Sơ phác về 'đế chế' đa ngành Dragon Group của bà Vũ Thị Thà
Dragon Group tiền thân là xí nghiệp Quang Trung, được thành lập từ năm 1992 và đổi tên vào năm 2009. Doanh nghiệp có trụ sở tại Km3+500 đường Hùng Vương, phường Phú Khánh, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Sau nhiều năm miệt mài tăng vốn, hiện Dragon Group có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch HĐQT Vũ Thị Thà là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 58,2% vốn điều lệ. Tổng giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật của Dragon Group là ông Vũ Ngọc Tuyến.
Bà Vũ Thị Thà (sinh năm 1964) xuất thân là cán bộ đoàn. Đến năm 1989, bà Thà chuyển sang làm kinh doanh với mặt hàng đầu tiên là thảm đay xuất khẩu. Từ một xí nghiệp sản xuất thảm đay, theo giới thiệu, Dragon Group hiện đã là một doanh nghiệp hoạt động đa ngành với 3 lĩnh vực chính là công nghiệp, dịch vụ - thương mại và xây dựng.
Trong lĩnh vực dịch vụ thương mại, Dragon Group hoạt động bán buôn, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thái Bình với thương hiệu DragonPetrol; dịch vụ vận tải (taxi, dịch vụ chuyển phát nhanh, xe khách) với thương hiệu 17 Plus...
Với lĩnh vực xây dựng, trong vai trò thành viên liên danh, Dragon Group trúng nhiều gói thầu thi công công trình giao thông lớn trên địa bàn tỉnh Thái Bình và các tỉnh/thành khác, với tổng quy mô trúng thầu lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Có thể kể đến như gói thầu thi công xây dựng công trình tuyến số 1 và tuyến số 2 tại dự án dầu tư xây dựng công trình các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong khu kinh tế tỉnh Thái Bình (giá trúng thầu gần 308 tỷ đồng); gói thầu thi công xây dựng công trình và lắp đặt thiết bị tại dự án đường vành đai phía Nam TP. Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài (giá trúng thầu 776,5 tỷ đồng).
Hay như gói thầu thi công xây dựng tại dự án đường liên khu vực 6 (đoạn từ đường liên khu vực 1 đến đường vành đai 3,5), huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội; gói thầu thi công xây dựng đảo giao thông 2 - giải phân cách 3 tại dự án trang trí thảm hoa giải phân cách (đường từ Quốc lộ 3 cũ đi đê Sông Công), TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Gói thầu thi công xây lắp, gồm: san lấp mặt bằng, hồ nước, đường và hạ tầng vào đền tại dự án đầu tư xây dựng công trình đền thờ các bà mẹ Việt Nam anh hùng tại Thái Bình; gói thầu xây lắp tại dự án đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai (tuyến phía Bắc), đoạn từ Quốc lộ 2C đến đường Hợp Thịnh - Đạo Tú (Vĩnh Phúc)...
Thống kê của VietnamFinance cho thấy Dragon Group đã tham gia tổng cộng 18 gói thầu, trong đó trúng 17 gói, trượt 1 gói, với tổng giá trị trúng thầu là hơn 3.000 tỷ đồng.
Ngoài vai trò nhà thầu, Dragon Group còn được biết đến là nhà đầu tư dự án xây dựng đường Kỳ Đồng kéo dài, TP. Thái Bình (đoạn từ đường Trần Thủ Độ đến Quốc lộ 10) thực hiện theo loại hợp đồng BT, hoàn thành vào tháng 10/2021.
Đổi lại, Dragon Group được thực hiện 2 dự án đối ứng là dự án phát triển nhà ở 2 bên đường Kỳ Đồng kéo dài (Thái Bình Dragon City, quy mô 488.974m2, gồm 118 lô biệt thự, 1.039 nhà ở liền kề và nhà phố shophouse) và dự án khu dân cư mới xã Vũ Phúc (DragonHomes Eco City Thái Bình, quy mô 310.000m2).
Bên cạnh đó, Dragon Group hiện là chủ đầu tư dự án tiểu khu đô thị số 21, khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường, phường Bắc Cường, TP. Lào Cai (DragonHomes Metropolis Lào Cai, quy mô 92.000m2).
Tiếp nối các dự án trên, thời gian gần đây, Dragon Group cũng tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án bất động sản mới thông qua việc đăng ký thực hiện dự án có sử dụng đất.
