Tập đoàn Bảo Việt: Nợ gấp 7,4 lần vốn chủ sở hữu và lọt tầm ngắm kiểm toán

11/10/2022 11:06

Nợ phải trả của Tập đoàn Bảo Việt đã chiếm tới 88 %, cao gấp 7,4 lần vốn chủ sở hữu. Tập đoàn này cũng đang lọt 'tầm ngắm' kiểm toán năm 2023 tới đây.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2022 đã soát xét của Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH), đến hết tháng 6/2022, tổng tài sản của tập đoàn này đạt mức 193.294 tỷ đồng, tăng 12,4 % so với thời điểm sáu tháng trước đó.

Nợ phải trả của BVH cũng tăng 13,6 % lên mức 170.501 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là số nợ phải trả của BVH đã chiếm tới 88 %. So với số vốn chủ sở hữu hiện có của BVH là 22.793 tỷ đồng, nợ phải trả đang cao gấp 7,4 lần vốn chủ sở hữu.

Tính đến hết quý 2/2022, doanh thu từ “hoạt động lõi” của Tập đoàn Bảo Việt tăng lên mức 20.818 tỷ đồng. Bảo hiểm nhân thọ ghi nhận 16.221 tỷ đồng, bảo hiểm phi nhân thọ đạt mức 4.752 tỷ đồng, hai chỉ số này đều tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Cùng chiều, Doanh thu thuần từ kinh doanh bảo hiểm tăng lên mức 20.061 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán vốn từ lâu là thế mạnh của BVH bất ngờ sụt giảm 36,2% tiền lãi, xuống còn 231 tỷ đồng so với thời điểm cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, chi phí hoạt động tài chính của BVH tăng từ 539 tỷ đồng lên 888 tỷ đồng. Trong chi phí này, chi phí hoàn nhập dự phòng tăng mạnh lên hơn 200 tỷ đồng, lỗ từ hoạt động kinh doanh chứng khoán hơn 26 tỷ đồng. Bởi vậy, lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm nhẹ xuống mức 3.898 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, do tiêu tốn nhiều chi phí khác, lợi nhuận sau thuế thuộc về chủ sở hữu tập đoàn giảm 11,8 % về mức 802 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến thời điểm 30/6/2022, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của BVH đã hao hụt tới 48,4% xuống còn 3.297 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm hơn 17.587 tỷ đồng (cùng kỳ 2021 chỉ âm hơn 1.180 tỷ đồng).

Nguyên nhân đến từ việc BVH chi mạnh vào việc cho vay và mua các công cụ nợ của đơn vị khác lên tới 82.087 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính của BVH ghi nhận dương hơn 12.073 tỷ đồng (cùng kỳ âm 9.121 tỷ đồng). Do đó, dòng tiền thuần trong kỳ tại Tập đoàn Bảo Việt âm 2.216 tỷ đồng.

Về nguyên tắc, hệ số nợ phải trả càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì doanh nghiệp ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Hệ số này càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.

Trước đó, liên quan đến sai phạm đất đai, Tập đoàn Bảo Việt đã bị HĐND Thành phố Hà Nội nhắc tên.

 Dự án Nhà ở cao tầng để bán của Tập đoàn Bảo Việt ở Văn Điển - Thanh Trì - Hà Nội chỉ là bãi đất trống.

Dự án Nhà ở cao tầng để bán của Tập đoàn Bảo Việt ở Văn Điển - Thanh Trì - Hà Nội chỉ là bãi đất trống.

Theo đó, trong số các dự án được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai cần tiếp tục theo dõi, giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội; dự án Nhà ở cao tầng để bán (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) của Tập đoàn Bảo Việt đã được nhắc tên và đây là 1 trong số 60 dự án chậm đưa đất vào sử dụng.

Lật lại hồ sơ thì vào năm 2019, dự án Nhà ở cao tầng để bán của Tập đoàn Bảo Việt đã từng bị UBND TP Hà Nội tiến hành thanh tra và ban hành Kết luận thanh tra số 727/KL-STNMT-TTr ngày 8/4/2019. Ngoài ra, dự án này cũng từng được gia hạn 24 tháng tại Quyết định số 3661/QĐ-UBND ngày 9/7/2019 và đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định nghĩa vụ tài chính.

Đáng chú ý là dù đã được UBND TP Hà Nội gia hạn 24 tháng tại Quyết định số 3661/QĐ-UBND ngày 9/7/2019. Mặt khác, dù dự án đã được xác định nghĩa vụ tài chính, thế nhưng tại thời điểm hiện tại, dự án Nhà ở cao tầng Bảo Việt trên thực tế vẫn chỉ là một bãi đất trống bỏ hoang.

