Thống kê từ một số doanh nghiệp niêm yết công bố sớm kết quả kinh doanh quý II/2023 cho thấy, trong khi nhiều doanh nghiệp suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, ngược lại nhóm chứng khoán lại có sự khởi sắc với nhiều “cái tên” hé lộ kết quả kinh doanh quý II vượt trội.
Nhiều "tên tuổi" báo lãi tăng trưởng
Mới nhất, Chứng khoán NH Việt Nam (NHSV) đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023, ghi nhận doanh thu hoạt động tăng 54% so với cùng kỳ lên mức 68 tỷ đồng. Không chỉ tăng doanh thu, chi phí hoạt động cũng được tiết giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước, nhờ đó lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 60% lên mức 13 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, NHSV ghi nhận tổng doanh thu hoạt động đạt 132 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã: VDS) báo cáo tổng doanh thu hoạt động đạt 188 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ khoản hoàn nhập hơn 91 tỷ đồng từ chi phí đánh giá giảm giá trị danh mục tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) đã trích lập, VDSC báo lãi sau thuế 105 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 234 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu hoạt động của VDSC đạt 327 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Chi phí hoạt động giảm mạnh giúp công ty chứng khoán này ghi nhận lợi nhuận trước thuế 206 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 161 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 129 tỷ đồng.
Tương tự, Chứng khoán Agribank (Agriseco, mã: AGR) ghi nhận lợi nhuận sau thuế kỳ này tăng mạnh 93% so với cùng kỳ năm trước lên mức 42 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 86 tỷ đồng, tăng trưởng 19%. Lãi ròng thu về khoảng 42 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ.
Luỹ kế nửa đầu năm 2023, doanh thu hoạt động của Agriseco dù giảm 9% về còn 172 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế vẫn tăng 22% ghi nhận 107 tỷ đồng.
Không kém cạnh, Chứng khoán Đại Việt (DVSC) ghi nhận doanh thu hoạt động quý II/2023 tăng 103% so với cùng kỳ lên mức 23 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua FVTPL với gần 23 tỷ đồng. Chi phí tăng chậm hơn giúp lợi nhuận sau thuế cao gấp 9 lần cùng kỳ, đạt 8,4 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, DVSC “quay xe” ngoạn mục từ lỗ 4 tỷ tại cùng kỳ năm trước sang lãi gần 20 tỷ đồng.
Trong khi đó, Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS) ghi nhận doanh thu hoạt động giảm 3% so với cùng kỳ năm trước về mức gần 9 tỷ đồng. Nhờ giảm hàng loạt chi phí, lợi nhuận sau thuế quý II tăng 235% lên hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 6 tháng đầu năm, DAS mới chỉ ghi nhận 16 tỷ đồng doanh thu và gần 4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 29% và 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong nhóm công ty chứng khoán top đầu, Chứng khoán MB (MBS) báo cáo kết quả kinh doanh quý II với doanh thu hoạt động đạt 401 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ. Dù vậy, chi phí hoạt động giảm mạnh 41%, chủ yếu nhờ khoản lỗ FVTPL giảm 91%. Kết quả, MBS báo lãi sau thuế đạt 124 tỷ đồng, nhích nhẹ 3% so với thực hiện trong cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của MBS đạt 245 tỷ đồng, giảm khoảng 24% so với thực hiện cùng kỳ năm 2022 và hoàn thành khoảng 34% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Hưởng lợi từ dòng tiền tiếp tục cải thiện
Trên sàn chứng khoán, kết quả kinh doanh tích cực của các công ty chứng khoán dường như đã được phản ánh vào thị giá cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu chứng khoán ghi nhận đà tăng ấn tượng từ 55 - 70% kể từ đầu năm 2023 và tăng 30 - 50% tính riêng từ đầu quý II, vượt trội so với mức sinh lời của các chỉ số chung như VN-Index hay VN30.
Sự trở lại của nhóm ngành chứng khoán đến từ sự hồi phục của thị trường chung trong bối cảnh lãi suất đã hạ nhiệt đáng kể và Chính phủ có nhiều chính sách, biện pháp kích thích kinh tế. Với việc lãi suất tiền gửi giảm khoảng một nửa so với đỉnh, một lượng lớn tiền gửi tiết kiệm đáo hạn sẽ chú ý tới kênh đầu tư có khả năng sinh lời hấp dẫn hơn như chứng khoán trong nửa cuối năm 2023.
Mặt khác, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 6/2023 ghi nhận gần 145.864 tài khoản, trong đó nhà đầu tư cá nhân mở mới 145.856 tài khoản, đạt đỉnh trong 10 tháng trở lại đây, nâng tổng số tài khoản chứng khoán lên con số 7,3 triệu tài khoản, củng cố cho triển vọng thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục được cải thiện.
Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong các tháng cuối năm song hành với quá trình giảm lãi suất và phục hồi của nền kinh tế. Bởi thực tế, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục “hút” thêm dòng tiền lớn, qua đó nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng sẽ được hưởng lợi, do nhóm cổ phiếu này có độ “nhạy” cao với thanh khoản của thị trường.
Trong báo cáo triển vọng nửa cuối năm, Chứng khoán Nhất Việt (VFS) kỳ vọng chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ thẩm thấu nhanh và mạnh hơn trong nửa cuối 2023, điều này giúp dòng tiền trong nền kinh tế tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực.
“Trong kịch bản tích cực, Ngân hàng Nhà nước có khả năng giảm lãi suất lần thứ 5 trong khoảng từ 0,25%-0,5% vào cuối quý III/2023 tùy thuộc vào bối cảnh để tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, báo cáo nêu.
VFS chỉ rõ, bối cảnh kinh tế hiện tại đang ủng hộ kịch bản này khi tỷ giá được dự báo duy trì ổn định quanh 23.100 VND/USD và công cụ ổn định tỷ giá cũng được tăng cường khi Ngân hàng Nhà nước mua vào khoảng 6 tỷ USD từ đầu năm, nâng dự trữ ngoại hối lên mức khoảng hơn 90 tỷ USD. Hơn nữa, lạm phát bình quân dự kiến tiếp tục xu hướng giảm và nằm trong mục tiêu kiểm soát 4,5% cũng là yếu tố quan trọng trong kịch bản này.
Hơn nữa, độ trễ của việc Ngân hàng Nhà nước giảm 4 lần lãi suất điều hành trong quý II/2023 sẽ được thẩm thấu vào nền kinh tế rõ nét hơn trong nửa cuối năm. Điều này cũng sẽ thúc đẩy dòng tiền trong nền kinh tế tiếp tục mở rộng và luân chuyển nhanh hơn.
Đồng thời, VFS đánh giá việc lãi suất giảm thúc đẩy dòng tiền chảy từ gửi tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác nhằm tìm kiếm tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
“Chứng khoán sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong nửa cuối năm 2023”, VFS dự báo.
Tương tự, Chứng khoán Everest nhận thấy, với việc 4 lần hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, một lượng tiền đã tìm đến các kênh tài sản khác, bao gồm chứng khoán. Thanh khoản cải thiện trong các tháng quý II/2023, trong đó thanh khoản trung bình trên sàn HoSE đã tăng 35% so với quý trước.
“Với lãi suất được duy trì ở mức thấp, thanh khoản sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Mặc dù định giá các công ty chứng khoán không còn rẻ, nhưng việc giải ngân vẫn khả thi ở giai đoạn hiện tại”, Chứng khoán Everest khuyến nghị.
Còn Chứng khoán DSC lưu ý, nhà đầu tư nên lựa chọn giải ngân với những cổ phiếu có thị phần cho vay ký quỹ lớn (SSI, HCM, VCI), có danh mục tự doanh được hưởng lợi (VDS, SHS) và chú ý tới các thông tin bên lề với các doanh nghiệp có câu chuyện riêng.
“Đây là nhóm có sự vận động đồng pha với thị trường chung, nhà đầu tư nên tham gia khi VN-Index có nhịp điều chỉnh”, DSC nhấn mạnh.
Dù vậy, nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng trong việc “xuống tiền” với nhóm cổ phiếu chứng khoán, vì đây là nhóm có hệ số beta cao, thường tăng giảm cùng thị trường chung, trong khi thị trường chung vẫn còn có những rủi ro tiềm ẩn cần quan tâm lưu ý.