Những điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính Tập đoàn Bắc Hà của ông Khúc Đình Thêm

06/12/2021 09:39

Trong giai đoạn 2017 – 2019, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Bắc Hà đã tăng hơn 11 lần, đưa hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm từ 20 lần xuống chỉ còn hơn 2 lần.

Những điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính Tập đoàn Bắc Hà của ông Khúc Đình Thiêm

Tập đoàn Bắc Hà là ai?

Công ty Cổ phần Tập đoàn Bắc Hà (gọi tắt là Tập đoàn Bắc Hà) được thành lập vào tháng 7/2005, có địa chỉ tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, là một trong những “ông lớn” của thị trường bất động sản Thủ đô với các dự án tiêu biểu như: Bắc Hà Trung Văn (C14 - Bộ Công an), cụm chung cư C51 - C44 (6th Element)…

Tuy nhiên, Bắc Hà cũng là một đơn vị khá “tai tiếng” khi trong nhiều năm “om” quỹ bảo trì với giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng tại các dự án trên. Phải đến tận năm 2021, khi Thanh tra Bộ Xây dựng vào cuộc, Bắc Hà mới hoàn tất đóng quỹ bảo trì, dù cho lợi nhuận thu về hàng năm của công ty này là không hề nhỏ.

Tập đoàn Bắc Hà có thể nói là cơ nghiệp riêng của ông Khúc Đình Thêm. Vị doanh nhân sinh năm 1970, thường trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội, luôn nắm đại đa số cổ phần của công ty, giữ chức chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật trong nhiều năm liền.

Lấy thời điểm tháng 6/2016 làm mốc, lùi về trước đó, Tập đoàn Bắc Hà có vốn điều lệ 60 tỷ đồng, ông Khúc Đình Thêm nắm 93,33%. Non 7% còn lại chia cho: Khúc Thu Dậu 5% và Vũ Thị Khánh Vân 1,67%, trong khi Nguyễn Thị Ánh và Đào Đình Huyên thoái vốn.

Sau tháng 6/2016, hai cổ đông Vũ Thị Khánh Vân và Khúc Thị Dậu đều giảm tỷ lệ sở hữu xuống 0,1% trong khi ông Khúc Đình Thêm vững vàng với tỷ lệ sở hữu không đổi, dù lúc này, vốn điều lệ của công ty đã được bơm lên 260 tỷ đồng.

Năm 2019, bà Khúc Thị Dậu (sinh năm 1957, thường trú phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP. Hà Nội) nhường ghế giám đốc cho ông Nguyễn Thanh Hiếu (sinh năm 1974, thường trú phường Đức Giang, quận Long Biên, TP. Hà Nội). Hai năm sau đó, ông Hiếu được ghi nhận là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Làm ăn như Tập đoàn Bắc Hà

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy trong giai đoạn 2017 – 2019, Tập đoàn Bắc Hà làm ăn khá tốt. Doanh thu thuần năm 2017 là 341 tỷ đồng, năm 2018 giảm xuống còn 77 tỷ đồng nhưng năm 2019 tăng đột biến tới 2.321 tỷ đồng. Như vậy, tính chung 3 năm, doanh thu đã tăng gần 7 lần.

Lợi nhuận gộp cũng vì thế mà tăng trưởng theo, lần lượt các năm là 21 tỷ đồng, 27 tỷ đồng và 812 tỷ đồng, tính chung 3 năm tăng 39 lần.

Chi phí sản xuất kinh doanh của Bắc Hà khá thấp. Duy năm 2019, chi phí bán hàng tăng mạnh lên 305 tỷ đồng. Dù vậy, lãi trước thuế của công ty năm 2019 vẫn đạt tới 472 tỷ đồng, tăng rất mạnh so với các năm trước đó (4,5 tỷ đồng năm 2017, 12 tỷ đồng năm 2018).

Kết quả kinh doanh khá tốt đưa đến dòng tiền kinh doanh dồi dào, dương liên tục qua các năm: 39 tỷ đồng (2017), 297 tỷ đồng (2018) và 657 tỷ đồng (2019). Đây là cơ sở để Bắc Hà mạnh tay chi đầu tư mà không lo ngại làm sụt giảm lượng tiền và tương đương tiền.

Thực tế, tiền và tương đương tiền của Bắc Hà khá dồi dào, năm 2017 là 65 tỷ đồng, năm 2018 là 313 tỷ đồng, năm 2019 là 283 tỷ đồng. Đó là chưa kể, công ty còn các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, đạt 35 tỷ đồng năm 2018 và 493 tỷ đồng năm 2019.

Giai đoạn 2017 – 2019, quy mô tổng tài sản của Tập đoàn Bắc Hà tăng khá mạnh, từ 1.474 tỷ đồng lên 2.387 tỷ đồng rồi 2.580 tỷ đồng. Chiếm đa phần là tài sản ngắn hạn, tập trung nhiều nhất ở hàng tồn kho, tăng từ 988 tỷ đồng lên 1.288 tỷ đồng rồi 1.348 tỷ đồng. Như vậy, hàng tồn kho chiếm tới 67% tổng tài sản năm 2017, sau giảm xuống 54% năm 2018 rồi còn 52% năm 2019.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của Tập đoàn Bắc Hà lên xuống trong cùng giai đoạn nêu trên, từ 1.403 tỷ đồng lên 1.968 tỷ đồng rồi xuống 1,785 tỷ đồng. Điều đáng chú ý trong cơ cấu nợ là công ty không có khoản vay ngắn hạn, trong khi khoản vay dài hạn cũng không quá lớn và giảm qua các năm, từ 322 tỷ đồng (2017) xuống 105 tỷ đồng (2019).

Sở dĩ Bắc Hà không phụ thuộc vào vốn vay là vì công ty đã miệt mài tăng vốn chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu đã tăng mạnh từ 71 tỷ đồng năm 2017 lên 795 tỷ đồng năm 2019, tức tăng gấp 11 lần.

Chính điều này đã làm giảm đáng kể hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu, từ gần 20 lần năm 2017 xuống chỉ còn 2,2 lần năm 2019 – một mức khá an toàn đối với các doanh nghiệp địa ốc.

Nhìn chung, bức tranh tài chính của Tập đoàn Bắc Hà khá tươi sáng. Điểm quan ngại có lẽ là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn “trắng” qua các năm, dù bù lại, khoản người mua trả tiền trước dài hạn khá lớn.

Bạn đang đọc bài viết "Những điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính Tập đoàn Bắc Hà của ông Khúc Đình Thêm" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).