Thương hiệu nổi tiếng “bảo vệ” môi trường của Sóc Sơn?
Nhà bên rừng U Lesa Retreat có thể nói là một trong những resort đẹp và nổi tiếng nhất tại Sóc Sơn được du khách và đặc biệt là các bạn trẻ vô cùng yêu thích. Nhà bên rừng U Lesa Retreat cũng xuất hiện tại rất nhiều các website chuyên về du lịch, nghỉ dưỡng như airbnb.com.vn, villasocson.com, mia.vn, mytour.vn, agoda.com, reviewvilla.vn…
Theo đó, U Lesa Retreat hiện sở hữu hệ thống phòng nghỉ đa dạng gồm 13 bungalow nhỏ, có thể kể đến như: nhà thùng sắt, phòng papa, nhà gỗ rừng thông, nhà hoa giấy, nhà ổ rồng, phòng osaka, nhà hobbit… Đồng thời, U Lesa Retreat còn liên kết với những nhà nghỉ dưỡng, resort lân cận để cung cấp dịch vụ lưu trú cho các nhóm nhỏ và đoàn đông người.
Hiện tại, giá thuê các căn nghỉ dưỡng của U Lesa Retreat rơi vào khoảng 1,2 triệu đến 4,5 triệu đồng/ngày tùy vào diện tích và dịch vụ. Các dịch vụ có thể sử dụng tại đây bao gồm thịt nướng BBQ, bể bơi chung, khu vui chơi trẻ em, sân bóng rổ, cà phê, nhà hàng như Savio Bar & Restaurant, Quán bên rừng, Kafa café…
Đáng nói là tổ hợp nghỉ dưỡng U Lesa Retreat được xây dựng và hoạt động trong khu vực rừng phòng hộ tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn - một điểm nóng về vấn đề tàn phá rừng phòng hộ để kinh doanh thu lợi bất chính.
Trả lời báo chí năm 2018, ông Lê Văn Sơn - nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội cho hay: Toàn bộ khu vực thôn Lâm Trường có diện tích rừng phòng hộ khoảng hơn 100ha, chưa có bất kỳ khu dịch vụ nào được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Tất cả đều là tự phát, bởi đã là rừng phòng hộ thì không thể xây dựng nhiều công trình trên đó được.
Như vậy, huyện Sóc Sơn không được hưởng lợi gì từ những khu dịch vụ trên, trái lại còn xảy ra nhiều bất cập về quản lý bảo vệ rừng, nguy cơ gây cháy rừng, gây mất an ninh trật tự từ hoạt động kinh doanh trái phép này là rất cao.
Cơ quan chức năng “ngó lơ”?
Với việc đã đi vào hoạt động được 04 năm, và tiếp tục mở rộng diện tích kinh doanh khi đang tiến hành thi công, xây dựng thêm công trình, thì khó có thể nói hoạt động của U Lesa Retreat lại bị các cơ quan quản lý địa phương là UBND xã Minh Phú và Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội “bỏ quên”.
Có mặt tại U Lesa Retreat, phóng viên (PV) không khỏi ngỡ ngàng về quy mô rộng lớn của khu nghỉ dưỡng này. Quả thật, U Lesa Retreat mang lại cảm giác như thể nơi đây được xây dựng để trở nên “thân thiện” với môi trường, sử dụng tông màu nâu cùng các loại gỗ ép, đan xen giữa cây cối và công trình.
Thế nhưng, để xây dựng U Lesa Retreat với những công trình phục vụ cho nhu cầu của con người này, thì bao nhiêu cây cối đã bị đốn hạ, bao nhiêu hecta rừng đã bị xâm chiếm bất hợp pháp, bao nhiêu khói thải từ hoạt động nấu nướng, xe cộ mà khu rừng phải hứng chịu? Thử hỏi, trường hợp những bữa tiệc BBQ nướng than không may gây cháy thì thiệt hại của rừng phòng hộ chắc chắn sẽ không thể lường hết được?
