Tập đoàn Hanaka với triết lý "sống ảo"

26/12/2021 07:52

Từ việc xả, chôn lấp "chui" chất thải hủy hoại môi trường đến hoạt động kinh doanh bất động sản trái phép đã cho thấy hình ảnh một Hanaka "méo mó" không phù hợp là doanh nghiệp tiêu biểu, đáng tự hào của tỉnh Bắc Ninh.

 

text 1 hanaka

Ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Tập đoàn Hanaka (Hanaka), Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh từng chia sẻ trên báo chí: “Ở đâu có Hanaka, ở đó có cuộc sống tươi đẹp”.

Triết lý sống của Hanaka đã được định hướng rõ ràng như vậy! Tuy nhiên, những gì Hanaka đã làm trong nhiều năm qua đang cho thấy bức tranh “méo mó”, “biến dạng” không phù hợp với hình ảnh một doanh nghiệp tiêu biểu, đáng tự hào của tỉnh Bắc Ninh.

Tìm hiểu được biết, Tập đoàn Hanaka hoạt động trên các lĩnh vực kinh doanh sản xuất máy biến áp, dây cáp điện, bao bì kim loại, bất động sản và xây dựng dân dụng, công nghiệp.

Hanaka đã biết huy động nguồn lực và sức mạnh của các doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến của nước ngoài, đầu tư thiết bị tiên tiến để luôn tạo ra những sản phẩmphục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, hướng tới xuất khẩu ra thị trường các nước trong khu vực và thế giới.

Với quan điểm luôn tuân thủ pháp luật chính là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và doanh nghiệp. Kinh doanh để làm giàu nhưng phải dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, không vì lợi nhuận mà làm tổn hại đến tập thể, xã hội, đất nước.

Thế nhưng, từ hoạt động xả, chôn lấp “chui” chất thải hủy hoại môi trường đến hoạt động kinh doanh bất động sản trái phép diễn ra nhiều năm qua, khiến dư luận hoài nghi về "bộ mặt thật" của doanh nghiệp vì môi trường?

text2 hanaka

Đầu năm xả trộm...

Được biết, ngày 24/1/2019, Tổng cục Thuỷ lợi đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), Chi cục Thuỷ lợi Bắc Ninh, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Đuống kiểm tra Công ty CP Tập đoàn Hanaka, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh). Tại thời điểm kiểm tra, giấy phép xả thải vào hệ thống thuỷ lợi do UBND tỉnh Bắc Ninh cấp cho đơn vị này (thời hạn 5 năm) đã hết hạn từ ngày 29/7/2018.

Tại biên bản làm việc ngày 24/1/2019, đoàn kiểm tra yêu cầu Hanaka chấm dứt ngay việc xả thải nước trái phép vào kênh tiêu T4 và đổ vào kênh thuỷ lợi Bắc Đuống. Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hanaka Mẫn Hồng Cần đã xác nhận sự việc và ký, đóng dấu vào biên bản làm việc, thừa nhận doanh nghiệp vi phạm.

Thế nhưng, với lý do cơ quan chức năng không hướng dẫn lập hồ sơ, đồng thời đang hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép xả thải vào công trình thuỷ lợi và đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 500 m3/ngày đêm để “thoát tội”.

Liên quan đến việc xả nước thải, ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh từng nói: “Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ, nếu chúng tôi cứ đi từng doanh nghiệp để hướng dẫn lập hồ sơ thì sẽ rất mất thời gian và không có đủ người để làm việc đó. Hiện nay doanh nghiệp nào cũng có bộ phận môi trường, rất am hiểu pháp luật để làm việc này. Nếu doanh nghiệp nào vẫn vi phạm thì nguyên nhân duy nhất chỉ là cố tình”.

Cuối năm chôn “chui”

Không chỉ liên quan đến vụ việc xả trộm nước thải, Hanaka từng dính dáng tới vụ việc đổ trộm chất thải rắn tại CCN làng nghề Mẫn Xá (Yên Phong, Bắc Ninh).

Sự việc diễn ra, khoảng 16h ngày 28/10/2019, tại khu Bờ Sòi, thôn Tiền Thôn, tiếp giáp với khu dân cư Phù Xá (phần đất thuộc CCN làng nghề Mẫn Xá - Văn Môn), người dân thấy nhiều xe tải của Công ty CP Tập đoàn Hanaka chở chất thải công nghiệp tại vào CCN làng nghề Mẫn Xá, nơi đã đào sẵn hố chôn lấp nên đã tiến hành ngăn cản.

Anh Trương Đức Tăng, sinh sống tại thôn Phù Xá, xã Văn Môn (huyện Yên Phong) cho hay: “Khi phát hiện mấy xe đổ rác thải công nghiệp, tôi và mọi người báo công an. Lập tức, lái xe hỏi số điện thoại của chúng tôi và đe dọa”.

Nhiều người dân cho biết, chất thải trên các phương tiện chở đến chôn lấp là xỉ nhôm. Khu đất được đào lên để chôn lấp chất thải nằm trong CCN làng nghề Mẫn Xá - Văn Môn do Công ty CP Tập đoàn Hanaka làm chủ đầu tư. Khi phát hiện các phương tiện vận chuyển xỉ nhôm đến chôn lấp, dân địa phương đã giữ 2 phương tiện, còn 2 phương tiện khác bỏ chạy.

Trước thông tin dân phản ánh, lãnh đạo UBND huyện Yên Phong cũng xác nhận sự việc trên. Sau khi kiểm tra và xác minh, phát hiện Hanaka đào một hố có kích thước dài khoảng 95m, rộng từ 10 - 15m, sâu khoảng 5m, có dải bạt màu đen vận chuyển chất thải bã nhôm đến đổ xuống hố. Ước tính, hố chôn có thể chứa từ 6.000 - 7.000m3 chất thải.

Từng chia sẻ với Reatimes, ông Mẫn Ngọc Anh - Chủ tịch Tập đoàn Hanaka cho biết đã có gửi văn bản cho UBND huyện Yên Phong và Công an huyện Yên Phong. Theo văn bản này, việc ngày 28/10/2019, các hộ dân thôn Phù Xá kéo ra chặn xe là không đúng. Theo đó, Hanaka đã thực hiện rải bạt nhựa bao bọc, phủ đất xử lý chống ô nhiễm, không gây bụi cho môi trường và tập kết vào khu vực trồng cây xanh trong cụm công nghiệp làng nghề.

Đồng thời, ông Mẫn Ngọc Anh cũng khẳng định việc Hanaka tập kết chất sỉ than tại mặt bằng này đã được UBND tỉnh Bắc Ninh giao đất vào khu vực cây xanh là hoàn toàn đúng, tuân thủ theo các quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gồm: Thông báo kết luận số 350-TB/TU ngày 08/9/2016 của Tỉnh ủy Bắc Ninh về kiểm tra môi trường làng nghề xã Văn Môn và một số công trình trên địa bàn huyện Yên Phong; văn bản số 2640/UBND-TNMT ngày 21/9/2016 về việc thực hiện Thông báo kết luận số 350 của Thường trực Tỉnh ủy gửi các Sở có liên quan và UBND huyện Yên Phong.

hiện trường đổ thải hanaka
hanaka đổ thải

Chuyên gia cho rằng hành vi chôn chất thải không qua xử lý trực tiếp xuống đất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước và sức khỏe của con người và đây là một hành động có dấu hiệu hủy hoại môi trường.

Cụ thể hơn, tại Thông báo số 350 có nội dung: "Đối với chất thải làng nghề đã tập kết tại chỗ phía sau khu dân cư thôn Mẫn Xá giao Tập đoàn Hanaka phối hợp với xã Văn Môn nghiên cứu, khảo sát, đề xuất cơ quan chức năng biện pháp xử lý hiệu quả, đồng thời thiết kế tạo các phân cách mềm (hàng rào cây xanh) giữa cụm công nghiệp với khu dân cư". 

Như vậy, Hanaka đã sử dụng Thông báo số 350 để lý giải cho hành động "tập kết" chất thải rắn tại hố chôn 7.000m3, thế nhưng Hanaka liệu đã thực hiện đúng nội dung của Thông báo này là cùng UBND xã Văn Môn tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đề xuất cơ quan chức năng là Sở TN-MT, UBND tỉnh Bắc Ninh biện pháp xử lý hiệu quả?

Rõ ràng, khi chưa có quyết định cuối cùng từ Sở TN-MT và UBND tỉnh Bắc Ninh thì hành vi đào hố, tập kết chất thải nguy hại này đã "vượt mặt" cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ môi trường.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Công văn số 3911, yêu cầu Công ty Tập đoàn Hanaka dừng ngay việc đổ chất thải trên Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá - Văn Môn, huyện Yên Phong và hoàn trả lại mặt bằng theo hiện trạng ban đầu.

Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Yên Phong khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân sự việc trên. Tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan và báo cáo UBND tỉnh Bắc Ninh trước ngày 5/11/2019.

