Đại gia Đức cá tầm lỗ ngập đầu vì cá
Là một trong những doanh nhân từng sinh sống và kinh doanh tại Nga, ông Lê Anh Đức được nhiều người biết đến với thành công từ việc nuôi thành công giống cá tầm tại Việt Nam. Sản phẩm trứng cá tầm (Caviar) được ví như là "vàng đen", mang lại giá trị kinh tế cao đã tạo tiền đề cho ông Lê Anh Đức hay còn được biết đến với tên gọi Đức “Cá tầm” xây dựng nên cơ ngơi như ngày nay tại Việt Nam.
Đại gia Đức cá tầm nổi tiếng với Công ty Cổ phần Cá tầm Việt Nam (Tập đoàn Cá tầm). Công ty này được thành lập vào ngày 10/9/2009, đăng ký địa chỉ trụ sở tại 12B Hùng Vương, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đây cũng là địa chỉ trụ sở của nhiều công ty khác mà vợ chồng ông Lê Anh Đức (sinh năm 1978) và bà Hà Thị Phương Thảo (sinh năm 1982) phát triển sau này.
Tính đến ngày 14/7/2021, vốn điều lệ Cá tầm Việt Nam được tăng từ 360 tỷ đồng lên 410 tỷ đồng. Ông Lê Anh Đức trong vai trò là người sáng lập, đang sở hữu 52,09% vốn tại đây.
Hiện, ông Đức người đại diện pháp luật/Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Cá tầm Việt Nam.
Đáng chú ý, Cá tầm Việt Nam liên tiếp thua lỗ trong 5 năm gần nhất, với tổng lũy kế lên đến gần 46 tỷ đồng.
Về lĩnh vực nuôi trồng và khai thác Cá tầm, Tập đoàn Cá tầm hiện đang sở hữu hệ thống gồm nhiều công ty thành viên tại nhiều địa phương trên cả nước, có hoạt động sản xuất và kinh doanh tương đối độc lập với nhau.
Đáng chú ý, trong các công ty này Công ty Cổ phần Tầm Long Đa Mi được thành lập sớm hơn cả, từ năm 2008. Đây cũng là năm đánh dấu lứa cá tầm đầu tiên được nuôi thành công tại hồ Đa Mi (tỉnh Bình Thuận), khởi đầu cho những bước tiến mới của ông Lê Anh Đức.
Tính tại ngày 30/12/2020, vốn điều lệ Tầm Long Đa Mi ở ngưỡng 150 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Cá tầm sở hữu 50,5% vốn.
Hệ sinh thái của đại gia Đức cá tầm. |
Đây là doanh nghiệp hiếm hoi trong hệ sinh thái liên quan đến đại gia Đức Cá Tầm có kết quả kinh doanh đi lên trong vài năm qua.
Cụ thể, nếu năm 2016, doanh thu Tầm Long Đa Mi chỉ đạt 33,2 tỷ đồng, thì 5 năm sau đó chỉ số này tăng gấp 3 lần, đạt 97,8 tỷ đồng. Đáng nói, sự tăng trưởng này được đánh giá khá đều qua từng năm.
Thế nhưng, dù doanh thu tăng nhanh song bước “lãi mỏng” chỉ vài trăm triệu đồng, thậm chí còn âm, đặt ra câu hỏi về năng lực quản trị chi phí, hoặc doanh nghiệp đã chủ động trong quản lý chi phí đầu vào, chi phí hoạt động nhằm giảm gánh nặng thuế thu nhập.
Trong khi đó, tình trạng “lỗ chồng lỗ” tiếp tục diễn ra tại Công ty Cổ phần du lịch Cá tầm, doanh nghiệp do ông Đức làm Tổng giám đốc/người đại diện pháp luật.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, Du lịch Cá Tầm không phát sinh doanh thu, trong khi lỗ 3,4 tỷ đồng năm 2016; lỗ 289 triệu đồng năm 2017; lỗ 414 triệu đồng năm 2018; lỗ 518 triệu đồng năm 2019 và lỗ 619 triệu đồng năm 2020.
