SMC lỗ nặng trong quý III/2022

27/10/2022 08:38

Trong quý III/2022, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) ghi nhận doanh thu đạt 5.672,05 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 219,41 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 128,85 tỷ đồng, tức giảm 348,26 tỷ đồng. Đáng chú ý, công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp âm.

Cụ thể, trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 301,07 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương ứng giảm về 66,61 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 15,2% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 4,8 tỷ đồng lên 36,35 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 95,9%, tương ứng tăng thêm 42,1 tỷ đồng lên 86,01 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 83%, tương ứng tăng thêm 47,98 tỷ đồng lên 105,76 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, SMC ghi nhận lỗ 219,41 tỷ đồng trong quý III do nguyên nhân chủ yếu là kinh doanh dưới giá vốn và chi phí tài chính tăng cao.

-1342-1666687162.jpg

Việc ghi lỗ trong quý III đã xoá toàn bộ lãi trong 6 tháng đầu năm của SMC. (Ảnh: Int)

Theo đại diện công ty, trong quý III, sản lượng thép bán ra tăng 64% đã giúp doanh thu tăng 37%. Tuy nhiên, do giá cả thị trường vẫn tiếp tục giảm nhanh trong quý III liên quan đến hàng hoá thép dẹt, làm lợi nhuận biên thấp so với mức tăng chi phí của hoạt động kinh doanh. Do đó, lợi nhuận gộp ghi nhận âm, nói cách khác là kinh doanh dưới giá vốn.

Đáng chú ý, đây là quý lỗ đầu tiên của SMC trong 10 quý liên tiếp. Quỹ lỗ gần nhất là quý IV/2019 với mức lỗ 5,77 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu đạt 18.948,59 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 93,67 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 868,99 tỷ đồng. Như vậy, việc ghi lỗ trong quý III đã xoá toàn bộ lãi trong 6 tháng đầu năm.

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm 2022, SMC ghi nhận dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm 668,3 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 1.537 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 236,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 580,4 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ. Điều này cho thấy, công ty phải tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt.

Đây không phải năm đầu tiên dòng tiền âm, trước đó năm 2021, công ty cũng đã ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 752,28 tỷ đồng.

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của SMC tăng 5,7% so với đầu năm lên 9.515,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 3.296,1 tỷ đồng, chiếm 34,6% tổng tài sản; tồn kho đạt 2.282,9 tỷ đồng, chiếm 24% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 1.554,4 tỷ đồng, chiếm 16,3% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 1.247,1 tỷ đồng, chiếm 13,1% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 15,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 438 tỷ đồng lên 3.296,1 tỷ đồng. Trong đó, có tới 2.749,3 tỷ đồng là phải thu của khách hàng trong nước.

Ngoài ra, tính tới cuối quý III, tồn kho của công ty lên tới 2.282,9 tỷ đồng. Trong đó, 1.133,2 tỷ đồng nguyên vật liệu; 657,7 tỷ đồng thành phẩm; 446,4 tỷ đồng hàng hoá; và 45,6 tỷ đồng công cụ, dụng cụ.

Mặc dù sở hữu tồn kho lên tới 2.282,9 tỷ đồng nhưng công ty không ghi trích lập dự phòng giảm giá tồn kho so với đầu năm phải dự phòng 118,7 tỷ đồng.

Thêm nữa, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 7,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 263,3 tỷ đồng lên 3.868,4 tỷ đồng, chiếm 40,7% tổng nguồn vốn.

Trên sàn chứng khoán, cùng với ảnh hưởng tiêu cực của toàn ngành thép, cổ phiếu SMC không ngừng lao dốc. Chốt phiên ngày 25/10, cổ phiếu SMC giảm sàn về 11.550 đồng/cp, đánh dấu 2 phiên giảm sàn liên tiếp trong chuỗi 7 phiên giảm giá.

Bạn đang đọc bài viết "SMC lỗ nặng trong quý III/2022" tại chuyên mục Doanh Nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).