“Sức khỏe” Angimex trước thông tin mất khả năng trả lãi trái phiếu

31/12/2022 11:47

Trước khi công bố không đủ khả năng thanh toán khoản lãi đến hạn của lô trái phiếu, báo cáo tài chính của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) cho thấy, Công ty gặp khó khăn về dòng tiền.

tru-so-chinh-cua-cong-ty-angimex-tai-tp-long-xuyen-1672460136.jpg

Trụ sở chính của Công ty Angimex tại TP. Long Xuyên (An Giang).

Dòng tiền kinh doanh liên tục âm

Theo thông báo mới gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và thư gửi trái chủ, Angimex cho biết, do tình hình sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, Công ty hiện không đủ khả năng thanh toán khoản lãi đến hạn kỳ 3 của gói trái phiếu AGMH2223001 (kỳ trả lãi từ ngày 14/9/2022 đến ngày 14/12/2022).

Được biết, trái phiếu mã AGMH2223001 phát hành ngày 14/3/2022, mệnh giá 300 tỷ đồng, lãi suất 7%/năm. Trong đó, Angimex đã mua lại trước hạn gần 90 tỷ đồng, giá trị còn lại là hơn 210 tỷ đồng.

Trong thư gửi trái chủ, Angimex cho biết, tình hình sản xuất - kinh doanh đang bị đình trệ và gặp rất nhiều khó khăn từ tháng 4/2022, sau sự kiện ông Đỗ Thành Nhân. Từ ngày 14/10/2022, các cổ đông lớn nhận chuyển nhượng cổ phần đang trong quá trình soát xét tình trạng tài chính và tình hình sản xuất - kinh doanh của Công ty để lập các kế hoạch tài chính, vực lại hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Lô trái phiếu nói trên có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Thửa đất số 218, Tờ bản đồ số 4 tại phường 5, TP. Tân An, tỉnh Long An và hơn 2,6 triệu cổ phiếu LDP đều thuộc sở hữu của CTCP Louis Holding. Mặc dù vậy, vấn đề của Angimex lại nằm ở dòng tiền.

Báo cáo tài chính quý III/2022 của Angimex cho thấy, lũy kế 9 tháng năm 2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Angimex âm 94,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 503,3 tỷ đồng, do trong kỳ, Công ty chi 317,3 tỷ đồng mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn. Ngoài ra, Công ty thu hồi 248 tỷ đồng tiền đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, nhưng lại chi đầu tư góp vốn 418,7 tỷ đồng.

Trong kỳ, Angimex phát sinh khoản đầu tư chứng khoán 62,5 tỷ đồng vào mã cổ phiếu HQC và đang trích lập dự phòng 27,8 tỷ đồng.

Một chỉ tiêu khác cũng cho thấy, Angimex đang gặp khó về dòng tiền là Tiền và các khoản tương đương tiền của Công ty tại ngày 30/9/2022 có 16,6 tỷ đồng, trong khi đầu năm, Công ty ghi nhận 231,7 tỷ đồng.

Chi phí tài chính bào mòn hiệu quả hoạt động

Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường hồi tháng 6/2022, Angimex đã thông qua điều chỉnh mục tiêu doanh thu còn 3.939 tỷ đồng và lãi trước thuế còn 25 tỷ đồng, lần lượt giảm 51% và 64% so với kế hoạch đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên trước đó.

Nguyên nhân được Công ty đưa ra là do xuất khẩu gạo vào thị trường châu Á có tỷ suất lợi nhuận thấp, rủi ro và tính cạnh tranh cao, chi phí logistics tăng mạnh cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

Trái phiếu mã AGMH2223001 phát hành ngày 14/3/2022, mệnh giá 300 tỷ đồng, lãi suất 7%/năm.

Đối với mảng nông nghiệp công nghệ cao, Angimex cho biết, việc thực hiện đầu tư vùng nguyên liệu Angimex chưa triển khai được do đang thu hẹp diện tích và gặp khó khăn do cần có nguồn vốn lớn để đầu tư. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu phân bón tăng mạnh, trong khi giá thị trường đầu ra cho sản phẩm nông sản giảm, khiến nhu cầu phân bón giảm, ảnh hưởng đến hoạt động của ngành.

Tuy nhiên, báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022 cho thấy, hoạt động kinh doanh cốt lõi 3 quý đầu năm của Angimex khởi sắc hơn năm ngoái, với doanh thu thuần đạt 3.092 tỷ đồng, lãi gộp đạt 176 tỷ đồng, lần lượt tăng 33% và 23% so với cùng kỳ năm trước.

Song, nguyên nhân khiến tình hình kinh doanh của Angimex trở nên khó khăn chính là vay nợ lớn, khiến lãi vay bào mòn toàn bộ thành quả đạt được.

Tại ngày 30/9/2022, tổng nguồn vốn của Angimex xấp xỉ 1.800 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu 522,3 tỷ đồng, nợ phải trả 1.277,5 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong cơ cấu nợ là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn với 650 tỷ đồng (giảm 31% so với cùng kỳ) và vay và nợ thuê tài chính dài hạn với 568,4 tỷ đồng (tăng 67%).

Nếu như 9 tháng năm 2021, chi phí tài chính của Công ty là 13,2 tỷ đồng, thì đến năm nay, con số này đã tăng lên 91,6 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay là 45,5 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá 16,7 tỷ đồng, chi phí đầu tư tài chính 7,7 tỷ đồng, chi phí tài chính khác 20 tỷ đồng.

Cùng với đó, các chi phí bán hàng, chi phí quản lý cũng tăng lên, khiến Angimex lỗ lũy kế 35 tỷ đồng đến hết tháng 9/2022.

Để giải quyết khó khăn nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với gói trái phiếu AGMH2223001, được biết, Angimex sẽ bổ sung nội dung này vào cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường sắp được tổ chức, đồng thời tiến hành tổ chức hội nghị trái chủ sau cuộc họp Đại hội đồng cổ đông để xin ý kiến trái chủ đối với gói trái phiếu trên.

 

Bạn đang đọc bài viết "“Sức khỏe” Angimex trước thông tin mất khả năng trả lãi trái phiếu" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).