“Đệ nhị” nợ thuế tỉnh Thái Bình
Đầu tháng 10/2022, Cục Thuế Thái Bình thông báo công khai danh sách 105 tổ chức, doanh nghiệp do văn phòng cục thuế quản ký nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, với tổng số tiền nợ trên 2.136 tỷ đồng.
Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà nợ trên 1.709 tỷ đồng. Tiếp đến là Công ty cổ phần tập đoàn Hương Sen nợ trên 237,7 tỷ đồng. Tại Hương Sen, con số này tăng mạnh so với cuối năm 2021.
Tại ngày 31/12/2021, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tại Hương Sen chỉ là 71,2 tỷ đồng, tăng mạnh so với 32,6 tỷ đồng của năm 2020.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen thành lập ngày 20/1/1992 tại số 18, phố Trần Thái Tông, phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Ngành nghề kinh doanh chính là “Sản xuất bia và mạch nha ủ men bia”.
Tại công ty Hương Sen, ông Trần Văn Sen vừa là người đại diện pháp luật, vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc.
Tại ngày 13/10/2017, cơ cấu cổ đông của Tập đoàn bao gồm: ông Trần Văn Sen (sở hữu 41% vốn điều lệ công ty, tương ứng 95,53 tỷ đồng), bà Lê Thị Bắp (sở hữu 20% vốn, tương đương 46,6 tỷ đồng). Ông Trần Văn Trà, bà Trần Thị Ngọc Bích, bà Trần Thị Hoài, bà Trần Kim Chi, ông Trần Văn Công và ông Đỗ Văn Vẻ mỗi người sở hữu 6,5% vốn điều lệ công ty, tương đương 15,145 tỷ đồng.
Tập đoàn Hương Sen nổi tiếng với thương hiệu bia Đại Việt. Có thể thấy, bia Đại Việt nắm giữ thị phần khá lớn tại tỉnh Thái Bình.
Ngoài bia Đại Việt, Hương Sen còn nhiều sản phẩm khác như trà TVT, sữa gạo Bibabibo, rượu Lạc Hồng, trang thiết bị y tế và nước trái cây Push Max.
Thuế thu nhập doanh nghiệp 0 đồng
Như đã nêu trên, nợ thuế tại Tập đoàn Hương Sen được xác định là 237,7 tỷ đồng. Đây là tập hợp của nhiều thuế phí, ngoại trừ thuế thu nhập doanh nghiệp vì công ty có chuỗi ngày dài thua lỗ, dẫn đến không phải nộp loại thuế này.
Cụ thể, trong giai đoạn 5 năm gần đây (2017-2021), doanh thu của Tập đoàn Hương Sen dù trong xu hướng giảm dần đều nhưng vẫn đạt hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, thậm chí năm 2017, còn suýt lên tới ngàn tỷ.
Cụ thể, doanh thu trong 5 năm gần đây của Tập đoàn Hương Sen lần lượt là 997 tỷ đồng (năm 2017), 842 tỷ đồng (năm 2018), 817 tỷ đồng (năm 2019), 545 tỷ đồng (năm 2020) và 526 tỷ đồng (năm 2021).
Như vậy, chỉ sau 5 năm, doanh thu Tập đoàn Hương Sen giảm tới 452 tỷ đồng, tương đương 45,3%.
Suốt 5 năm qua, Tập đoàn Hương Sen chìm trong thua lỗ. Thế nhưng, có một nghịch lý xảy ra, doanh thu càng giảm thì thua lỗ cũng giảm theo với các khoản lỗ lần lượt là 5,1 tỷ đồng, 4,8 tỷ đồng, 3,5 tỷ đồng, 2,8 tỷ đồng và 2,1 tỷ đồng.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu giảm dần đều. Tại ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu tại Tập đoàn Hương Sen là 199 tỷ đồng, giảm 13 tỷ đồng, tương đương 6,1% so với năm 2017.
Nợ phải trả là chỉ tiêu duy nhất “tăng trưởng”. Hồi cuối năm 2021, chỉ tiêu này là 756 tỷ đồng, tăng 162 tỷ đồng, tương đương 27,3% sau 5 năm.
Khả năng trả nợ yếu
Tại ngày 31/12/2021, nợ phải trả của Tập đoàn Hương Sen là 756 tỷ đồng, cao gấp 3,8 lần so với vốn chủ sở hữu và chiếm 79,2% tổng nguồn vốn. Thế nhưng, nợ lớn không phải vấn đề duy nhất của công ty. Vấn đề lớn nhất mà Hương Sen phải đối mặt chính là thanh khoản. Hay nói cách khác, công ty trong tình trạng nợ ngắn hạn cao hơn tài sản ngắn hạn.
Cụ thể, trong con số 756 tỷ đồng nợ phải trả, không có đồng nào là nợ dài hạn, tất cả đều là nợ ngắn.
Trong khi đó, tài sản ngắn hạn của công ty chỉ là 683 tỷ đồng.
Khả năng thanh toán ngắn hạn được thể hiện qua Hệ số khả năng thanh toán hiện thời = Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn. Tại Tập đoàn Hương Sen, hệ số này là 0,93.
Theo lý thuyết kế toán, trường hợp hệ số này nhỏ hơn 1 nghĩa là khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi chỉ số này càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.