Theo thông tin từ Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh, tính hết tháng 11/2022, hiện trên địa bàn đang có 373 doanh nghiệp đang nợ thuế với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên. Tổng số tiền mà các doanh nghiệp này đang nợ lên đến 579,876 tỷ đồng; nhiều người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị đề xuất tạm hoãn xuất cảnh.
Hoành Sơn nợ thuế “khủng”
Qua thống kê, trong tổng số 373 doanh nghiệp nợ thuế, riêng “hệ sinh thái” gắn liền với tên tuổi doanh nhân Phạm Hoành Sơn có đến 3 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền lên đến 111,012 tỷ đồng, chiếm gần 20% trên tổng số 579,876 tỷ đồng tiền nợ thuế toàn tỉnh Hà Tĩnh.
Cụ thể, doanh nghiệp “mẹ” Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (MST 3000244065, có địa chỉ trụ sở tại phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), do ông Phạm Hoành Sơn là người đại diện pháp luật nợ thuế với tổng số tiền 109,142 tỷ đồng. Qua đó, “dẫn đầu” danh sách nợ thuế theo công bố.
Tiếp đến, một doanh nghiệp khác cũng do ông Phạm Hoành Sơn đứng tên cũng nằm trong danh sách bị Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh “bêu tên” lần này, đó là Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Vũng Áng, doanh nghiệp có địa chỉ trên địa bàn thị xã Kỳ Anh cũng đang nợ thuế với số tiền lên đến 1,604 tỷ đồng.
Chưa dừng lại, được mệnh danh là “con gà đẻ trứng vàng”, Công ty Cổ phần Điện mặt trời Hà Tĩnh (địa chỉ tại huyện Cẩm Xuyên - MST 3002091262) cũng do ông Phạm Hoành Sơn đứng tên cũng nằm trong danh sách nợ thuế với số tiền 266 triệu đồng.
Theo thông tin giới thiệu trên trang chủ Hoành Sơn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn là một doanh nghiệp Việt Nam đa ngành nghề như: Vận tải; Quản lý đội tàu biển; Cho thuê tàu và các dịch vụ vận tải biển; giao thương và xây dựng đầu tư.
Hoành Sơn được thành lập bởi ông Phạm Hoành Sơn (SN 1972) vào năm 2001 với sự khởi đầu là Công ty thương mại các vật liệu xây dựng và các sản phẩm nông nghiệp.
Sau đó, Hoành Sơn đã tham gia các dự án xây dựng và đầu tư quốc gia cũng như tư nhân điển hình như Hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (năm 2011), Cảng biển quốc tế Hoành Sơn (năm 2015) và dự án Điện mặt trời ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh (năm 2019).
Trở lại thông tin các doanh nghiệp có số tiền nợ thuế “khủng” tại tỉnh Hà Tĩnh, xếp thứ hai về nợ thuế phải kể đến một doanh nghiệp chuyên kinh doanh ngành xăng dầu. Cụ thể, Chi nhánh Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam tại Hà Tĩnh (có địa chỉ tại Khu Hậu Cảng, xã Kỳ Lợi, thị Xã Kỳ Anh - MST 0201967012-002, người đại diện pháp luật là ông Dương Đức Thành), theo đó doanh nghiệp này có tổng số tiền nợ thuế lên đến 75,932 tỷ đồng.
Với số tiền nợ thuế 41,333 tỷ đồng, Công ty TNHH xây lắp và khai thác vật liệu xây dựng Thanh Nam - Chi nhánh tại Hà Tĩnh (địa chỉ tại thị xã Kỳ Anh - MST 0301400650-004) trở thành doanh nghiệp xếp thứ 3 trong danh sách nợ thuế “khủng” tại tỉnh Hà Tĩnh.
Ở nhóm nợ thuế từ 10 đến dưới 20 tỷ đồng gồm: Công ty Cổ phần Xây dựng 1 Hà Tĩnh - nợ thuế 18,759 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng - thương mại Trung Hậu - nợ thuế 15,578 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng và đầu tư Hà Tĩnh - nợ thuế 11,810 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp nợ thuế từ 5 - dưới 10 tỷ đồng phải kể đến các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Xây dựng và dịch vụ thương mại Sông La, địa chỉ tại huyện Đức Thọ - nợ thuế 5,828 đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Sơn Hà HT - nợ thuế 5,419 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Hà Tĩnh - nợ thuế 8,216 tỷ đồng...
Nhiều người đại diện pháp luật của doanh nghiệp bị đề xuất tạm hoãn xuất cảnh
Cũng theo thông tin từ ngành Thuế Hà Tĩnh, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh đang áp dụng Công văn số 4031/TCT-QLN của Tổng cục Thuế về việc tăng cường triển khai các biện pháp thu hồi và xử lý nợ thuế bằng biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế. Trong đó, đề xuất tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang “chây ỳ” nộp thuế.
Theo đó, Hà Tĩnh có 11 doanh nghiệp đang nợ thuế với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng thuộc diện nêu trên (riêng số liệu số tiền nợ thuế được PV trích dẫn trong danh sách nợ thuế tính hết tháng 11/2022; và thông tin người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (ĐDPL) được PV trích từ Cổng TTĐT Tổng Cục Thuế).
Cụ thể, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đông Á - nợ thuế 6,150 tỷ đồng (người ĐDPL là ông Nguyễn Huy Hiệu); Công ty Cổ phần Sông Đà 27 - nợ thuế 4,452 tỷ đồng (người ĐDPL là ông Nguyễn Tiến Dũng); Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Việt Lào - nợ thuế 3,131 tỷ đồng (người ĐDPL là ông Dương Tiến Dũng).
Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Hà Tĩnh - nợ thuế 1,694 tỷ đồng (ông Nguyễn Văn Cường là người ĐDPL); Công ty Cổ phần Sơn Penmax - nợ thuế 1,631 tỷ đồng (người ĐDPL là bà Phạm Thị Hinh); Công ty TNHH Sản xuất Vật liệu Xây dựng 36 - nợ thuế 985 triệu đồng (người ĐDPL là ông Nguyễn Lê Tân); Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại 388 - nợ thuế 2,315 tỷ đồng (người ĐDPL là ông Nguyễn Trọng Kỳ).
Công ty TNHH Tiến Phát - nợ thuế 1,118 tỷ đồng (người ĐDPL là ông Lê Thế Kiều); Công ty Cổ phần Xây dựng cầu đường Hà Tĩnh - nợ thuế 2,183 tỷ đồng (người ĐDPL là); Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Hợp Nhất - nợ thuế 1,379 tỷ đồng (người ĐDPL là ông Nguyễn Thanh Hợp); Công ty TNHH MTV sắt Vũ Quang - nợ thuế 6,303 tỷ đồng (người ĐDPL là ông Phạm Quyết Tâm).
Được biết, Cục Thuế Hà Tĩnh cũng làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này để xác minh hồ sơ của 11 doanh nghiệp nêu trên, làm cơ sở áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế bằng hình thức tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang “chây ì” nộp thuế.