Ngược về năm 2005, Tập đoàn này được giao đất để triển khai dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT trên lô đất 13.000m2 tại số 220 Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng. Thông tin giới thiệu thì Tháp Tài chính Quốc tế là một tòa nhà văn phòng hạng A, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết kế hiện đại với các khu công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại.

Đến năm 2009, để thực hiện dự án thì Tập đoàn Bảo Việt thành lập Công ty TNHH Bảo Việt – SCIC và nay là Công ty Cổ phần đầu tư SCIC – Bảo Việt với vốn điều lệ 140 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: Bảo Việt Nhân thọ là 30%, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt là 20%, SCIC là 50%.

Dù dự án có "tuổi đời" hơn 10 năm nhưng khu đất vàng để thực hiện dự án “khủng” này của Bảo Việt hiện vẫn chỉ là một bãi đất trống không hơn không kém; bất chấp việc Tập đoàn Bảo việt đã góp gần 119 tỷ đồng để cùng SCIC thực hiện dự án (số tiền SCIC bỏ ra cho dự án cho đến lúc này cũng là gần 200 tỷ).

Trước đó, dự án khu chung cư, biệt thự, nhà vườn, du lịch Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội - trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) cũng là một dự án đầy tai tiếng của Tập đoàn Bảo Việt khi từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm. Cụ thể, để thực hiện dự án này, Tập đoàn Bảo Việt đã liên kết với Công ty CP Đầu tư xây dựng Long Việt với phần góp vốn hơn 65 tỷ đồng. Công ty Long Việt cũng chính là là chủ đầu tư của dự án Khu đô thị Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội). Dù đình đám là vậy, nhưng hiện tại, Dự án khu chung cư, biệt thự, nhà vườn, du lịch Quang Minh cũng đang bị bỏ hoang sau gần 20 năm được giao đất.

Chưa hết, Tập đoàn bảo hiểm hàng đầu Việt Nam cũng là chủ đầu tư của Dự án xây văn phòng cho các Hiệp hội Hà Nội (tên thương mại là Seven Star) tại lô đất D27 2,2 ha quận Cầu Giấy (Hà Nội). Dự án này được chỉ định cho liên danh gồm Công ty con của Bảo Việt là Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt, Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O thực hiện theo hình thức BT từ năm 2011.

Đây là dự án có tổng mức đầu tư 4.436,790 tỷ đồng; trong đó tổng mức đầu tư dự án BT là 1.090,527 tỷ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng là: 3.346,262 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này cũng có “số phận” tương tự như các dự án khác của Tập đoàn Bảo Việt khi đã gần 1 thập kỷ trôi qua, dự án hiện vẫn là những bản kế hoạch nằm im trên giấy, hoàn toàn chưa có dấu hiệu được liên danh chủ đầu tư triển khai thực hiện.

Điều đáng lưu ý là không chỉ các hoạt động kinh doanh đa ngành, điển hình là việc "lấn sân" vào lĩnh vực bất động sản đem lại “trái đắng” và tai tiếng cho Tập đoàn Bảo Việt mà tình hình kinh doanh cũng không mấy "sáng sủa” với các khoản nợ khá lạ trong khi cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt cũng rất kén người mua. Tất cả đặt ra nhiều dấu hỏi lớn xung quanh những bất thường về tài chính và về năng lực thực sự của Tập đoàn Bảo Việt khi hướng đến đa ngành nghề.

Theo kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước, 5 ngân hàng, tổ chức tài chính bảo hiểm rơi vào tầm ngắm gồm: VietinBank, BIDV, Saigon Bank, Ngân hàng Chính sách xã hội và Tập đoàn Bảo Việt.

Tập đoàn Bảo Việt trước đây là một doanh nghiệp nhà nước, sau đó đã được cổ phần hóa và trở thành doanh nghiệp cổ phần từ năm 2007.

Trước đây, khi nhắc đến Tập đoàn Bảo Việt, người ta nghĩ ngay đến một tập đoàn bảo hiểm hàng đầu Việt Nam nhưng nhiều năm gần đây, Tập đoàn này đã mở rộng đầu tư đa ngành với các dịch vụ tài chính như bảo hiểm, ngân hàng, đầu tư, môi giới, quản lý quỹ, bất động sản… và mảng chính bảo hiểm đang mất dần "ngôi vương".

Điều đáng nói, hầu hết các lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn này cho đến nay đều có kết quả không mấy khả quan, lợi nhuận khiêm tốn.

Bạn đang đọc bài viết "Tập đoàn Bảo Việt: Nợ gấp 7,4 lần vốn chủ sở hữu và lọt tầm ngắm kiểm toán" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).