Gần đây nhất, Dragon Group đã đăng ký thực hiện dự án phát triển nhà ở thương mại khu dân cư Đồng Bến, thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích hơn 223.063m2, tổng chi phí thực hiện dự kiến hơn 342,5 tỷ đồng. Đối thủ cạnh tranh với Dragon Group tại dự án này là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phú Thành.
Trước đó, Dragon Group liên danh cùng Công ty Cổ phần Thương mại Dạ Hợp đã "rộng cửa" tại dự án khu nhà ở công nhân và dịch vụ công nghiệp quy mô 478 tỷ đồng tại xã Quang Tiến (TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) khi là nhà đầu tư duy nhất vượt qua bước đánh giá năng lực, kinh nghiệm.
Kinh doanh trồi sụt, nợ cán mốc nghìn tỷ
Theo dữ liệu của VietnamFinance, trong giai đoạn 2019 - 2021, tài sản của Dragon Group không ngừng được bồi đắp. Cụ thể, từ mức hơn 1.500 tỷ vào năm 2019, tài sản của doanh nghệp tăng lên 1.664 tỷ đồng vào năm 2020 và cán mốc gần 2.200 tỷ vào năm 2021.
Chiếm hơn nửa tổng tài sản của Dragon Group là sản dài hạn, đặc biệt là tài sản dở dang và các khoản đầu tư tài chính. Đặc biệt, trong 3 năm qua, khoản đầu tư tài chính vào các công ty con của doanh nghiệp này tăng từ 367,8 tỷ đồng lên mức 776,6 tỷ đồng.
Về tài sản ngắn hạn, các khoản phải thu của Dragon Group trong những năm qua cũng rất đáng quan ngại Ngoài ra, hàng tồn kho luôn ở mức cao cũng là điểm đáng lưu tâm trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp này.
Theo đó, nếu như năm 2019, hàng tồn kho của Dragon Group chỉ ở mức gần 110 tỷ đồng (chiếm 7% tổng tài sản), thì đến năm 2020, hàng tồn kho đã tăng lên 606 tỷ đồng (chiếm hơn 36% tổng tài sản). Đến cuối năm ngoái (2021), con số này giảm xuống còn 406,1 tỷ đồng.
Việc duy trì hàng tồn kho khá lớn sẽ khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro khi nhu cầu thị trường tiêu thụ giảm khiến cho giá bán cũng sụt giảm theo, từ đó biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp do giá vốn hàng bán chiếm tỷ trọng lớn từ hàng tồn kho giá cao. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho do giá trị hiện tại giảm mạnh so với giá gốc ban đầu khiến cho lợi nhuận sụt giảm.
Về nguồn vốn, trong giai đoạn 2019 - 2021, Dragon Group có màn tăng vốn ấn tượng. Cụ thể, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tăng đều đặn trong 3 năm qua, từ mức 652,9 tỷ đồng vào năm 2019, lên 761,8 tỷ vào năm 2020. Đến năm 2021, vốn chủ sở hữu của Dragon Group tiếp tục tăng lên mức gần 1.200 tỷ đồng. Như vậy 3 năm qua, vốn chủ của doanh nghiệp đã tăng gần gấp 2 lần.
Diễn biến cùng chiều với vốn chủ sở hữu, nợ phải trả của Dragon Group trong giai đoạn này cũng liên tục gia tăng. Doanh nghiệp này nợ hơn 881 tỷ đồng vào năm 2019, rồi tiếp tục nợ 903 tỷ đồng vào năm 2020. Tính đến tháng 12/2021, nợ phải trả của doanh nghiệp đã gần cán mốc 1.000 tỷ đồng (chiếm gần 1/2 nguồn vốn). Cơ cấu nợ của Dragon Group chủ yếu là nợ ngắn hạn, đặc biệt là các khoản phải trả.
Bảng cân đối kế toán của Dragon Group cũng cho thấy các khoản nợ vay dài hạn của doanh nghiệp đã tăng gấp 22 lần trong 3 năm qua. Từ mức 12,9 tỷ đồng vào năm 2019, nợ vay dài hạn của Dragon Group đã tăng lên mức 266 tỷ đồng vào năm ngoái (2021).
Cũng theo dữ liệu của VietnamFinance, tình hình kinh doanh của Dragon Group trong giai đoạn 2019 – 2021 khá thất thường. Cụ thể, giai đoạn 2019 - 2020, doanh thu thuần của doanh nghiệp giảm gần 1 nửa, từ 852,6 tỷ đồng xuống còn 447 tỷ đồng. Tuy vậy, đến năm tiếp theo (2021), doanh thu thuần lại đột ngột tăng mạnh gấp 2,5 lần, lên mức gần 1.100 tỷ đồng.