Dù rằng cả trăm hecta rừng tại đây không phải rừng nguyên sinh cần phải đặc biệt bảo tồn, thế nhưng chúng vẫn là rừng phòng hộ, với vai trò bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường, hạn chế xâm nhập mặn, chắn cát, chống nạn cát bay, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, rừng nói chung còn là thảm thực vật giữ vai trò to lớn đối với các sinh vật sống khác không chỉ với con người, với chức năng điều hòa khí hậu, tạo ra oxy, điều hòa nước, là nơi cư trú động thực vật và tàng trữ các nguồn gen động vật quý hiếm. Vô hình chung, các hoạt động của con người tại đây đã có tác động không tốt tới môi trường sống của các sinh vật phụ thuộc vào rừng.
Với khẩu hiệu “cố gắng sử dụng rất nhiều biện pháp với mong muốn bảo vệ môi trường một cách tối đa”, thế nhưng, những hoạt động thực tế của U Lesa Retreat lại đang tàn phá rừng phòng hộ?
Để làm rõ vấn đề về xây dựng, an toàn thực phẩm và hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng của U Lesa Retreat có thể ảnh hưởng xấu thể nào tới môi trường rừng xung quanh, PV đã nhiều lần liên hệ với U Lesa Retreat, tuy nhiên, đơn vị này chỉ “im lặng”, không có bất kỳ phản hồi nào.
Không chỉ có các đơn vị vận hành các khu nghỉ dưỡng tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú là đáng lên án, mà chính cơ quan địa phương là UBND xã Minh Phú và Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội cũng cần phải chịu trách nhiệm cho tình trạng lấn chiếm, tàn phá và trục lợi từ rừng phòng hộ.
Được biết, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội từng bị UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định kỷ luật với hình thức Cảnh cáo hồi tháng 9/2019. Đến hiện tại, thực tế cho thấy thực trạng lấn chiếm, kinh doanh trong rừng phòng hộ (dù chỉ cách Bản quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội 2km) lại chẳng hề thuyên giảm, mà còn có chiều hướng gia tăng.
Dư luận đặt ra nghi vấn, liệu có lợi ích nhóm trong việc bỏ mặc các hoạt động nghi lấn chiếm rừng phòng hộ tại nơi này? Vì lý do gì mà cơ quan hành chính địa phương lại né tránh trả lời báo chí, đồng thời “bỏ qua” cho các sai phạm ngày ngày tiếp diễn?
Phá rừng phòng hộ tại Sóc Sơn, dư luận từng "dậy sóng"
Việc những cánh rừng phòng hộ tại địa bàn huyện Sóc Sơn nói chung bị tàn phá vô tội vạ để xây nên những công trình kiên cố phục vụ tham quan du lịch, nhà ở, kinh doanh... có diện tích xây dựng từ vài chục đến vài trăm mét vuông vốn chẳng phải gần đây mới có. Thực tế, thời điểm những năm 2018, không ít cơ quan báo chí, truyền hình nói lên thực trạng này.
Chính vì lẽ đó mà ngày 22/10/2018, tại huyện Sóc Sơn, Thanh Tra thành phố Hà Nội đã chính thức công bố Quyết định thanh tra số 5129/QĐ-TTLN về việc thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn hai xã Minh Phú và Minh Trí (huyện Sóc Sơn) và Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội thuộc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Hà Nội trong việc quản lý, sử dụng rừng giai đoạn từ năm 2008 - 2018 do bà Nguyễn Thị Nguyệt - Trưởng phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo làm trưởng đoàn. Đoàn thanh tra cũng có nhiệm vụ làm rõ quá trình thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ đã được công bố từ năm 2006.
Thế nhưng, dường như việc đã đi vào quên lãng, và tình trạng phá rừng phòng hộ tại Sóc Sơn vẫn tiếp túc kéo dài, không có hồi kết.