Đưa công trình 27 tầng vào sử dụng khi chưa đáp ứng quy định PCCC
Công trình toà nhà Văn Phòng Nam Cường được xây dựng trong Khu đô thị Dương Nội. Theo Thiết kế cơ sở được Bộ Xây dựng thẩm định do Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Bùi Phạm Khánh ký tại văn bản số 664/BXD-HĐXD ngày 21/4/2009, phần kiến trúc của Dự án toà nhà Văn Phòng Nam Cường được lập theo Quyết định số 1955/QĐ-UBND ngày 02/7/2008 điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 1:500 Khu đô thị mới Dương Nội.
Theo đó, công trình cao 27 tầng (Quy hoạch 1:500 đã điều chỉnh quy định 25 tầng) và 1 tầng hầm. Công trình được xây trên phần đất 8648 m2 trong khuôn viên lô đất ký hiệu KS có tổng diện tích 45016m2 thuộc khu đô thị mới Dương Nội, Hà Đông. Mật độ xây dựng toàn lô 30%. Tầng hầm bố trí đỗ xe và phòng kỹ thuật.
Từ tầng 1 đến tầng 5 diện tích sàn xây dựng mỗi tầng 2865m2 tạo thành khối đế, bố trí văn phòng làm việc của nhân viên Tập đoàn Nam Cường. Từ tầng 6 đến tầng 27, diện tích mỗi sàn xây dựng 1250m2 tạo thành khối tháp, bố trí văn phòng cho thuê và tầng kỹ thuật.
Báo cáo số 5520/BC-SXD ngày 18/7/2013 gửi UBND TP Hà Nội liên quan đến Dự án Khu đô thị mới Dương Nội về xử lý số liệu khớp nối đối với các căn biệt thự liền kề, Sở Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội, công trình trên đã được đưa vào sử dụng trước đó.
Như vậy, dựa vào văn bản pháp lý nào Sở Xây dựng lại để xuất UBND TP Hà Nội tiếp tục “cho” Tập đoàn Nam Cường thực hiện xây dựng Dự án trong khi không xử lý sai phạm rất rõ khi Tập đoàn Nam Cường đưa công trình 27 tầng vào sử dụng khi chưa đáp ứng điều kiện về PCCC.
Đáng chú ý, Dự án công trình toà nhà văn phòng Nam Cường được khởi công năm 2008 và hoàn thành năm 2010 (trước cả thời điểm lô đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và được các cơ quan có thẩm quyền (Bộ Xây Dựng) thẩm định thiết kế cơ sở, là căn cứ để lập bản vẽ thi công.
Điều 72 Luật Xây Dựng 2003 quy định, một trong những điều kiện để khởi công công trình là bản vẽ thi công được phê duyệt.
Xem xét truy tố hình sự các chủ đầu tư chây ì khắc phục
Trước đó, UBND TP.Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP còn nhiều tồn tại, vi phạm về PCCC phổ biến như việc đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC. Cụ thể, chung cư CT1 Usilk City tại La Khê (Hà Đông) do Công ty CP Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư; tòa nhà SME Hoàng Gia tại phường Quang Trung (Hà Đông) do Công ty CP tập đoàn BĐS Hoàng Gia làm chủ đầu tư; tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh Nhân tại Phường Mộ Lao (Hà Đông) do Công ty CP xuất nhập khẩu Tây Đô làm chủ đầu tư; chung cư cao tầng và dịch vụ Phương Đông (Mỹ Sơn Tower), số 62 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) do Công ty CP Đầu tư và xuất nhập khẩu Mỹ Sơn làm chủ đầu tư...
Ngoài ra, còn có các vi phạm như việc không đảm bảo giao thông phục vụ chữa cháy; không đủ số lượng lối ra thoát nạn và không duy trì được các điều kiện an toàn về PCCC của lối ra thoát nạn; chưa trang bị đầy đủ hệ thống, phương tiện PCCC, không thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ...
Một bộ phận chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở chưa thực hiện nghiêm trách nhiệm người đứng đầu trong công tác PCCC theo quy định của pháp luật.
Bất tuân chỉ đạo UBTP Hà Nội tiếp tục triển khai thủ tục xây dựng 653 căn biệt thự
Khoản 3 Điều 41 Luật Đầu tư, trường hợp kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu, Nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Văn bản 4081/UBND-KHDT ngày 04/08/2018 do Phó chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng xử lý tiến độ độ dự án chỉ đạo Tập đoàn Nam Cường liên hệ với cơ quan chuyên môn của TP Hà Nội để được hướng dẫn điều chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của Đồ án, Dự án phù hợp với phân khu đô thị S4 tỷ lệ 1:5000 được duyệt. Trên cơ sở đó hoàn thiện thủ tục trình UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh Dự án chậm nhất quý 1/2019.
Dự án Khu đô thị mới Dương Nội phải điều chỉnh tiến độ nhiều lần (02 lần), Dự án phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt điều chỉnh dự án. Thế nhưng trong khi Dự án chưa được phê duyệt điều chỉnh, Tập đoàn Nam Cường vẫn ngang nhiên thi công công trình trong Dự án.
Mới nhất, tại phân khu B khu đô thị Dượng Nội, Tập đoàn Nam Cường đang triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng với các thửa đất có ký hiệu P, S, Q, R với gần 653 căn biệt thự như thẩm tra hồ sơ thiết kế (bản vẽ, thuyết minh, dự toán) theo từng giai đoạn thiết kế Công trình: Biệt thự Song lập – Shop Villa khu B, thiết kế cảnh quan đường phố khu F-G và các lô cây xanh (F-CX01, F-CX02, G-CX02, G-CX03, J-CX02, J-CX04) và Thiết kế cảnh quan khu B.
Tất cả các hạng mục trên đều do Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Tập đoàn Nam Cường Nguyễn Đức Vinh triển khai và tổ chức mời thầu.
Dư luận đặt câu hỏi, vì sao sau hàng loạt những dấu hiệu vi phạm pháp luật xây dựng, đầu tư rất rõ ràng nhưng đến thời điểm này vẫn chưa bị cơ quan có thẩm quyền là UBND TP Hà Nội “vào cuộc” thanh tra, làm rõ những sai phạm trong thi công xây dựng của Tập đoàn Nam Cường tại Dự án Khu đô thị mới Dương Nội.
Ngày 16/3/2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 757/UBND-NC về thực hiện chỉ tiêu khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã đưa vào hoạt động năm 2022. Trong đó, yêu cầu Công an TP Hà Nội và UBND quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công an và mục tiêu Kế hoạch số 151/KH-UBND TP đề ra, không để phát sinh thêm công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng, phải xây dựng và hoàn thiện giải pháp, kế hoạch khắc phục các tồn tại về PCCC theo quy định. Đảm bảo trong năm 2022 có tối thiểu 30% công trình vi phạm trên địa bàn được cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.
UBND TP cũng chỉ đạo Thống kê danh sách công trình vi phạm, nêu rõ lộ trình, tiến độ thời gian thực hiện đối với từng công trình vi phạm trên địa bàn, bao gồm cả số công trình phải khắc phục xong và được cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC trong năm 2022.