Doanh thu hàng trăm, thậm chí cán mốc cả nghìn tỷ đồng, nhưng giá vốn bán hàng lại không thể kiểm soát và luôn neo ở mức cao, lần lượt là 724,4 tỷ đồng (2019); 411,6 tỷ đồng (2020) và 850 tỷ đồng (2021), nên lợi nhuận gộp còn lại của Dragon Group cũng "teo tóp" đi nhiều. Từ năm 2019 - 2021, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp lần lượt là: 128,2 tỷ đồng; 36,1 tỷ đồng và 227,8 tỷ đồng.
Khoản đầu tư tài chính như đã đề cập ở phía trên cũng mang về cho Dragon Group hàng chục tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Nhờ đó, sau khi trừ đi các chi phí (lãi vay, bán hàng, quản lý doanh nghiệp), Dragon Group lần lượt lãi 9,2 tỷ đồng vào năm 2019 và gần 10 tỷ đồng vào 2020. Năm ngoái (2021), doanh nghiệp báo lãi hơn 128,5 tỷ đồng.
Thế chấp bàn ghế, quần áo, hàng tồn kho, sổ tiết kiệm
Trong bảng lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh của Dragon Group khá bấp bênh trong 3 năm qua. Cụ thể, năm 2019, dòng tiền kinh doanh của Dragon Group dương 334,3 tỷ đồng, nhưng năm tiếp theo (2020) lại âm tới 478,3 tỷ đồng.
Dòng tiền kinh doanh biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Dòng tiền âm có nghĩa rằng công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ không thu được tiền về. Rất may, tình trạng âm dòng tiền kinh doanh đã được Dragon Group cải thiện vào năm 2021, với con số dương gần 66 tỷ đồng.
Cũng theo dữ liệu mà VietnamFinance có được, trong giai đoạn 2019 - 2021, Dragon Group cũng tích cực mang tài sản đi thế chấp tại các ngân hàng trên địa bàn Thái Bình.
Đơn cử vào tháng 2/2019, Dragon Group thế chấp tổng cộng 1.149 thiết bị, máy móc tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Thái Bình. Tháng 9/2019, doanh nghiệp tiếp tục thế chấp 1 ô tô hiệu Mercedes-Benz GL 500 và 1 máy đào bánh lốp cũng tại BIDV chi nhánh Thái Bình.
Đến tháng 1/2020, cũng tại BIDV chi nhánh Thái Bình, Dragon Group đem thế chấp thêm nhiều thiết bị máy móc, thậm chí thế chấp cả các thiết bị văn phòng, bàn, ghế...
Sang tháng 1/2021, Dragon Group lại đem thế chấp 2 hợp đồng tiền gửi tiết kiệm tại Ngân Hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Vietcombank, chi nhánh Thái Bình.
Cũng tại Vietcombank chi nhánh Thái Bình, vào tháng 9/2021, Dragon Group tiếp tục thế chấp toàn bộ quyền khai thác, quản lý dự án đầu tư (quyền tài sản) của dự án nhà ở xã hội thuộc khu C, dự án án khu dân cư xã Vũ Phúc, TP. Thái Bình.
Tháng 6/2022, tại BIDV chi nhánh Thái Bình, Dragon Group đem thế chấp phần vốn góp của mình tại Công ty TNHH Dragontextiles 2; tháng 7/2022 lại thế chấp khoản phải thu/quyền đòi nợ trong hoạt động kinh doanh mảng may mặc, xây dựng và xăng dầu phát sinh từ các hợp đồng kinh tế mà doanh nghiệp đã ký/đã phát hành và sẽ ký/sẽ phát hành.
Cũng trong tháng 7/2022, Dragon Group tiếp tục đem thế chấp hàng tồn kho luân chuyển trong hoạt động kinh doanh mảng may mặc, xây dựng và xăng dầu, bao gồm: nguyên liệu chỉ may, bao bì may mặc, thành phẩm là quần áo may mặc gia công, nguyên vật liệu nhập thi công công trình cát đá, sắt thép...; xăng dầu tồn kho... được kê khai trong sổ sách kế toán.
Hay như đầu tháng 11 vừa qua, Dragon Group lại tiếp tục thế chấp 1 hợp đồng tiền gửi có kỳ tại BIDV chi nhánh Thái Bình.