quốc. Do vậy Thaiholdings đánh giá năm 2021 chưa phải là thời điểm thích hợp để phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Do vậy công ty quyết định dừng việc tăng vốn để mua thêm cổ phần ENCLAVE Phú Quốc.

Một điều khá trùng hợp là sau khi giảm vốn, đổi tên Thaispace liên quan mật thiết đến…vũ trụ thì tên mới của công ty là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Bãi Thơm Phú Quốc liên quan đến địa chỉ của Dự án ENCLAVE Phú Quốc – nơi Thaispace ban đầu dự kiến lấy làm “bàn đạp” cho việc bay vào vũ trụ.

Bầu Thuỵ đã rút hết vốn tại Thaiholdings

Trong khi các nhà đầu tư đang “soi” đến Thaispace và số vốn điều lệ “khủng” ban đầu, thì một số khác lại “lo lắng” xem bầu Thuỵ “xoay” tiền thế nào để có hơn 20.000 tỷ đồng góp vốn vào công ty này. Ngay lập tức câu trả lời đã có một phần: Thaispace giảm vốn điều lệ. Câu trả lời tiếp theo là Bầu Thuỵ thoái hết vốn tại Thaiholdings.

Báo cáo ghi nhận trong tháng 6/2022 bầu Thuỵ đã bán đi toàn bộ 87,4 triệu cổ phiếu THD, thu về khoảng 3.400 tỷ đồng. 

(Còn tiếp)

Thaiholdings (THD) và những cách "xoay tiền", lãi nghìn tỷ dễ dàng từ bán các khoản đầu tư

Bạn đang đọc bài viết ""Siêu" như Thaiholdings: Góp vốn thành lập công ty trong lĩnh vực vũ trụ để...vay tiền" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).