VN-Index kết phiên giao dịch hôm qua với mẫu hình nến Doji cho thấy, tâm lý nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn sau chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp gần 5% của chỉ số. Bên cạnh đó, đi cùng với việc đà tăng chững lại, khối lượng giao dịch sụt giảm và rơi khỏi mức trung bình 20 phiên gần nhất chứng tỏ dòng tiền mua mới đã trở nên cẩn trọng.
Có thể nói, dòng tiền đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình thị trường giai đoạn này, do lãi suất đã giảm mạnh. Mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 3%/năm so với đỉnh tháng 1 năm nay. Thanh khoản hiện tại rất thấp so với cùng kỳ hai năm trước, do vậy, chỉ cần có thêm dòng tiền vào là có thể tác động đến thị trường.
Không khó để nhận thấy, dòng tiền trên thị trường chứng khoán có sự xoay chiều giữa các nhóm ngành, từ nhóm ngành nhạy cảm với sự sụt giảm lãi suất như chứng khoán, bất động sản cho đến nhóm ngành có khả năng hồi phục lợi nhuận từ quý III, hoặc quý IV năm nay như thép, thậm chí cả nhóm ngành chưa có tín hiệu hồi phục rõ ràng về lợi nhuận như bán lẻ, thuỷ sản. Các ngành kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý II tốt thu hút được sự chú ý.
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán đang đi trước diễn biến thực của nền kinh tế, kỳ vọng của các nhà đầu tư về triển vọng phục hồi của nền kinh tế từ nay đến cuối năm đã phản ánh vào giá các cổ phiếu. Nếu như đà phục hồi của nền kinh tế không như dự kiến, nhà đầu tư cần phải thận trọng, còn trong tình huống ngược lại thì rất tốt, tạo đà tăng trưởng không chỉ cho thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm 2023 mà cả năm 2024.
Nhìn lại thị trường trong diễn biến thời gian qua thì đã tăng phiên thứ 8 liên tiếp của VN-Index, tuy nhiên, biên độ tăng điểm có phần hạ nhiệt so với các phiên trước đó. Thêm nữa, thanh khoản cũng có phần sụt giảm nhẹ, thể hiện tâm lý thận trọng của giới đầu tư. Xét về xu hướng, tính tích cực vẫn chiếm ưu thế và chưa có một dấu hiệu đáng chú ý nào thể hiện sự đảo chiều một cách rõ ràng.
Các chuyên gia vẫn kỳ vọng VN-Index tiếp tục tăng điểm để chinh phục ngưỡng kháng cự mạnh 1.190-1.200 điểm. Song ở thời điểm hiện tại, VN-Index đã có 8 phiên liên tiếp tăng điểm, nên xác suất cao sẽ có nhịp điều chỉnh. Do đó, nhà đầu tư nên thận trọng trong chiều hướng mua mới, hạn chế tối đa việc mua đuổi. Đồng thời, chỉ nên tăng thêm tỉ trọng ở những danh mục đã có lợi nhuận khi thị trường chung có nhịp chỉnh.
Các chuyên gia của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp và VN-Index có thể sẽ hướng về vùng kháng cự 1.190-1.200 điểm trong vài phiên tới. Đồng thời, nhóm cổ phiếu bất động sản có thể sẽ dẫn dắt đà tăng của thị trường trong ngắn hạn, nhưng dòng tiền đang suy yếu và đang chủ yếu tập trung ở một vài nhóm cổ phiếu. Độ rộng thị trường không còn quá tích cực như trong giai đoạn trước, khi thị trường đang tăng về gần vùng kháng cự mạnh. Tuy vậy, các nhà đầu tư vẫn đang lạc quan với diễn biến thị trường hiện tại.
Các chuyên gia của Công ty chứng khoán SHS cũng có quan điểm nhận định, ngưỡng cản 1.150 điểm đã dễ dàng được VN-Index vượt qua trong tuần trước và đà tăng thị trường tiếp tục được duy trì trong 2 phiên đầu tuần, cho thấy nội lực của thị trường vẫn đang rất mạnh. Tuy nhiên, thị trường sẽ cần ít nhất một nhịp điều chỉnh để test lại ngưỡng 1.150 điểm để củng cố xu hướng. SHS kỳ vọng với động lực của xu hướng tăng đang rất tốt, sau nhịp điều chỉnh thị trường sẽ tiếp tục tích cực trong thời gian tới.