Bức tranh kinh doanh “bất định” của Vịnh Nha Trang
Không chỉ nổi đình nổi đám ở lĩnh vực cá tầm, đại gia Đức cá tầm còn lấn sân sang bất động sản nghỉ dưỡng với hạt nhân chính là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang (Vịnh Nha Trang), chủ đầu tư của những dự án nổi tiếng như Panorama Nha Trang – Trái tim thành phố biển; The Arena Cam Ranh – Nơi mặt trời không bao giờ lặn..
Công ty Vịnh Nha Trang được thành lập ngày 18/8/2014, với tên gọi Công ty TNHH Đầu tư phát triển du lịch Vịnh Nha Trang với vốn điều lệ chỉ là 500 triệu đồng, người đại diện theo pháp luật bà Hà Thị Phương Thảo. Ngành nghề chính của Vịnh Nha Trang là tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đến ngày 16/4/2015, VĐL Vịnh Nha Trang tăng lên 54 tỷ đồng và đạt 300 tỷ đồng tại thời điểm tháng 5/2016.
Đến tháng 1/2018, Vịnh Nha Trang nâng vốn điều lệ lên ngưỡng 1.008 tỷ đồng; đạt ngưỡng 2.000 tỷ đồng vào tháng 6/2018.
Tại thời điểm này, Cơ cấu cổ đông Vịnh Nha Trang, bao gồm: Công ty Cổ phần Bất động sản Hà Quang – Hà Quang Land (238 tỷ đồng, chiếm 11,9%); bà Hà Thị Phương Thảo (799,9 tỷ đồng, chiếm 39,9%); bà Hà Vân Hiền (593,3 tỷ đồng, chiếm 29,7%) và ông Phạm Quang Tùng (200 tỷ đồng, chiếm 10%).
Tuy nhiên, đến tháng 5/2019, vốn điều lệ Vịnh Nha Trang bất ngờ giảm từ 2.000 tỷ xuống còn 1.070 tỷ đồng, giảm tiếp còn 970 tỷ đồng vào tháng 10/2020, trước khi tăng lên 1.000 tỷ đồng vào tháng 7/2021.
Tại thời điểm này, ông Lê Anh Đức nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Vịnh Nha Trang, trong khi đó, bà Hà Thị Phương Thảo (vợ ông Đức) là người đại diện pháp luật/Tổng giám đốc.
Trong giai đoạn 5 năm gần nhất, kết quả kinh doanh Vịnh Nha Trang của đại gia Đức cá tầm biến động dữ dội.
Năm 2016, doanh thu Vịnh Nha Trang chỉ đạt 1,6 tỷ đồng. Hai năm tiếp theo 2017, 2018 doanh nghiệp không ghi nhận doanh thu, rồi nhảy vọt lên ngưỡng 2.083 tỷ đồng năm 2019, trước khi giảm sâu về mức 354,3 tỷ đồng năm 2020.
Tương ứng với đó, là những khoản lãi “tượng trưng” trong giai đoạn này. Lãi ròng 3 triệu đồng năm 2016; 95 triệu đồng năm 2017; 74 triệu đồng năm 2018; 119,2 tỷ đồng năm 2019 và 2,3 tỷ đồng năm 2020.
Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản Vịnh Nha Trang đạt 2.127 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với mức đỉnh 2 năm trước đó. Vốn chủ sở hữu 1.089 tỷ đồng; nợ phải trả ở mức 1.038 tỷ đồng.
“Mắc cạn” với The Arena Cam Ranh
Năm 2017, công ty Vịnh Nha Trang tiếp tục khởi công dự án The Arena, một mô hình tổ hợp nghỉ dưỡng – du lịch – giải trí – thương mại quy mô 29 ha. Để có thể thực hiện dự án này, công ty Vịnh Nha Trang đã tiến hành thâu tóm Công ty Cổ phần Trần Thái Cam Ranh từ tập đoàn Trần Thái.
