Tập đoàn Phúc Sơn: Đang bị đòi gần 12.000 tỷ lại muốn làm dự án hơn 830 tỷ ở Sơn La

12/10/2022 17:44

Tập đoàn Phúc Sơn vừa bị tỉnh Khánh Hoà yêu cầu khẩn trương nộp vào ngân sách nhà nước số tiền gần 12.000 tỷ đồng. Dù tình hình kinh doanh những năm gần đây “tụt dốc không phanh” nhưng doanh nghiệp này vẫn muốn làm dự án khu đô thị hơn 830 tỷ đồng ở Sơn La.

cong-ty-co-phan-tap-doan-phuc-son-1665570844.jpg
 

Sai phạm, bị Khánh Hòa thúc đòi gần 12.000 tỷ

 

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản gửi Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn về việc thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước số tiền hơn 11.994 tỷ đồng tại dự án khu trung tâm đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang (sân bay Nha Trang cũ) đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Cụ thể, đầu năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa tiến hành thực hiện dự án Trung tâm Hành Chính tỉnh Khánh Hòa theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Khi đó, 62,3ha đất sân bay Nha Trang cũ được tỉnh chọn làm vốn đối ứng cho dự án trên. Đến tháng 11/2015, dự án của Khánh Hòa phải hoãn lại do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm dừng xây dựng trung tâm hành chính mới tại các tỉnh. Tuy nhiên, đến tháng 10/2016, 62,3ha đất này vẫn được UBND tỉnh Khánh Hòa trao cho Tập đoàn Phúc Sơn, nhưng không đấu giá quyền sử dụng đất.

Sau khi giao đất nhưng không có dự án để hoàn vốn, giữa năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định điều chỉnh bằng cách xin Chính phủ cho phép chỉ định thầu ba dự án BT về giao thông. Khi đó 62,3ha đất đã giao cho Phúc Sơn được xem như là hoàn vốn cho ba dự án này. Ba dự án BT có tổng mức đầu tư 3.562 tỷ đồng, bao gồm: Dự án nút giao thông Ngọc Hội, dự án đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội và dự án nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang.

Tháng 6/2021, Thanh tra Chính Phủ đã có kết luận về một số tồn tại, sai sót, vi phạm như: giao đất khi chưa có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất; chưa xác định được giá trị quỹ đất thanh toán theo nguyên tắc ngang giá theo quy định; chưa có quyết định phê duyệt giá đất.

Đặc biệt, CTCP Tập đoàn Phúc Sơn từng bị phạt 275 triệu đồng vì vi phạm kinh doanh bất động sản. Thời điểm bị thanh tra, 3 dự án BT của Phúc Sơn chỉ thực hiện được 27% so với kế hoạch mặc dù đã gia hạn thêm 4 năm, thay vì như kế hoạch cũ là năm 2017 đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, diện tích đất tại sân bay Nha Trang cũ được UBND tỉnh Khánh Hòa giao công ty thì đã được phân lô, bán nền gần hết. 

Trước khi để xảy ra nhiều sai sót, vi phạm tại dự án Nha Trang, Tập đoàn Phúc Sơn cũng lùm xùm hàng loạt dự án nghìn tỷ đồng trải dài khắp đất nước. Điển hình như dự án Khu Trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn (Vĩnh Tường) với quy mô 130 ha.

Ngoài ra, thời điểm năm 2019, Tập đoàn Phúc Sơn cũng đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng Dự án Chợ đầu mối Vĩnh Tường từ Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Sông Hồng Thăng Long. Được biết, dự án có quy mô diện tích 186,49 ha, tổng mức đầu tư là 2.290 tỷ đồng. Tuy nhiên dự án này từng bị phản ánh có nhiều dấu hiệu bất thường và bị UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và môi trường kiểm tra.

 

Kinh doanh lao dốc

ket-qua-kinh-doanh-cua-tap-doan-phuc-son-thoi-gian-gan-day-1665570939.jpg
 

Trái với một danh mục dự án đồ sộ, kết quả kinh doanh của Phúc Sơn lại một chiều đi xuống những năm gần đây.

Năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Phúc Sơn lần lượt đạt 516,4 tỷ đồng và 468,3 tỷ đồng; lợi nhuận thuần lần lượt ở mức 3,7 tỷ đồng và 37,58 tỷ đồng.Năm 2019, doanh thu thuần của Phúc Sơn chỉ đạt 84,7 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận thuần chỉ ở mức 80 triệu đồng, trong khi năm 2018 lãi thuần 214 triệu đồng.

Đến năm 2020, doanh thu của tập đoàn này thu hẹp còn gần 61 tỷ đồng, lãi ròng âm hơn 17 tỷ đồng.

Trong khi kết quả kinh doanh sụt giảm, quy mô tài sản của Phúc Sơn được giữ ở mức cao, tăng trưởng liên tục gần đây, dù sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ lớn.

Theo đó, tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Phúc Sơn đạt gần 7.800 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với thời điểm cuối năm 2016. Tuy nhiên, đối ứng bên phần nguồn vốn, vốn chủ sở hữu chỉ ở mức gần 2.000 tỷ đồng. Theo đó, quy mô nợ phải trả của doanh nghiệp này gần 5.800 tỷ đồng, gấp gần ba lần vốn chủ.

 

Vẫn muốn làm dự án hơn 830 tỷ ở Sơn La

 

Liên quan đến kế hoạch triển khai dự án mới, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La vừa công khai kết quả đánh giá hồ sơ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án Khu đô thị mới đầu tuyến tránh Quốc lộ 6, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La. 

Dự án có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 831,62 tỷ đồng, sẽ đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 3.700 người.

Hai nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án là Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (Vĩnh Phúc) và Công ty CP Đầu tư - Tư vấn thiết kế Á Châu (Hà Nội). Với sự tham gia của 2 nhà đầu tư, Dự án sẽ được tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.

Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn, được thành lập vào năm 2004 tại xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Phúc Sơn là ông Nguyễn Văn Hậu.

Bạn đang đọc bài viết "Tập đoàn Phúc Sơn: Đang bị đòi gần 12.000 tỷ lại muốn làm dự án hơn 830 tỷ ở Sơn La" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).