SMC thấp thỏm trong “vòng xoáy” của giá nguyên liệu

02/06/2022 10:43

Lợi nhuận của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã cổ phiếu SMC, sàn HOSE) sụt giảm trong quý I/2022 do giá vốn hàng bán tăng. Tuy nhiên, điều có thể gây “thấp thỏm” hơn khi nhìn vào bức tranh tài chính của doanh nghiệp này là quy mô hàng tồn kho tăng cao, trong khi bối cảnh giá thép đang có những biến giảm thời gian gần đây.

Lợi nhuận SMC suy giảm

Theo kết quả kinh doanh quý I/2022, SMC đạt doanh thu thuần 6.630 tỷ đồng, tăng so với kết quả 5.070 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm mạnh khi chỉ đạt 80,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước đạt 216 tỷ đồng.

Lý do lợi nhuận sụt giảm mạnh do giá vốn hàng bán trong kỳ kinh doanh quý I/2022 tăng khá mạnh với giá trị đạt 6.436 tỷ đồng, trong khi giá vốn hàng bán quý I/2021 chỉ là 4.638 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận gộp kỳ kinh doanh quý I/2022 chỉ đạt 194 tỷ đồng trong khi lợi nhuận gộp quý I/2021 là 432 tỷ đồng.

SMC thấp thỏm trong “vòng xoáy” của giá nguyên liệu
SMC thấp thỏm trong “vòng xoáy” của giá nguyên liệu. Ảnh: T.L

 

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý I/2022 đạt hơn 89 tỷ đồng, giảm 64% so với mức 247 tỷ đồng cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 80,5 tỷ đồng, giảm 63% so với quý I/2021.

Thực tế, bối cảnh kinh doanh năm 2022 được chính SMC dự trù sẽ khó khăn hơn so với năm 2021, theo đó, kế hoạch kinh doanh cũng được doanh nghiệp này đặt ra khá khiêm tốn so với kết quả đạt được năm ngoái.

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2022 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, SMC dự kiến đạt tổng sản lượng tiêu thụ là 1.250 nghìn tấn, doanh thu bán hàng là 20 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng.

Trong khi đó trong năm 2021, công ty đạt tổng sản lượng 1.287 nghìn tấn, doanh thu bán hàng đạt 21.315 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 901 tỷ đồng.

Các con số về kế hoạch 2022 và kết quả thực tế năm 2021 cho thấy tất cả các chỉ tiêu kinh doanh năm 2022 đều đặt thấp hơn so với thực hiện năm 2021, đặc biệt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2022 chỉ đặt ra ở mức bằng 1/3 so với lợi nhuận sau thuế năm 2021.

Không chỉ sụt giảm kinh doanh, bức tranh tài chính của doanh nghiệp thép này cho thấy doanh nghiệp đang còn phải đối diện với tỷ lệ nợ vẫn tiếp tục tăng cao dù đã ở mức khá cao trước đó.

Cụ thể nợ phải trả của SMC tại thời điểm 31/3/2022 đã đạt mức 7.429 tỷ đồng, tiếp tục tăng thêm khoảng gần 13% so với thời điểm đầu năm 2021. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu theo đó cùng tăng từ mức khoảng 2,7 lần thời điểm đầu năm lên xấp xỉ 3 lần thời điểm cuối năm. Điều đáng chú ý, nợ phải trả của đại gia ngành thép này chủ yếu là nợ ngắn hạn, quy mô riêng nợ ngắn hạn cũng đã lên tới 6.960 tỷ đồng, chiếm tới 94% tổng giá trị nợ của công ty cùng thời điểm.

Tỷ lệ nợ phải trả của SMC theo đang ở mức cao hơn khá nhiều so với một số doanh nghiệp thép khác.

