Thấy gì trong bức tranh tài chính Tập đoàn Sunhouse của ông Nguyễn Xuân Phú?

01/12/2021 08:55

Giai đoạn 2017 – 2019, hơn 70% tài sản của Tập đoàn Sunhouse nằm ở hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn; dòng tiền vay/trả đến 2019 đã vượt quá 2.000 tỷ đồng.

Thấy gì trong bức tranh tài chính Tập đoàn Sunhouse của ông Nguyễn Xuân Phú?

Cơ nghiệp của ông Nguyễn Xuân Phú lớn cỡ nào?

Ông Nguyễn Xuân Phú, thường được gọi là “Shark” Phú (do tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam) là một gương mặt quen thuộc trong giới doanh nhân Việt Nam. Sinh năm 1971, thường trú tại phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội, ông Phú được biết đến rộng rãi là chủ tịch của Tập đoàn Sunhouse – đơn vị nổi danh về đồ gia dụng.

Tập đoàn Sunhouse được thành lập năm 2000, tiền thân là Công ty TNHH Phú Thắng; sau 10 năm mới đổi tên như hiện nay. Hiện, Sunhouse đầu tư vào nhiều lĩnh vực như: hàng gia dụng, điện gia dụng, thiết bị nhà bếp, thiết bị điện công nghiệp, máy lọc nước, thiết bị chiếu sáng…; gia nhập nhóm doanh nghiệp nghìn tỷ; sở hữu cụm 8 nhà máy sản xuất trên tổng diện tích 100.000m2 với hơn 2.500 cán bộ công nhân viên.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, hệ sinh thái của Sunhouse bao gồm nhiều đơn vị thành viên như: Đầu tư Sunhouse Toàn Cầu, Thương mại và Sản xuất Hoàng Mai, Sunhouse (Việt Nam)…

Chi tiết hơn, Công ty TNHH Sun House (Việt Nam) được thành lập 2005. Tại đơn vị này, ông Nguyễn Xuân Phú làm giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Ghi nhân vào năm 2018, vốn điều lệ của công ty là 15,2 tỷ đồng do Tập đoàn Sunhouse nắm 70%, Công ty TNHH Sun House nắm 30%. Tháng 3/2020, ông Nguyễn Xuân Phú thế chỗ Công ty TNHH Sun House để nắm 30% cổ phần.

Với Công ty Cổ phần Đầu tư Sunhouse Toàn Cầu, đơn vị này được lập ra vào tháng 7/2015, vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng gồm các cổ đông sáng lập: Trần Trần Sỹ Trực 10%, Nguyễn Xuân Phú 50%, Nguyễn Đại Thắng 40%. Công ty này do ông Nguyễn Xuân Phú làm chủ tịch HĐQT.

Đối với Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hoàng Mai, doanh nghiệp này thành lập năm 2001, giám đốc là bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, sinh năm 1973, thường trú phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Ghi nhận vào thời điểm tháng 1/2019, danh sách cổ đông cá nhân gồm có: Trần Sỹ Trực 27,339%, Nguyễn Xuân Phú 21,765%, Nguyễn Đại Thắng 8,488%, Nguyễn Minh Thắng 10,712%, Trần Sỹ Cảnh 4%, Trần Đỗ Chính 3,795%, Nguyễn Xuân Cường 0,568% và Nguyễn Thị Tuyết Mai 23,333%.

Tuy nhiên, nói đến doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái Sunhouse thì phải kể đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse (gọi tắt là Tập đoàn Sunhouse). Tại đơn vị này, tính đến thời điểm tháng 9/2017, các cổ đông cá nhân gồm các ông/bà: Nguyễn Đại Thắng, Nguyễn Xuân Phú, Đinh Thị Đức Hạnh, Trần Sỹ Thực và Nguyễn Xuân Cường đều đã thoái vốn.

Diễn biến đáng chú ý là tháng 8 năm 2020, Tập đoàn Sunhouse đã sáp nhập Công ty TNHH MTV Ngôi Nhà Ánh Dương Miền Nam, tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 985 tỷ đồng.

Cũng từ đây, Tâp đoàn Sunhouse liên tiếp tăng vốn, đưa vốn điều lệ vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng. Các mốc tăng vốn lần lượt là: tháng 11/2020 tăng lên 1.000 tỷ đồng, tháng 7/2021 tăng lên 1.171,8 tỷ đồng, tháng 10/2021 tăng tiếp lên 1.187,4 tỷ đồng.

Tập đoàn Sunhouse làm ăn ra sao?

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy trong giai đoạn 2017 – 2019, Tập đoàn Sunhouse duy trì đà tăng doanh thu mạnh mẽ, với tốc độ tăng hàng chục % mỗi năm. Cụ thể, năm 2017, doanh thu thuần đạt 1.760 tỷ đồng, năm 2018 tăng 40,4% lên 2.472 tỷ đồng, năm 2019 tăng tiếp 41% lên 3.486 tỷ đồng. Tính chung 3 năm, doanh thu thuần đã tăng gấp đôi.

