Quý 4/2021, lãi gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BVH lỗ gần 5 tỷ do tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm vượt mặt doanh thu. Cụ thể, tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm tăng 9% lên hơn 10.048 tỷ đồng trong khi doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ tăng nhẹ 4%.
Tuy nhiên, lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng 5% so cùng kỳ, lên gần 1.980 tỷ đồng chủ nhờ lãi đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng vọt 412% lên hơn 161 tỷ đồng. Do đó, trong quý 4/2021 BVH vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 525 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so cùng kỳ 2020.
Cả năm 2021, nhờ hoạt động kinh doanh bảo hiểm có lợi nhuận gộp gần 612 tỷ đồng, tăng 88% so cùng kỳ nên BVH ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.989 tỷ đồng, tăng 21% so cùng kỳ.
Năm 2021, BVH đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ đạt 1.030 tỷ đồng, gần như đi ngang so với thực hiện năm 2020. Với lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ hơn 1.882 tỷ đồng, BVH đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Đáng nói, dòng tiền thuần trong năm tại BVH âm gần 1.426 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương hơn 2.037 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2021 dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tăng nhẹ 3% ghi nhận hơn 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư lại âm hơn 14.045 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 chỉ âm gần 7.760 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính cũng dương trở lại, ghi nhận gần 505 tỷ đồng.
Tình hình tài chính tại BVH lại không hoàn toàn ‘sáng sủa’ như kỳ vọng.
Cụ thể, điểm sáng trong bức tranh tài chính tại Bảo Việt chính là tổng tài sản tính đến cuối quý 4/2021 gần 169.461 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong đó, tổng đầu tư tài chính ngắn và dài hạn chiếm 88% tổng tài sản của BVH, giá trị hơn 149.300 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu tại Bảo Việt tại thời điểm 31/12/2021 ghi nhận hơn 22.012 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với đầu năm.
Tuy nhiên, nợ phải trả của doanh nghiệp này tính đến 31/12/2021 cán mốc hơn 147.448 tỷ đồng, tương đương tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là nợ dài hạn gần 125.817 tỷ đồng, tăng 19%. Đáng nói, BVH có nợ vay ngắn hạn gấp 2,8 lần đầu năm, lên hơn 2.500 tỷ đồng.
Do đó, tỷ số nợ phải trả trên tổng tài sản của BVH là 87%; hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp gần 6,7 lần. Con số này phần nào cho thấy, BVH đang sử dụng đòn bẩy nợ khá cao, hầu hết tài sản của doanh nghiệp này đang được tài trợ bởi nợ.
Theo báo cáo tài chính, hàng tồn kho tại BVH tính đến 31/12/2021 ghi nhận hơn 155 tỷ đồng, tương đương tăng 25% so với đầu năm.
Trong đó, tập trung chủ yếu hàng tồn kho tại BVInvest với hơn 75,8 tỷ đồng gồm các chi phí mua sắm và chi phí xây dựng dở dang của các bất động sản đầu tư. Các khoản này được ghi nhận là hàng tồn kho cho đến khi được bán và được ghi nhận vào giá vốn hàng bán.
Đáng chú ý, 4 năm trở lại đây, nợ dài hạn tại BVH luôn vượt mặt tài sản dài hạn.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, nợ dài hạn ghi nhận gần 125.817 tỷ đồng tỷ đồng.Trong khi đó, chủ yếu là dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm (125.259 tỷ đồng) và dự phòng toán học (gần 112.073 tỷ đồng). Trong khi đó, tài sản dài hạn chỉ ở mức 69.973 tỷ đồng. Như vậy, nợ dài hạn cao gấp 1,8 lần tài sản dài hạn.
Thực tế, nếu phần tài sản dài hạn liên tục nhỏ hơn nợ dài hạn chứng tỏ một phần nợ dài hạn đã chuyển vào tài trợ tài sản ngắn hạn. Hiện tượng này vừa làm lãng phí chi phí lãi vay nợ dài hạn vừa thể hiện sử dụng sai mục đích nợ dài hạn. Điều này tiếp diễn liên tục khiến lợi nhuận kinh doanh giảm hoặc xảy ra những rối loạn tài chính doanh nghiệp.