Thấy gì từ sai phạm về đất đai của Vinataba?

25/10/2022 13:25

Sai phạm trong thực hiện góp vốn Dự án 152 Trần Phú (quận 5, Tp.HCM) của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) tiếp tục cho thấy những kẽ hở pháp lý khiến cho “đất vàng” của Nhà nước biến thành đất của tư nhân với giá rẻ bèo.

Mới đây, trong kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với Vinataba có chỉ rõ việc doanh nghiệp (DN) này chưa hoàn thiện các thủ tục đối với diện tích đất được Nhà nước cho thuê (như Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá, Công ty Thuốc lá Sài Gòn).

Cố tình sai phạm? 

Điển hình là Dự án 152 Trần Phú (ở phường 2, quận 5) - “đất vàng” nằm trong khu vực sầm uất bậc nhất Tp.HCM. Khu đất ở vị trí có 3 mặt tiền đường Trần Phú – Lê Hồng Phong – Trần Nhân Tông. Trước đây, khu đất là Nhà máy thuốc lá Sài Gòn. Năm 2008, với việc di dời nhà máy ra huyện Bình Chánh, Vinataba và Công ty Thuốc lá Sài Gòn quyết định góp vốn thực hiện dự án thương mại trên cùng các đối tác.

vinataba-1666672876.jpg
Vị trí “đất vàng” có nguồn gốc của Nhà nước tại 152 Trần Phú, quận 5 (Tp.HCM).

Theo Vinataba, hợp đồng liên doanh quy định giá trị khu đất hơn 30.000m2 là hơn 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, ghi nhận của các nhà đầu tư dự án tới nay vẫn chỉ là bãi đất trống. Không những vậy, dự án còn được rao bán với mức giá rất cao, khoảng 4.520 tỷ đồng vào năm 2018 cho cả lô đất, tương đương 146 triệu đồng/m2.

Còn theo kết luận của Thanh tra Chính phủ do Phó tổng thanh tra Trần Ngọc Liêm ký, Vinataba đã có sai phạm trong việc thực hiện góp vốn dự án tại 152 Trần Phú. Cụ thể, không thực hiện đánh giá lại tài sản là không đúng quy định về quản lý tài sản DN nhà nước; làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi chuyển nhượng hơn 30.927 m2 đất tại số 152 Trần Phú không xin phép Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, có nguy cơ thất thoát tiền của Nhà nước, của DN.

Nhiều ý kiến cho rằng chỉ với mỗi sai phạm “chuyển nhượng không xin phép, làm trái chỉ đạo của Thủ tướng” là cũng đủ để xử lý những lãnh đạo của Vinataba có liên quan trực tiếp vụ việc này. Nhất là dù đã có quy định và có cả chỉ đạo mà làm trái thì có nghĩa là “cố tình làm sai”. Cho nên nếu có dấu hiệu tội phạm thì rất cần chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra làm rõ.

Trong khi đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước chủ trì cùng Bộ Tài chính, UBND Tp.HCM, Vinataba và các bộ, ngành liên quan thu hồi cơ sở nhà đất 30.927,7 m2 tại 152 Trần Phú và xử lý các phát sinh trong quá trình thu hồi cơ sở nhà đất này. Và trong quá trình thực hiện nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc đến ngày 31/12/2023 chưa thực hiện được việc thu hồi thì chuyển cơ quan điều tra Bộ Công an để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc chuyển “đất vàng” 152 Trần Phú từ tài sản Nhà nước sang tài sản tư nhân là cả một đường đi khá lắt léo. Cụ thể, năm 2008, UBND Tp.HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Khu phức hợp tiêu chuẩn cao cấp, gồm khu trung tâm thương mại dịch vụ, khu cao ốc văn phòng, khu căn hộ cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hoàn chỉnh tại 152 Trần Phú, quận 5 với tên thương mại là Vina Square. Dự án có tổng vốn đầu tư là hơn 3.300 tỷ đồng, với thời gian hoạt động là 50 năm.

Tháng 10/2008, Công ty TNHH Vina Alliance được thành lập nhằm thực hiện dự án Vina Square tại 152 Trần Phú. Vinataba góp vốn bằng một phần giá trị quyền sử dụng đất với các đối tác. Sau đó, cổ đông gồm Pacific Alliance Land Limited (thuộc Quỹ đầu tư Vina Capital) chiếm 62%, Công ty TNHH Sơn Đông (10,5%), Vinataba (20%), Công ty Thuốc lá Sài Gòn (7,5%).

