CTCP Tàu Cao tốc Superdong - Kiên Giang (SKG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với lãi ròng đạt gần 42 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Diễn biến trái chiều
Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Superdong - Kiên Giang ghi nhận tổng doanh thu hơn 248 tỷ đồng và lãi ròng 68 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và tăng 190% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, Superdong - Kiên Giang đã hoàn thành 52% mục tiêu doanh thu và 95% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Mặc dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng tích cực nhưng trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 20/7, cổ phiếu SKG lại “nằm sàn” với khối lượng giao dịch tăng đột biến so với thông thường. Chốt phiên giao dịch, giá cổ phiếu SKG đạt 20.100 đồng/cp.
Trong khi đó, trước kỳ vọng mảng nhiệt điện nói chung và các doanh nghiệp nhiệt điện nói riêng được hưởng lợi nhờ hiện tượng El Nino, cổ phiếu NT2 của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 cũng tranh thủ bứt phá mạnh từ đầu năm và đạt đỉnh lịch sử vào hồi đầu tháng 6.
Trái với kỳ vọng của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, mới đây Dầu khí Nhơn Trạch 2 công bố báo cáo tài chính quý II/2023 “trượt dốc” với lãi trước thuế đạt 157 tỷ đồng, giảm tới 59% so với quý II/2022.
Còn CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang ghi nhận lợi nhuận giảm 49,9% trong 6 tháng đầu năm 2023, nhưng trên sàn chứng khoán, thống kê từ ngày 26/5 đến 20/7, cổ phiếu DGC bất ngờ tăng 44,9%, từ 50.300 đồng/cp lên 72.900 đồng/cp. Còn nếu tính từ đầu năm đến ngày 20/7, cổ phiếu DGC đã tăng 25,8%.
Một ví dụ khác với cổ phiếu nhóm ngành thép. Đây là nhóm cổ phiếu đang có diễn biến khả quan. Giới phân tích dự báo cổ phiếu nhóm này sẽ là điểm sáng cuối năm 2023. Tuy nhiên, báo cáo kết quả kinh doanh mới đây cho thấy, bức tranh kết quả kinh doanh quý II vẫn mang “màu xám”.
Đáng chú ý, trong khi hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành đưa ra thông điệp tích cực hơn là sẽ có lãi ròng trở lại, thì tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra ngày 14/7 vừa qua, CTCP Thép Pomina (POM) đã thông qua kế hoạch năm 2023 với doanh thu thuần 9.000 tỷ đồng và tiếp tục chìm trong thua lỗ với 150 tỷ đồng.
Kế hoạch này của Pomina ghi nhận suy giảm 31% về doanh thu, lỗ nhẹ hơn năm 2022 với 1.080 tỷ đồng. Đồng thời, con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu trước đó là doanh thu 14.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 300 tỷ đồng.
Mặc dù kế hoạch kinh doanh năm 2023 thua lỗ nhưng cổ phiếu POM vẫn bật trần trong phiên 14/7, lên mức 7.390 đồng/cp, ghi nhận mức tăng tới 57% trong vòng 3 tháng qua. Thanh khoản không mấy sôi động khi bình quân chỉ hơn 353 ngàn đơn vị được sang tay mỗi phiên.
Giá cổ phiếu “chạy” trước
Trên thực tế, lợi nhuận doanh nghiệp là yếu tố chính tác động đến giá cổ phiếu, nhưng đôi khi giá cổ phiếu lại có diễn biến ngược chiều. Bởi lẽ sàn chứng khoán là thị trường của sự kỳ vọng, dòng tiền thường dịch chuyển đến cổ phiếu của những doanh nghiệp được kỳ vọng đạt lợi nhuận cao để đón đầu cơ hội trong mỗi kỳ công bố kết quả kinh doanh quý, và ngược lại.
Chẳng hạn, trong trường hợp của Superdong - Kiên Giang, cổ phiếu SKG đã bắt đầu có đợt tăng mạnh từ cuối tháng 3 đến nay. Đây cũng là mùa cao điểm du lịch biển phía Nam với các dịp nghỉ lễ và nghỉ hè. Thị trường du lịch phục hồi sau đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.
Trong khi đó, thời tiết trong quý III và phần lớn quý IV tại khu vực biển Kiên Giang sẽ không thuận lợi cho việc khai thác du lịch, tác động đến hoạt động kinh doanh của Superdong - Kiên Giang trong nửa cuối năm nay. Đặc tính mùa vụ này sẽ ảnh hưởng đến xu hướng biến động giá của cổ phiếu SKG.
Đồng thời, giá nhiên liệu có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới khi giá dầu thô thế giới đang có dấu hiệu tăng trở lại thay vì duy trì ở ngưỡng thấp dưới 75 USD/thùng trong những tháng đầu năm nay.
Do vậy, mức giá hiện tại của cổ phiếu SKG đã phản ánh kết quả kinh doanh tích cực nửa đầu năm nay và bắt đầu phản ánh triển vọng kinh doanh kém tích cực hơn của doanh nghiệp trong nửa cuối năm nay. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá cổ phiếu SKG đã tăng khoảng 35%.
Đối với nhóm ngành thép, kết quả kinh doanh vẫn được dự báo chung là kém tích cực trong quý II bởi nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước vẫn khá yếu khi thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi và động thái đẩy mạnh xuất khẩu thép gần đây của Trung Quốc đang tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp thép nội. Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua đi khi ngành này được kỳ vọng tạo đáy nhờ giá nguyên vật liệu giảm mạnh, các nhà máy mở cửa trở lại.
Đến hiện tại, Hòa Phát (HPG) đã cho hoạt động trở lại 3/4 lò cao. Lò cuối cùng dự kiến sẽ mở lại trong quý III/2023.
“Giai đoạn khó khăn nhất với ngành thép đã qua và các dấu hiệu phục hồi đang xuất hiện”, Chứng khoán EVS đánh giá.
Lấy luôn ví dụ về giá cổ phiếu HPG, giai đoạn cuối năm 2022 - đầu năm 2023, tập đoàn vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thị giá cổ phiếu giảm xuống còn khoảng 12.000 đồng/cp. Tuy nhiên, nhờ các kỳ vọng và dự báo hồi phục, giá cổ phiếu đã bật tăng mạnh mẽ mặc dù báo cáo tài chính cũng như tình hình kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa ghi nhận khởi sắc, các lò cao tại thời điểm đó chưa có dấu hiệu mở cửa.
Tại phiên 21/7, giá cổ phiếu HPG đạt 28.400 đồng/cp, tăng mạnh khoảng 128% so với vùng đáy cuối năm ngoái. Đến nay, tập đoàn đã có thông tin mở lại lò cao cuối cùng.
Nhìn chung, không phải lúc nào thị giá cổ phiếu cũng luôn phản ánh qua kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cùng với những nhận định của nhà đầu tư về những thông tin có thể có lợi cho tăng trưởng của doanh nghiệp cũng như thị giá của cổ phiếu trong tương lai. Chính vì diễn biến giá cổ phiếu phụ thuộc nhiều vào yếu tố kỳ vọng nên việc tìm kiếm lợi nhuận khi đầu tư cổ phiếu không phải lúc nào cũng là điều dễ dàng.
Trong một số trường hợp cổ phiếu có diễn biến trái chiều với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ở mức đặc biệt nhà đầu tư vẫn cần phải thận trọng, tránh bị cuốn vào những đợt “sóng” tăng giá bất thường, để không bị “mắc kẹt” và ngậm ngùi ôm lỗ về sau. Bởi thực thế, trên thị trường chứng khoán, việc “làm giá” cổ phiếu vẫn âm thầm diễn ra.