Việc 2/4 phương tiện được cho rằng đã “bỏ chạy” khi bị người dân bắt giữ làm dấy lên nghi vấn về tính minh bạch trong những phát ngôn của ông Mẫn Ngọc Anh. Bên cạnh đó, rác thải là xỉ nhôm vốn là loại rác thải nguy hại có độc tính cao đối với môi trường khiến người dân càng thêm bức xúc. 

Thông tin về việc khắc phục vi phạm, ngày 5/11/2019, đại điện Hanaka cho biết, Công ty đã dừng dọn dẹp chất thải xỉ nhôm có sẵn từ lâu tại khu vực mặt bằng quy hoạch CCN làng nghề Mẫn Xá - Văn Môn. Đồng thời sẽ san lấp đất hoàn trả lại mặt bằng theo đúng hiện trạng ban đầu.

Chia sẻ với báo chí về hành vi chôn chất thải không qua xử lý trực tiếp xuống đất, PGS.TS.Trương Mạnh Tiến, Nguyên Vụ trưởng Vụ Môi trường, thuộc Bộ TN-MT cho rằng, việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước và sức khỏe của con người. Đây là một hành động có dấu hiệu hủy hoại môi trường.

Dưới góc độ chuyên môn, PGS.TS.Trương Mạnh Tiến phân tích cụ thể: "Tùy thuộc vào loại chất thải được chôn lấp, nếu là hóa chất độc hại sẽ ảnh hưởng rất lớn và nguy hiểm bởi vì khi mưa xuống, các chất độc sẽ ngấm xuống các tầng sâu dưới đất. Chất độc này sẽ không chỉ lưu trú ở một nơi mà ở mỗi tầng đất sẽ lan truyền đi ra nhiều nơi khác nữa. Thậm chí, lan đến gần nơi có người dân sinh sống, vào các giếng nước ăn. Đa phần nước sinh hoạt của người dân đều là nước ngầm lầy từ dưới đất, chỉ có rất ít người dùng nước mặt, nước sông hồ. Chính vì thế, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt sẽ cực kỳ độc hại, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân".

text3 hanaka

Tìm hiểu được biết, ngày 16/10/2017, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh ký Quyết định chủ trương đầu tư số 553/QĐ-UBND chấp thuận cho Công ty CP Tập đoàn Hanaka triển khai Dự án đầu tư xây dựng CCN làng nghề Mẫn Xá, với quy mô dự án khoảng 296.525,68m2, vốn đầu tư trên 665 tỷ đồng, tiến độ thực hiện theo 3 giai đoạn.

Mục tiêu của dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của địa phương. Thu hút, di dời các hộ dân sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ trong các làng nghề vào khu sản xuất tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các làng nghề. Phục vụ mục đích tăng trưởng kinh tế của huyện, của các doanh nghiệp.

Từng bước chuyển hóa lao động nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Góp phần thực hiện tốt hơn công tác đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng địa phương. Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải công nghiệp tại vị trí trên khu đất đang đổ chất thải rắn công nghiệp làng nghề, xử lý chất thải, nước thải thông thường của Cụm công nghiệp.

Quyết định chủ trương đầu tư nêu rõ 6 điều kiện được đặt ra với chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Hanaka:

Thứ nhất, có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện các quy định tại Luật Đầu tư, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư và các quy định pháp luật khác có liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh Luật Bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành dự án; đảm bảo việc xây dựng các công trình của dự án theo đúng Luật Xây dựng, Luật PCCC, Nghị định số 68/2017NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và các quy định của Luật Đất đai 2013.

Thứ hai, đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải công nghiệp tại vị trí trên khu đất đang đổ chất thải rắn công nghiệp làng nghề; xử lý chất thải, nước thải thông thường của Cụm công nghiệp.

Thứ ba, triển khai thực hiện dự án đảm bảo đúng quy định, quy hoạch chi tiết được UBND huyện Yên Phong phê duyệt tại Quyết định số 5054/QĐ-UBND ngày 5/10/2017.

Thứ tư, ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án theo quy định tại Điều 42 của Luật Đầu tư và Điều 27 của Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2014.

Thứ năm, có nghĩa vụ triển khai, thực hiện dự án theo đúng nội dung trong hồ sơ đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật có liên quan. Khi dự án đi vào hoạt động phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Thứ sáu, sau 12 tháng Công ty không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật Đầu tư thì bị chấm dứt hoạt động của dự án.

Chủ trương xây dựng là vậy, tuy nhiên, những gì đang diễn tại CCN làng nghề Mẫn Xá do Hanaka làm chủ đầu tư dường như đang đi ngược với chủ trương này.