Chẳng hạn, quy mô nợ phải trả của Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) tại ngày 31/3/2022 ở mức 10.708 tỷ đồng, nhỏ hơn vốn chủ sở hữu cũng thời điểm; Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG) cũng có quy mô nợ là 86.889 tỷ đồng, cũng thấp hơn vốn chủ sở hữu của công ty này.

Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG) có giá trị nợ tại ngày 31/3/2022 là 10.200 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ lớn gấp khoảng hơn 1,6 lần vốn chủ sở hữu, tỷ lệ nợ này cũng vẫn thấp hơn khá nhiều so với tỷ lệ nợ của SMC.

“Thấp thỏm” với hàng tồn kho

Ngoài những vấn đề kinh doanh sụt giảm hay tỷ lệ nợ cao, điểm gợn đáng chú ý khác trong các con số tài chính của SMC còn nằm ở diễn biến hàng tồn kho. Cụ thể, hàng tồn kho doanh nghiệp này đang tiếp tục tăng trong quý I/2022, từ 2.544 tỷ đồng thời điểm đầu năm 2022 lên mức 3.048 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 3/2022 (tăng khoảng gần 20%).

Trong cơ cấu hàng tồn kho của SMC, hàng tồn kho là hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất với giá trị tại thời điểm cuối tháng 3/2022 là 1.354 tỷ đồng, tiếp đến là nguyên vật liệu với giá trị là 1.121 tỷ đồng. Hàng tồn kho là thành phẩm chiếm tỷ trọng khá nhỏ chỉ với giá trị gần 467 tỷ đồng.

Việc tích giữ nhiều hàng tồn kho tỏ ra một trong phương thức hiệu quả cho một số doanh nghiệp trong thời điểm giá nguyên liệu tăng. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi, bởi đó cũng có thể làm hao mòn sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong tình huống giá nguyên liệu giảm.

Riêng với thị trường thép, thời gian gần đây giá thép đang có diễn biến quay đầu đi xuống sau chu kỳ tăng giá trước đó, khi riêng trong tháng 5, giá thép trong nước đã giảm 3 lần liên tiếp. Ở thị trường nước ngoài, giá thép trên Sàn giao dịch Thượng Hải cuối tháng 5 cũng giảm xuống mức 4.607 nhân dân tệ/tấn, tương đương 16,03 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân giảm giá mặt hàng này là do giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép đã giảm đáng kể.

Trong bối cảnh diễn biến giá thép đang khá nhạy cảm thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp thép lớn khác đã có vẻ dự trù những biến động bất thường của giá thép nên một số doanh nghiệp đã giảm dần lượng tích trữ hàng tồn kho trong thời gian vừa qua. Hòa Phát đã giảm hàng tồn kho từ 42.134 tỷ đồng thời điểm đầu năm 20022 xuống còn 40.036 tỷ đồng thời điểm cuối tháng 3. Tập đoàn Hoa Sen cũng đang giảm hàng tồn kho từ 12.349 tỷ đồng thời điểm cuối tháng 10/2021 xuống 11.625 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2022. Thép Nam Kim có giá trị hàng tồn kho có tăng so với đầu năm, ghi nhận giá trị 8.502 tỷ đồng, nhưng mức tăng cũng không lớn, chỉ tăng khoảng 2,7%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng hàng tồn kho tới gần 20% trong giai đoạn này của SMC.

So sánh giá trị hàng tồn kho của SMC so với một số doanh nghiệp thép khác tại thời điểm cuối tháng 3/2022 (Đơn vị: tỷ đồng)

  SMC Hoa Sen Hòa Phát Thép Nam Kim
Hàng tồn kho 3.047 11.625 40.036 8.502
Vốn chủ sở hữu 2.499 11.504 98.958 6.237

Hàng tồn kho/vốn chủ sở hữu

Hàng tồn kho/tổng tài sản

1,2 lần 1,01 lần 0,4 lần 1,4 lần

Bạn đang đọc bài viết "SMC thấp thỏm trong “vòng xoáy” của giá nguyên liệu" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).