Tại ngày 17/6/2021, vốn điều lệ Trần Thái Cam Ranh đạt 670 tỷ đồng. Ngày 29/10/2021, bà Hà Phương Thảo đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Trần Thái Cam Ranh. Trước đó, bà Thảo chỉ đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc doanh nghiệp, còn vị trí Chủ tịch HĐQT do chồng bà là ông Lê Anh Đức đảm nhiệm.
Đáng nói, dù khởi công đã được 4 năm, tuy nhiên những lùm xùm liên quan đến Dự án như bị tố lừa dối khách hàng, gian lận thuế, nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch, bị Thanh tra Chính phủ “gọi tên”... khiến The Arena chưa thể hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Điều này, phần nào đó dẫn đến những chỉ số đáng báo động trong tổng quan tài chính của Trần Thái Cam Ranh.
Đơn cử, tính đến cuối năm 2020, Nợ phải trả Trần Thái Cam Ranh đang là 4.105 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 600 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gần 6 lần, con số đáng báo động cho nhà đầu tư vào dự án của Trần Thái Cam Ranh.
Giai đoạn 2016-2020, Trần Thái Cam Ranh đưa về hơn 300 triệu đồng doanh thu, trong khi lỗ lũy kế gần 18 tỷ đồng.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cao (4,4 lần) tiếp tục xảy ra với một doanh nghiệp khác thuộc hệ sinh thái của Đức cá tầm – Công ty Cổ phần Câu lạc bộ du thuyền và nghỉ dưỡng Cam Ranh.
Tại đây, ông Lê Anh Đức sở hữu đến 80% cổ phần trong tổng số 170 tỷ đồng vốn điều lệ doanh nghiệp.
Tại ngày 30/12/2020, tổng tài sản doanh nghiệp đạt 641,4 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 117,8 tỷ đồng; nợ phải trả 523,6 tỷ đồng.
5 năm gần nhất, Công ty Cổ phần Câu lạc bộ du thuyền và nghỉ dưỡng Cam Ranh không ghi nhận doanh thu. Song, doanh nghiệp báo lãi hơn 9 tỷ đồng.
Ngoài ra, đại gia Đức Cá Tầm còn nắm giữ cổ phần/vai trò tại một số doanh nghiệp khác như Công ty Cổ phần Đầu tư Vịnh Vĩnh Hy; Công ty cổ phần quản lý khách sạn và du lịch WSH; Công ty Cổ phần Đầu tư khu công nghiệp đô thị dịch vụ BBIZ..
Dang dở với lĩnh vực năng lượng?
Ngày 30/6/2018, công ty Vịnh Nha Trang tiến hành khởi công dự án Nhà máy điện Mặt trời Phước Hữu tại tỉnh Ninh Thuận. Dự án được thiết kế gồm nhà máy điện mặt trời quang điện nối lưới trực tiếp, với công suất lắp đặt 50MW và đấu nối vào hệ thống điện quốc gia qua cấp điện áp 110kV.
Được biết, ông Lê Anh Đức còn tham gia góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Năng lượng vàng (Golden Energy) ngày 1/11/2017, có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, đăng ký trụ sở tại Tòa nhà Sacombank, số 757 đường Thống Nhất, phường Kinh Dinh, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Cơ cấu cổ đông là những cái tên quen thuộc là công ty Vịnh Nha Trang với 60 tỷ đồng (chiếm 20%), vợ chồng ông Lê Anh Đức chiếm 80% vốn điều lệ với giá trị vốn góp ghi nhận là 240 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 12/9/2018 cho thấy, công ty Vịnh Nha Trang đã triệt thoái toàn bộ số cổ phần tại Golden Energy và tỷ lệ sở hữu tập trung vào cá nhân ông Lê Anh Đức lên tới 97% vốn điều lệ.
Đến tháng 6/2020, công ty này chính thức bị giải thể, với lý do ngừng hoạt động trong thị trường này.