Công ty CP Yên Phước đã sử dụng đất vượt chỉ giới được Nhà nước cho thuê hơn 87.000m2
Những cam kết còn nợ lại
Đến xã Phú Cường sau gần 1 tuần Mỏ than Minh Tiến tạm đóng cửa, chúng tôi cảm nhận sự bình yên trở lại với cuộc sống của người dân nơi đây. Con đường nối từ tuyến ĐT264 vào Mỏ đi qua xóm Khuôn Thông trước đây luôn rầm rập những chiếc xe tải cỡ lớn qua lại quẩn theo bụi than mịt mù thì nay yên ắng.
Không khí dễ thở hơn, sau cơn mưa cây cối được gột rửa bớt bụi than bắt đầu lộ ra mầu xanh vốn có. Cách đó không xa, cầu tràn Cây Biêu cũng thưa vắng người, xe qua, không phải oằn mình “cõng” những chiếc xe trọng tải nặng gấp 2-3 lần thiết kế; những người dân gần Mỏ ngày ngày không còn nghe tiếng nổ mìn trên núi mà giật mình, cuộc sống đã yên ả trở lại.
Tuy vậy, người dân vùng mỏ vẫn chưa cảm thấy yên lòng bởi còn canh cánh nỗi niềm về những kiến nghị của mình chưa được giải quyết dứt điểm, có những nội dung Công ty CP Yên Phước đã cam kết làm mà chưa thực hiện xong.
Tại xã Na Mao, từ năm 2018 đến hết tháng 7-2021, Công ty đã hỗ trợ tổng số tiền trên 3,8 tỷ đồng cho các hộ dân có công trình xây dựng bị rạn nứt do nổ mìn và các hộ có diện tích lúa, hoa màu, chè bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác. Nhưng đến nay vẫn còn một số hộ có diện tích ruộng, rừng bị ảnh hưởng chưa được nhận hỗ trợ, chưa được khắc phục diện tích đất không thể trồng cây.
Tuyến kênh mương dẫn nước tưới cho cánh đồng xóm Ao Soi bị đất đá vùi lấp, Công ty hứa khôi phục hiện trạng nhưng chưa hoàn thiện.
Với xã Phú Cường, Công ty đã hỗ trợ cho một số hộ dân nhưng còn 11 hộ khác bị ảnh hưởng diện tích lúa ở cánh đồng Đình, xóm Chiềng, cùng với 13 hộ dân sinh sống gần chân núi Hồng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bụi than, Công ty cam kết sẽ trả trong tháng 8-2021 nhưng đến nay người dân chưa được hỗ trợ.
Một số cam kết khác với địa phương cũng chưa được doanh nghiệp này thực hiện. Năm 2019, UBND xã Phú Cường đã tiến hành kiểm tra và phát hiện Công ty CP Yên Phước xây dựng công trình, tập kết than ngoài diện tích được UBND tỉnh cho thuê. Vì thế, xã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty và ra Quyết định xử phạt 4.000.000 đồng; yêu cầu Công ty dừng ngay toàn bộ hoạt động đổ thải trên phạm vi đất vi phạm và trả lại hiện trạng ban đầu. Nhưng đến nay, Công ty mới chỉ nộp tiền phạt mà chưa khắc phục hậu quả và tiếp tục đổ thải trên phần diện tích lấn chiếm cho đến khi cơ quan điều tra của Bộ Công an vào cuộc.
Ngoài ra, tuyến đường từ trạm điện Na Mấn, thuộc xóm Chiềng nối với tuyến ĐT264 tại lý trình km7+790 thuộc địa bàn xóm Khuân Thông, xã Phú Cường đã được UBND tỉnh chấp thuận vị trí đấu nối và UBND xã Phú Cường đã hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, theo kế hoạch hoàn thành vào trung tuần tháng 7 nhưng đến nay chưa xong.
Tuyến đường có chiều dài trên 440m, rộng 10m, do nhân dân hiến đất với tổng diện tích gần 2.200m2, tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 3,2 tỷ đồng do Công ty CP Yên Phước cam kết đầu tư. Hiện, nhà thầu mới thực hiện việc đào vét đất hữu cơ, thi công xong 1 cống ngang đường và đổ đất lu đắp nền đường dang dở…
Còn đó những nỗi lo
Chị Vi Thị Quang, Trưởng xóm Ao Soi, xã Na Mao, cho biết: Mặc dù Mỏ dừng hoạt động nhưng cả núi đất thải và than tồn vẫn còn sừng sững ở đó, sau mỗi trận mưa đều kéo bùn, đá xuống diện tích đất sản xuất của bà con. Về lâu dài, diện tích ảnh hưởng sẽ ngày càng lan rộng và mức độ ảnh hưởng cũng sẽ nghiêm trọng hơn bởi lâu ngày dầu và xít than sẽ ngấm xuống đất, không thể sản xuất được nữa. Chưa kể nguồn nước ở đây cũng sẽ bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân cũng như cây trồng, vật nuôi.
Cây chè của người dân xóm Khuôn Thông (xã Phú Cường) bị phủ một lớp bụi than.
Nghiêm trọng hơn, khu vực khai thác lộ thiên của Công ty tại điểm H theo bản đồ thiết kế mỏ được cấp phép, qua quá trình khai thác đã bị khoét sâu vào lòng núi giống như một lòng chảo lớn (khoảng 1ha) ở độ cao khoảng 300m so với nền nhà dân.
Khi trời mưa, đây sẽ trở thành hồ chứa nước lớn, xung quanh là bờ đất kết cấu ít bền chặt, khi lượng nước trong lòng moong dâng cao, các bờ đất này không thể chống đỡ nổ có thể bị vỡ bất cứ lúc nào và hậu quả sẽ khó lường.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Na Mao cho biết: Hiện nay, tình trạng sụt lún, nứt đất, nứt nhà của các hộ dân gần khu vực mỏ vẫn ngày càng nghiêm trọng, chúng tôi thực sự lo lắng. Ngoài 4 hộ dân ở sát chân núi đã được di dời đến nơi an toàn hiện còn nhiều hộ nằm trong phạm vi 500-700m phải đối mặt với nguy cơ sạt lở.
Vì vậy, nguyện vọng của người dân vùng mỏ ở đây là sau điều tra, xét xử các bị cáo, dù Mỏ than Minh Tiến có hoạt động trở lại hay không thì các cấp, ngành chức năng cần có biện pháp giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Đặc biệt là có biện pháp đảm bảo an toàn cho các hộ dân đang ngày đêm sống trong nơm nớp lo sợ gần chân núi Hồng.
Trường hợp Mỏ than Minh Tiến hoạt động trở lại thì ngoài việc giải quyết dứt điểm những vấn đề trên, doanh nghiệp cần phải tuân thủ nghiêm, đầy đủ những quy định về đổ thải, bảo vệ môi trường, khai thác đúng chỉ giới và trữ lượng cho phép, để việc khai thác, chế biến không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương.