Theo Bloomberg, chỉ số MSCI AC Asean Index đã giảm khoảng 4% kể từ Lễ Tạ ơn của Mỹ - khi thông tin về biến thể virus mới lần đầu xuất hiện.
Các nhà đầu tư cũng lo ngại về triển vọng tăng trưởng của khu vực. Nguyên nhân là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất sớm hơn những dự báo trước đó.
Mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể đẩy nhanh tốc độ cắt giảm các biện pháp kích thích nền kinh tế. Nguyên nhân là áp lực lạm phát đang gia tăng.
Đông Nam Á có thể chịu ảnh hưởng vì tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất sớm hơn dự báo trước đó. Ảnh: Reuters.
Trung Quốc giảm tốc tăng trưởng, Fed sớm nâng lãi suất
Theo người đứng đầu Fed, quá trình giảm mua trái phiếu hàng tháng có thể diễn ra nhanh hơn so với lịch trình được công bố hồi đầu tháng 11.
"Tại thời điểm này, nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ và áp lực lạm phát tăng cao. Do đó, theo quan điểm của tôi, việc cân nhắc cắt giảm quy mô chương trình mua trái phiếu có lẽ sẽ sớm hơn một vài tháng", ông nhận định.
Ông Powell nhận định hoạt động mua trái phiếu đã giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế. "Nhưng sự cần thiết của chúng giảm đi khi nền kinh tế tiếp tục đi lên. Chúng ta đang chứng kiến áp lực lạm phát gia tăng đáng kể", người đứng đầu Fed nhận định.
Các nhà giao dịch Đông Nam Á vẫn đang chờ đợi những dữ liệu chuẩn bị được công bố về xuất khẩu và lạm phát của Trung Quốc. Cùng với đó là thông tin về mức độ lây lan và khả năng kháng vaccine của biến thể mới.
Các nhà giao dịch vẫn đang chờ đợi dữ liệu về xuất khẩu và lạm phát của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
"Omicron có thể cản trở quá trình mở cửa trở lại và sự phục hồi của ngành du lịch. Khi việc tái mở cửa bị trì hoãn, tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn sẽ giảm tốc", ông Alexander Wolf - Trưởng bộ phận Chiến lược đầu tư Khu vực châu Á tại JPMorgan Private - nhận định.
"Tôi cho rằng thị trường chứng khoán sẽ biến động mạnh trong thời gian tới. Nguyên nhân là còn quá nhiều thông tin chưa được làm rõ, cũng như những tác động đến tăng trưởng và chính sách", ông nói thêm.
Hồi mùa hè năm nay, sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Delta đã khiến Đông Nam Á trở thành điểm nóng dịch bệnh trên toàn cầu. Vào thời điểm đó, tỷ lệ tiêm chủng tại khu vực vẫn còn thấp.
Điều đó làm cản trở quá trình mở cửa trở lại và các hoạt động kinh tế. Giới chức của nhiều quốc gia phải tái áp dụng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt do số trường hợp tử vong tăng mạnh.
Cản trở quá trình phục hồi
Theo dữ liệu của Bloomberg, Đông Nam Á đã đạt được nhiều tiến bộ trong tiêm chủng. Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn bị tụt hậu.
Hiện, chỉ 35% dân số Philippines được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ ở Indonesia là 37%. Omicron đang lây lan mạnh tại Nam Phi - nơi tỷ lệ tiêm chủng khoảng 25%.
"Sự xuất hiện của biến thể virus mới có thể khiến triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn của khu vực ASEAN trở nên tồi tệ hơn", ông Zhikai Chen- Trưởng bộ phận Cổ phiếu châu Á tại BNP Paribas Asset Management (có trụ sở tại Hong Kong) - cảnh báo.
Nền kinh tế khu vực cũng có thể bị ảnh hưởng khi kinh tế toàn cầu giảm tốc tăng trưởng vì biến thể mới. "Biến thể virus mới sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong quý IV/2021. Tác động có thể lớn hơn nữa nếu các chính phủ trên thế giới siết chặt hạn chế để ngăn ngừa virus lây lan", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) bình luận với Zing.
Sự xuất hiện của biến thể virus mới có thể khiến triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn của khu vực ASEAN trở nên tồi tệ hơn
- Ông Zhikai Chen, Trưởng bộ phận Cổ phiếu châu Á tại BNP Paribas Asset Management (có trụ sở tại Hong Kong)
"Nếu biến thể virus mới kháng vaccine ngừa Covid-19 mạnh hơn, quá trình phục hồi của nền kinh tế sẽ bị trì hoãn lâu hơn nữa", chuyên gia Erlam cảnh báo.
Tuy nhiên, theo ông, rất khó để dự đoán mức độ ảnh hưởng của biến thể virus mới đối với nền kinh tế cho tới khi có nhiều thông tin hơn.
Oxford Economics hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm 2021 từ 4,5% xuống còn 4,2%. Nói với Zing, chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) cho rằng biến thể Omicron "sẽ làm trầm trọng thêm quá trình phục hồi thiếu đồng đều của nền kinh tế toàn cầu".
"Những hạn chế được áp đặt để ngăn virus lan rộng gây ra thiệt hại lớn đối với nền kinh tế", ông Neal Shearing - nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics - nhận định.
"Câu hỏi đặt ra là các chính phủ sẽ phản ứng như thế nào khi biến thể virus mới lan rộng", ông nói thêm.
Tuy nhiên, theo ông Joshua Crabb - Giám đốc Danh mục đầu tư cấp cao tại Robeco, một khi những thông tin liên quan đến biến thể mới trở nên rõ ràng hơn, thị trường có thể phục hồi nhanh chóng.