Lợi nhuận gộp cũng vì vậy mà tăng trưởng, lần lượt các năm là 232 tỷ đồng, 369 tỷ đồng và 558 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện liên tục qua các năm, lần lượt là: 13,2%, 14,9% và 16%.

Là một doanh nhân rất coi trọng việc kiểm soát chi phí, ông Nguyễn Xuân Phú đã khống chế rất tốt các chi phí kinh doanh của Tập đoàn Sunhouse. Trong 3 năm 2017 - 2019, tương ứng với đà tăng gấp đôi của doanh thu, các chi phí cũng chỉ tăng khoảng 2 lần: chi phí tài chính từ 20 tỷ đồng lên 39 tỷ đồng, chi phí quản lý từ 29 tỷ đồng lên 79 tỷ đồng, chi phí bán hàng từ 147 tỷ đồng lên 269 tỷ đồng.

Kết quả là trong cùng giai đoạn, lợi nhuận trước thuế của công ty liên tục tăng trưởng, lần lượt là: 65 tỷ đồng, 89 tỷ đồng và 180 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, trong 3 năm, lợi nhuân trước thuế đã tăng gần 3 lần.

Tương tự kết quả kinh doanh khá đẹp, bức tranh tài chính của Tập đoàn Sunhouse cũng có nhiều điểm sáng. Tổng tài sản qua các năm 2017 -2019 tăng đều đặn từ 1.194 tỷ đồng lên 1.495 tỷ đồng rồi 1.674 tỷ đồng, đa phần là tài sản ngắn hạn.

Tuy nhiên, các khoản phải thu ngắn hạn có giá trị rất lớn và tăng qua các năm, lần lượt là: 418 tỷ đồng, 502 tỷ đồng và 677 tỷ đồng, tức 3 năm tăng 62%.

Hàng tồn kho cũng tăng trong cùng giai đoạn, từ 422 tỷ đồng (2017) lên 526 tỷ đồng (2019), tức 3 năm tăng 24%.

Như vậy, có thể thấy tỷ trọng của các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho trong tổng tài sản khá lớn, đạt tới hơn 70% (lần lượt các năm là 70%, 71% và 72%).

Ngoài yếu tố này, một điểm đáng chú ý khác là Tập đoàn Sunhouse có khoản đầu tư tài chính dài hạn khá đáng kể, tăng qua các năm, lần lượt là: 164 tỷ đồng, 207 tỷ đồng và 226 tỷ đồng. Xét về hiệu quả, doanh thu tài chính tương ứng các năm là: 8,7 tỷ đồng, 12,6 tỷ đồng và 15 tỷ đồng, không quá cao.

Nợ phải trả của Tập đoàn Sunhouse tăng đều đặn, nhưng không quá nhanh, đạt 540 tỷ đồng vào năm 2017, 772 tỷ đồng năm 2018 và 805 tỷ đồng năm 2019, tức 3 năm tăng 49%.

Dư nợ vay ngắn hạn giảm dần về tỷ trọng trong cơ cấu nợ phải trả, từ 84% (2017) xuống 61% (2019), tương ứng giá trị tuyệt đối là: 453 tỷ đồng và 490 tỷ đồng. Điều này là do vốn chủ sở hữu liên tục được bồi đắp nhờ lợi nhuận sau thuế các năm.

Dòng tiền kinh doanh của Tập đoàn Sunhouse nhìn chung khá tốt, dương hơn 100 tỷ đồng trong năm 2017 và 2019, ngoại trừ 2018 chỉ dương 3 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý là dòng tiền tài chính cho thấy công ty sử dụng vốn vay ngày càng nhiều. Cụ thể, dòng tiền vay/trả năm 2017 là 1.246 tỷ đồng/1.276 tỷ đồng; năm 2018 đã tăng lên thành 1.866 tỷ đồng/1.746 tỷ đồng; đến năm 2019 thì vượt qua ngưỡng 2.000 tỷ đồng, đạt 2.152 tỷ đồng/2.235 tỷ đồng.

Dù vậy, về chung cục, Tập đoàn Sunhouse vẫn đảm bảo được lưu chuyển tiền thuần trong năm dương (2017 dương 11 tỷ đồng, năm 2019 dương 13 tỷ đồng). Điểm trừ là năm 2018, âm 3 tỷ đồng. Lượng tiền và tương đương tiền không biến động nhiều qua các năm, lần lượt là: 25,5 tỷ đồng, 22,6 tỷ đồng và 35,6 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Thấy gì trong bức tranh tài chính Tập đoàn Sunhouse của ông Nguyễn Xuân Phú?" tại chuyên mục Doanh Nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).