Dự án dù chưa xong hạ tầng và có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng nhưng chủ đầu tư đã giao dịch công khai, kinh doanh, mua bán trái phép. Cũng theo chủ trương, đối tượng hưởng lợi được xác định là người dân địa phương nhưng thực tế, chủ đầu tư đang thu hồi giá “bèo” và giao dịch cho thuê với giá “trên trời” đã và đang đẩy người dân vào thế khó.

công ty tuấn thanh
công trình trái phép

Dù chưa xây dựng xong khu vực xả thải nhưng chủ đầu tư đã giao dịch công khai, mua bán trái phép.

Thời gian qua, người dân thôn Mẫn Xá (Yên Phong, Bắc Ninh) vô cùng bức xúc vì những vấn đề liên quan đến dự án CCN làng nghề Mẫn Xá do Hanaka làm chủ đầu tư.

Các hộ dân cho rằng, thời điểm thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện dự án thì đền bù rẻ mạt, nhưng khi cho dân thuê lại giá cao gấp 6 lần giá thuê tại các khu công nghiệp cùng địa bàn. Dù trước đó khi giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư đã hứa hẹn ưu đãi về giá cho nhân dân địa phương.

Ông Lê Ngọc Sơn, Bí thư Chi bộ thôn Mẫn Xá cho biết: “Trước đó, chủ đầu tư có hứa với dân giá đất nền là 4 triệu đồng/m2, nhưng giá thực tế hiện tại chỗ thấp nhất là 6,6 triệu đồng/m2, cao nhất dao động là 13 - 14 triệu đồng/m2. Nhân dân mong muốn sớm xây dựng cụm làng nghề vì môi trường rất ô nhiễm nhưng giá đền bù giải phóng mặt bằng quá thấp nên không được sự đồng thuận của nhân dân”.

“Chủ đầu tư lấy đất đã lâu nhưng bàn giao mặt bằng cho nhân dân lại rất chậm. Họ cũng bán giá quá cao nên người dân địa phương khó tiếp cận được, chủ yếu là ở nơi khác đến mua”, ông Lê Ngọc Sơn cho biết thêm.

Tìm hiểu được biết, dự án CCN làng nghề Mẫn Xá vẫn chưa đủ điều kiện để bán, cho thuê nhưng chủ đầu tư đã giao dịch xong khoảng 50% dự án.

Theo đó, Hanaka mới chỉ hoàn thành xong việc thu hồi đất ruộng của người dân, chưa xây dựng xong hạ tầng như hệ thống xử lý chất thải… nhưng đã tiến hành nhiều giao dịch như cho thuê diện tích đất làm nhà xưởng (thời hạn 50 năm) tại CCN này.

Được giao dịch từ tháng 6/2019, anh Đ.T.P. cho biết, đây là suất “ngoại giao” nên có vị trí đẹp, trên hợp đồng có giá là 1,6 tỷ đồng nhưng thực tế anh phải bỏ ra 2,2 tỷ đồng để có được vị trí này. Anh còn phải trả thêm 600 triệu đồng tiền chênh ngoài hợp đồng.

Trả lời Reatimes vào cuối tháng 5/2021, đại diện Sở TN-MT Bắc Ninh xác nhận hệ thống xử lý chất thải tại CCN vẫn chưa được hoàn thiện.

“Sở đã có văn bản đôn đốc, chúng tôi đang yêu cầu huyện chỉ đạo chủ đầu tư sớm hoàn thiện công trình bảo vệ môi trường. Dự án này hiện mới được giao đất một phần, phần còn lại chủ đầu tư mới giải phóng mặt bằng xong đang hoàn thiện hồ sơ nộp đất lúa, sau đó hoàn thiện hồ sơ cho thuê đất”, đại diện phía Sở TN-MT Bắc Ninh cho hay.

Trước đó, ngày 10/5/2021, Sở TN-MT Bắc Ninh đã ban hành văn bản số 602/STNMT-CCMT về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong.

Văn bản nêu rõ: “Để xử lý tình trạng ô nhiễm, UBND tỉnh cho phép UBND huyện Yên Phong triển khai Dự án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tồn đọng tại làng nghề Mẫn Xá; Dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải làng nghề Mẫn Xá với diện tích 3,8ha; Đầu tư xây dựng CCN làng nghề Mẫn Xá để di chuyển các cơ sở trong làng nghề ra CCN”.

Tuy nhiên, CCN làng nghề Mẫn Xá chưa được đầu tư các công trình bảo vệ môi trường nhưng đã có một số cơ sở đi vào hoạt động sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, yêu cầu chủ đầu tư CCN làng nghề Mẫn Xá đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và Khu tập kết chất thải của CCN; các cơ sở sản xuất đầu tư trong CCN làng nghề phải đầu tư công trình xử lý khí thải trước khi đi vào hoạt động.

Để làm rõ vấn đề, phóng viên đã đặt lịch làm việc và liên hệ nhiều lần với chủ đầu tư nhưng chưa nhận được thông tin chính thức.

Tìm hiểu được biết, vi phạm của Hanaka trước đó đã được UBND xã Văn Môn báo cáo đến UBND huyện Yên Phong, Phòng Kinh tế - Hạ tầng nhằm đảm bảo công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn xã theo đúng quy định. Nội dung nêu rõ, hiện nay xuất hiện một số hộ dân xây dựng nhà xưởng thuộc dự án CCN làng nghề Mẫn Xá mà việc xây dựng hạ tầng - kỹ thuật của dự án chưa xong.

Tuy nhiên, ngày 17/3/2021, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Yên Phong mới tiến hành lập biên bản vi phạm với chủ đầu tư của dự án.

Theo đó, nội dung lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực trật tự xây dựng đối với Hanaka gồm 3 hành vi: Kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định; khởi công xây dựng khi chưa đủ điều kiện theo quy định và vi phạm quy định về trật tự xây dựng.

mẫn xá
mẫn xá hanaka

Hàng loạt công trình lớn nhỏ vẫn được xây dựng và đang dần hoàn thiện trên đất CCN làng nghề Mẫn Xá trước sự “bất lực” của chính quyền địa phương.

Tại buổi khảo sát ngay sau khi huyện Yên Phong lập biên bản vi phạm với chủ đầu tư, phóng viên nhận thấy hàng loạt công trình nhà xưởng lớn nhỏ vẫn được xây dựng rầm rộ trên đất CCN làng nghề Mẫn Xá trước sự “bất lực” của chính quyền địa phương. Việc xử lý theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” của chính quyền địa phương đang tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục sai phạm.

Luật sư Lương Thành Đạt, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis cho biết, trong quá trình thực hiện dự án, CCN làng nghề Mẫn Xá chưa đủ điều kiện để giao dịch nhưng chủ đầu tư đã cho thuê 50% dự án là không tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.

“Về nguyên tắc, đối với các giao dịch không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định thì hoàn toàn có thể bị tuyên vô hiệu. Do vậy, đối với các cá nhân, tổ chức khác đã ký hợp đồng thuê đất, huy động vốn với chủ đầu tư thì cần phải cân nhắc, xem xét để tránh bị thiệt hại sau này”, Luật sự Lương Thành Đạt nhận định.

Luật sư Lương Thành Đạt cũng lưu ý: “Nhằm hạn chế rủi ro đáng tiếc cho cá nhân, tổ chức thuê đất thì cần phải kiểm tra hồ sơ pháp lý cơ bản về dự án này từ chủ đầu tư gồm: Giấy chứng nhận đầu tư dự án này của chủ đầu tư; quyết định giao đất; văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt… Kiểm tra quyết định phê duyệt quy hoạch bản đồ quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với dự án đó. Quyết định này sẽ cụ thể hoá nội dung quy hoạch chung và quy hoạch phân khu về sự bố trí chi tiết tất cả các công trình trên đất, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chi tiết bố trí từng ranh giới lô đất”.

“Tình trạng chủ đầu tư CCN làng nghề Mẫn Xá giao dịch, cho thuê dự án trong thời gian vừa qua diễn ra một cách công khai, rộng rãi nên không thể nào chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không hay biết. Nguyên nhân dẫn tới một loạt các sai phạm của các dự án là sự buông lỏng quản lý từ cơ quan Nhà nước, có dấu hiệu bao che, tiếp tay của các cán bộ và lãnh đạo. Chính quyền địa phương không tiến hành xử phạt vi phạm và không kiên quyết xử lý các hành vi. Cùng với đó là công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa chặt chẽ và thường xuyên trong việc theo dõi, xử lý theo quy định của pháp luật…”, Luật sư Lương Thành Đạt phân tích.

Mới đây, ngày 08/11/2021, ông Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục ký quyết định số 1104/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với Công ty CP Tập đoàn Hanaka 275 triệu đồng do những sai phạm tại dự án CCN làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong.

Lý do xử phạt do Hanaka kinh doanh bất động sản không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định.

Cùng với việc xử phạt mức tiền trên, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Hanaka dừng ngay việc kinh doanh bất động sản khi chưa đủ điều kiện theo quy định.

box hanaka

 

Bạn đang đọc bài viết "Tập đoàn Hanaka với triết lý "sống ảo"" tại chuyên mục Doanh Nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).