Qua thời gian, Vinataba cũng bán đi phần vốn góp tại dự án Vina Square. Cụ thể, tại báo cáo tài chính hợp nhất giai đoạn 1/1/2017 - 30/6/2017 được Vinataba phát hành ngày 3/5/2018 cho thấy, vào ngày 13/6/2017, Vinataba đã tiến hành chuyển nhượng cổ phần tại Công ty TNHH Vina Alliance cho Công ty TNHH Sơn Đông. Giá trị chuyển nhượng giữa hai bên là hơn 270 tỷ đồng. Trừ đi giá gốc của khoản đầu tư trên sổ kế toán, Vinataba thu về lợi nhuận hơn 94 tỷ đồng.

Bóc trần mặt trái

Tháng 1/2017, Quỹ của VinaCapital hoàn tất thoái vốn khỏi Vina Alliance 62% cho tổ chức đã được thành lập vào tháng 10/2015 - Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức. 

Đến tháng 9/2017, hai tổ chức là DN nhà nước gồm Vinataba và Công ty Thuốc lá Sài Gòn rút khỏi Vina Alliance. Cổ đông Vina Alliance chỉ còn lại 2 cổ đông là Công ty TNHH Sơn Đông nắm giữ 38% và Công ty TNHH Bất Động sản Trí Đức nắm giữ 62%.

Sai phạm tại dự án 152 Trần Phú có thể thấy rõ “mô típ” chung của nhiều sai phạm về đất công trong thời gian qua là DN nhà nước mang đất đi góp vốn rồi tạo “kẽ hở’ để tư nhân hoá đất công không qua đấu giá. 

Hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất đã được nhiều DN nhà nước “bắt tay” với các đơn vị có năng lực tài chính, đa phần là các công ty tư nhân để thành lập một pháp nhân mới, đầu tư dự án bất động sản nhà ở, thương mại.

Theo giới chuyên gia pháp lý, DN liên doanh sẽ có toàn bộ quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với quyền sử dụng đất đã được góp vốn. Nhưng qua đó sẽ thấy đây là kẽ hở pháp luật để nguồn đất công dễ dàng được sang tay chuyển sang tư nhân.

Các vụ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” bị cơ quan điều tra phát hiện và khởi tố trong thời gian gần đây cũng đã bóc trần mặt trái của quá trình “đất công được biến thành “đất ông” với giá rẻ mạt.

Theo đó, những DN nhà nước có quỹ đất dồi dào thường bắt tay cùng DN tư nhân để thành lập những DN liên doanh (pháp nhân mới) với vốn góp là những khu “đất vàng” được Nhà nước giao quản lý, khai thác và sử dụng.

Thực ra, thủ đoạn của tội phạm này không có gì mới, đó là hành vi xin chủ trương, dự án khai thác đất công, sau đó mang góp vốn, hợp tác với đối tác bên ngoài và lợi dụng chủ trương thoái vốn nhà nước, để tài sản công dễ dàng sang túi tư nhân với giá rẻ.

Việc chuyển đất đai từ sử dụng cho mục đích công sang mục đích tư nhân bằng các phương thức đã làm sẽ có giá trị thấp hơn giá trị thị trường rất nhiều, và phần giá trị chênh lệch này Nhà nước sẽ không thu được, bị thất thoát, nhưng một số lãnh đạo DN nhà nước vẫn làm. 

Liệu những lãnh đạo của Vinataba (trong giai đoạn mà kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng có sai phạm trong việc thực hiện góp vốn dự án tại 152 Trần Phú) có được hưởng gì trong phần giá trị chênh lệch? 

Nếu những lãnh đạo này không được hưởng thì họ có làm như vậy hay không? Còn nếu như có sự bàn bạc, thống nhất để phân chia phần giá chênh lệch, thì đó sẽ là hành vi tham nhũng, là “lợi ích nhóm” và sự vào cuộc của cơ quan điều tra sẽ làm cho ra “ngọn ngành” của mọi chuyện.

Bạn đang đọc bài viết "Thấy gì từ sai phạm về đất đai của Vinataba?" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).