Tập đoàn Hòa Bình đối mặt rủi ro nợ xấu khi tài chính các chủ đầu tư gặp khó

22/08/2022 09:01

Theo VCBS, kết quả kinh doanh và chất lượng công nợ của Hòa Bình sẽ gặp tác động tiêu cực trong ít nhất 1 - 2 năm tới do thị trường bất động sản chững lại. Mặt khác, biên lợi nhuận gộp công ty có thể cải thiện từ nửa cuối năm nay.

Theo báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), kết quả kinh doanh của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) cũng như các nhà thầu khác sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ nhu cầu xây dựng dân dụng vẫn ở mức thấp trong ít nhất 1 - 2 năm tới. 

Số liệu của VCBS cho thấy, sau khi đạt đỉnh tại giai đoạn 2017 - 2018, nguồn cung nhà ở và nhu cầu xây dựng dân dụng đã ghi nhận xu hướng sụt giảm mạnh khi nguồn tín dụng vào bất động sản bị thắt chặt và nhiều dự án tại đô thị lớn là Hà Nội và TP HCM gặp khó khăn về pháp lý.

Bên cạnh vấn đề về pháp lý tại các dự án cần thêm thời gian để khơi thông, VCBS cũng đánh giá thực trạng nhu cầu xây dựng trên chưa thể sớm được giải quyết do trái phiếu doanh nghiệp, nguồn lực tài chính quan trọng của nhiều chủ đầu tư đang bị siết chặt quản lý. 

Đồng thời, một lượng không nhỏ doanh nghiệp dự kiến sẽ đối mặt áp lực tài chính khi lượng trái phiếu vào giai đoạn đáo hạn (dự kiến từ năm 2023) trong khi gặp khó khăn trong việc phát hành đảo nợ.

Theo VCBS, các khó khăn về tài chính của chủ đầu tư và thời gian triển khai dự án kéo dài nói trên cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng công nợ, gia tăng số dư phải thu và mang đến những rủi ro nhất định về nợ xấu cho Hòa Bình cũng như các doanh nghiệp cùng ngành.

so-du-phai-thu-khach-hang-cua-hbc-trong-thoi-gian-gan-1661133268.png
 

Mặt khác, biên lợi nhuận của Hòa Bình được kỳ vọng sẽ cải thiện từ nửa cuối năm nay nhờ đà giảm của mặt bằng giá vật liệu xây dựng, khi các hợp đồng với nhà cung cấp được điều chỉnh theo đơn giá mới.

Tuy vậy, VCBS cho rằng giá các mặt hàng vật liệu quan trọng như thép và xi măng khó có thể quay về mức thấp như giai đoạn năm 2020 – đầu năm 2021 khi mặt bằng giá nhiên liệu như than đá, dầu khí vẫn neo ở mức cao, đồng thời, nguồn cung vẫn đối mặt với áp lực từ xu thế giảm thiểu các ngành công nghiệp nặng, gây ô nhiễm môi trường tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Trước đó, trong giai đoạn nửa đầu năm nay, Hòa Bình đã bị tác động mạnh từ xu hướng tăng giá của nhiều loại vật liệu xây dựng quan trọng như thép, cát, xi măng,... dẫn đến biên lợi nhuận gộp ghi nhận mức thấp kỷ lục 4,7%.

Bạn đang đọc bài viết "Tập đoàn Hòa Bình đối mặt rủi ro nợ xấu khi tài chính các chủ đầu tư gặp khó" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).