Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock/TTXVN)
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman vừa cho biết, Riyadh hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận mới với OPEC+ (trong đó có Nga), đồng thời khẳng định OPEC+ "sẵn sàng tăng sản lượng nếu các thị trường có nhu cầu". OPEC+ đã đạt được thỏa thuận hạn ngạch vào năm 2020, theo đó các nước thành viên của liên minh tăng tổng sản lượng mỗi tháng với số lượng 430.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, sản lượng của Nga đã giảm từ khoảng 11 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2022 xuống mức trung bình 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2022. Thỏa thuận hạn ngạch sản lượng của OPEC+ được áp dụng từ tháng 4/2020 dự kiến sẽ hết hạn trong 3 tháng tới.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho rằng hiện còn quá sớm để đề cập một thỏa thuận mới, nhưng OPEC+ có thể sẽ tăng sản lượng nếu các thị trường có nhu cầu. Người đứng đầu Bộ Năng lượng Saudi Arabia cũng nhấn mạnh rằng, OPEC+ cần được "độc lập với vấn đề chính trị".
Trước khi các quan chức thuộc OPEC+ đưa ra những thông điệp nêu trên, Ủy ban Thượng viện Mỹ cũng đã thể hiện nỗ lực ngăn "vàng đen" tăng giá thông qua dự luật ngăn chặn việc liên kết tăng giá dầu thô toàn cầu. Theo đó, Dự luật Không liên kết các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu (NOPEC) do các nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Thượng viện Mỹ bảo trợ, đã được đưa ra hồi đầu tháng 5 vừa qua để lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua, sau đó Tổng thống Joe Biden ký ban hành thành luật. Nếu được hai viện Quốc hội thông qua, NOPEC sẽ cho phép Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khởi kiện OPEC hoặc các quốc gia thành viên của tổ chức này ra tòa án liên bang nếu nhận thấy có hành vi dàn xếp để tăng giá dầu. Các nước đối tác của OPEC trong OPEC+ cũng có thể bị kiện.
Như vậy, NOPEC sẽ thay đổi luật chống độc quyền hiện hành ở Mỹ, qua đó thu hồi quyền miễn trừ tư pháp lâu nay bảo vệ OPEC cũng như các công ty dầu mỏ quốc gia thuộc tổ chức này khỏi các vụ kiện.
Mỹ và OPEC+ có những động thái nhằm giảm giá dầu như trên trong bối cảnh giá mặt hàng chiến lược này đã vượt mốc 100 USD/thùng trong nhiều tuần qua, đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nguyên nhân khiến giá dầu thế giới tăng mạnh là do chiến sự kéo dài tại Ukraine khoảng ba tháng qua. Theo đó, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) sẽ thực hiện từng bước lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong vòng từ 6-8 tháng. Lệnh cấm vận dầu mỏ của EU có thể sẽ buộc Nga phải chuyển hướng dòng chảy sang châu Á và cắt giảm mạnh sản lượng, trong khi EU sẽ phải cạnh tranh để có được nguồn cung sẵn có còn lại.
Tại cuộc họp ở Vienna (Áo) hồi đầu tháng 5, OPEC+ vẫn nhất trí bám sát các kế hoạch hiện nay về mức tăng sản lượng dầu 432.000 thùng/ngày trong tháng 6/2022, bất chấp giá dầu thô tăng. Ngoài ra, giới phân tích cho rằng, công suất lọc dầu giảm đi trên toàn cầu và vấn đề thuế là nguyên nhân khiến giá nhiên liệu tăng. 3 năm qua, công suất lọc dầu của thế giới đã giảm khoảng 4 triệu thùng, trong đó có 2,7 triệu thùng giảm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Các chuyên gia kinh tế hy vọng rằng, việc OPEC+ gia tăng nguồn cung dầu mỏ thời gian tới cùng với nhu cầu dầu mỏ tăng chậm do tăng trưởng kinh tế yếu đi, nhất là ở Trung Quốc, sẽ giúp hạ nhiệt giá dầu. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn như: căng thẳng địa chính trị, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, lạm phát gia tăng, chuỗi cung ứng vẫn khó khăn…, OPEC đã dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới năm nay chỉ tăng 3,4 triệu thùng/ngày, ít hơn 300.000 thùng/ngày so với dự báo mà chính OPEC đưa ra tháng trước.
Tuy nhiên, để giải quyết toàn diện "bài toán giá dầu" hiện nay, những nỗ lực tăng sản lượng nêu trên là chưa đủ. Chính phủ các nước và cộng đồng quốc tế cần nhanh chóng "làm nguội" điểm nóng chiến sự ở Ukraine và các căng thẳng địa chính trị khác; đồng thời, tháo gỡ nút thắt trong sản xuất và nâng công suất lọc dầu. Về lâu dài, các nước cần giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch thông qua phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.