Dầu giảm do số ca nhiễm virus Covid-19 ở Trung Quốc tăng
Giá dầu giảm trong phiên giao dịch cuối tuần do tồn trữ dầu thô của Mỹ tăng và lo ngại nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc sẽ sụt giảm do những biện pháp mới để ngăn chặn sự tái bùng phát dịch Covid-19.
Kết thúc phiên này, dầu Brent giảm 69 US cent xuống 55,41 USD/thùng, tính chung cả tuần giá giảm nhẹ 0,4%; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 86 US cent, tương đương 1,6%, kết thúc phiên ở 52,27 USD/thùng, cũng chỉ thay đổi nhẹ so với giá đầu tuần.
Tổng tồn trữ dầu thô của Mỹ tuần vừa qua tăng vọt 4,4 triệu thùng, vượt xa mức dự đoán là 1,2 triệu thùng.
Trong khi đó, các công ty năng lượng của Mỹ đã 9 tuần liên tiếp bổ sung thêm các giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên trong bối cảnh giá năng lượng mấy tháng qua tăng lên, mặc dù tổng số giàn khoan hiện vẫn thấp hơn 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát, giao thông đi lại ở nhiều thị trường tiêu thụ dầu trọng điểm trên thế giới đang giảm trở lại.
Khí đốt giảm
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại Châu Á tuần này giảm vì thời tiết sắp tới sẽ ấm lên.
Giá LNG thanh toán ngay trong tuần này tại Đông Bắc Á, kỳ hạn giao tháng 3/2021, khoảng 8,9 USD/mmBtu, thấp hơn so với khoảng giá 8 – 14 USD/mmBtu của tuần trước. Hợp đồng kỳ hạn tháng 3 có giá rẻ bằng một nửa so với kỳ hạn tháng 2; kỳ hạn tháng 4 giá còn thấp hơn nữa, chỉ dưới 7 USD/mmBtu.
Tuần trước, hợp đồng kỳ hạn tháng 2 là 29 USD/mmBtu, còn tuần trước nữa là 32,5 USD.
Công ty tư vấn Timera Energy cho biết, thị trường đã qua giai đoạn "nóng nhất" – lúc nguồn cung ở Châu Á bị gián đoạn gây thiếu hụt nghiêm trọng khí đốt, giữa lúc giá thuê tàu giao ngay tăng gấp 6 lần chỉ trong vòng vài tháng, lên 350.000 USD/ngày.
Vàng giảm do USD mạnh lên
Giá vàng giảm hơn 1% trong phiên vừa qua do hoạt động bán tháo mạnh mẽ sau khi USD mạnh lên. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá vẫn tăng bởi kỳ vọng vào những chương trình kích thích mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ Mỹ.
Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.855,23 USD/ounce, lùi xa dần mức cao nhất 2 tuần đạt được ở phiên liền trước. Tính chung cả tuần, giá vàng giao ngay vẫn tăng 1,5%.
Vàng kỳ hạn tháng 2/2021 phiên vừa qua cũng giảm 0,5% xuống 1.856,20 USD/ounce.
Đồng giảm do Covid-19 tái bùng phát ở Trung Quốc
Giá đồng trong phiên vừa qua giảm một phần do chịu ảnh hưởng từ các thị trường chứng khoán và dầu mỏ, một phần nữa bởi thông tin số ca nhiễm virus Covid-19 ở Trung Quốc đang tăng nhanh.
Giá đồng trên sàn LME giảm 0,2% xuống 8.005 USD/tấn về cuối phiên, trước đó có lúc xuống chỉ 7.864,5 USD. Ngày 8/1, kim loại này đạt mức cao nhất 8 năm, là 8.238 USD/tấn.
Tuy nhiên, đà giảm được hạn chế bởi thông tin hoạt động ở các nhà máy Mỹ tháng 1/2021 đạt mức cao nhất gần 14 năm.
Nhà phân tích Ole Hansen của Saxo Bank cho biết, giá hàng hóa đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua và đã đến lúc phải có sự điều chỉnh.
Đậu tương và ngô giảm mạnh
Giá đậu tương Mỹ phiên vừa qua giảm hơn 4%, giá ngô cũng đi xuống sau khi các khu vực trồng trọt chính ở Nam Mỹ đã có mưa, làm giảm bớt tình trạng khô hạn.
Kết thúc phiên này, đậu tương hợp đồng tham chiếu trên sàn Chicago giảm 58-1/2 US cent xuống 13,11-3/4 USD/bushel, mức giảm trong 1 ngày nhiều nhất kể từ 10/8/2018.
Ngô phiên này cũng giảm 23-3/4 US cent xuống 5,00-1/2 USD/bushel, mức giảm nhiều nhất kể từ 12/8/2019.
Đường thấp nhất 1 tuần
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 trong phiên vừa qua giảm 1% xuống 15,87 US cent/lb, sau khi có lúc chỉ 15,80 USD – thấp nhất trong vòng 1 tuần. Đường trắng cũng giảm 5,5 USD xuống 444,8 USD/tấn.
Các nhà kinh doanh đường cho biết, hoạt động bán tháo vẫn đang diễn ra, và giá đường có vẻ như khó hồi phục khi mà các quỹ hàng hóa tập trung điều chỉnh danh mục đầu tư trước khi giá điều chỉnh quá sâu.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 giảm 2,4 US cent, tương đương 1,9%, xuống 1,2405 USD/lb; robusta giao cùng kỳ hạn vững ở 1.323 USD/tấn.
Các nhà kinh doanh cà phê cho biết điều kiện thời tiết ở những nước sản xuất chủ chốt đang được cải thiện, có lợi cho sự phát triển của cây cà phê, trong khi nhu cầu dự báo sẽ còn mất nhiều thời gian nữa mới có thể hồi phục.
Cao su giảm
Giá cao su giảm trong phiên vừa qua do lo ngại nhu cầu của Trung Quốc sẽ chậm lại vì Covid-19 đang bùng phát mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
Kết thúc tuần, cao su giao tháng 6 trên sàn Osaka giảm 3,9 JPY (1,6%) xuống 238 JPY (2,3 USD)/kg; tính chung cả tuần giá giảm 2,1%.
Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 5/2021 giảm 405 CNY (2,7%) xuống 14.380 CNY (2.221 USD)/tấn; trong tuần có lúc giá xuống chỉ 14.320 CNY/tấn.
Trên sàn Singapore, giá cao su giảm 1,6% trong phiên này, xuống 155,9 US cent/kg.
Lượng cao su lưu kho trên sàn Thượng Hải đã tăng 0,5% trong tuần qua.
Bắc Kinh đang tiến hành xét nghiệm trên diện rộng Covid-19 ở một số khu vực, và Thượng Hải cũng có động thái tương tự, đồng thời lên kế hoạch tất cả các nhân viên y tế đều ở lại bệnh viện để "trực chiến" do Tết Nguyên đán đang tới, mọi người đều trở về nhà để sum họp, sự di chuyển đông đúc có thể khiến dịch Covid-19 bùng phát mạnh hơn nữa.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 23/1