Trong khi đó, giá gạo Thái Lan chạm mức cao nhất kể từ tháng 7/2021 do đồng baht tăng giá.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã giao dịch ở mức 375-382 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 6/2021, tăng so với mức 367-375 USD/tấn trong tuần trước.
Giá gạo Ấn Độ tăng lên mức cao của 7 tháng. Ảnh: AFP/TTXVN
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh cho biết không có sẵn toa xe lửa để chở hàng, các lái buôn phải sử dụng xe tải, dẫn đến chi phí vận chuyển cao gần gấp hai lần.
Khoảng 30% gạo Ấn Độ chưa được xuất đi trong tháng này do thiếu tàu chở hàng. Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức cho hay hầu hết các nhà giao dịch đã ngừng ký kết hợp đồng xuất khẩu mới trong tháng 2/2022 để tránh các khoản phí lưu bãi.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 407-410 USD/tấn, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2021, so với mức 404-405 USD/tấn trong tuần trước.
Các nhà giao dịch tại Bangkok cho hay đồng baht tăng giá so với đồng USD khiến giá gạo tăng theo, và giá gạo dự kiến sẽ “neo” ở các mức này trong một khoảng thời gian do nhu cầu nước ngoài giảm sút.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 395-405 USD/tấn, không đổi so với tuần trước đó.
Một nhà giao dịch tại thành phố Hồ Chí Minh cho hay thị trường khá trầm lắng và dự kiến sẽ duy trì như vậy cho đến sau Tết Nguyên Đán. Bên cạnh đó, nguồn cung trong nước sẽ vẫn ở mức thấp cho đến vụ thu hoạch vào đầu tháng tới.
Các thương nhân dự báo giá gạo xuất khẩu sẽ vẫn ở mức cao trong năm nay do giá lúa mỳ và ngô tăng mạnh, đồng thời cho biết Philippines sẽ tiếp tục là khách hàng mua lớn nhất của Việt Nam trong năm 2022.
Bangladesh đã bắt đầu bán gạo giảm giá để giúp đỡ những người nghèo bị ảnh hưởng bởi giá hàng hóa tăng vọt trong giai đoạn dịch bệnh và tăng cường nhập khẩu, giữa lúc nước này nỗ lực trồng nhiều lúa gạo hơn.
* Thị trường nông sản Mỹ:
Giá các mặt hàng nông sản tại Mỹ biến động trái chiều trong phiên cuối tuần 21/1. Giá ngô tăng, trong khi giá lúa mì và đậu tương giảm.
Chốt phiên này, tại sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) của Mỹ, giá ngô giao tháng 3/2022 tăng 5,25 xu Mỹ (0,86%) lên 6,1625 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn hạ 10,25 xu Mỹ (1,3%) xuống 7,8 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 3/2022 giảm 11,5 xu Mỹ (0,81%), xuống 14,1425 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá ngô đã tăng lên mức cao nhất vào đầu tháng 1/2022, ở mức 6,17 USD/bushel nhờ mức giá cạnh tranh. Giá ngô trên sàn CBOT giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng và nhu cầu ngô Mỹ dự kiến cũng tăng lên.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo trong tuần kết thúc vào ngày 13/1, Mỹ đã xuất khẩu 14 triệu bushel lúa mỳ, 43 triệu bushel ngô và 24,7 triệu bushel đậu nành. Đối với vụ trồng trọt cho đến nay, Mỹ đã bán được 607 triệu bushel lúa mỳ, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái, đậu tương (1,584 triệu bushel, giảm 25%) và ngô (1,675 triệu bushel, giảm 9%).
Đậu tương của Mỹ đang trở nên cạnh tranh trở lại trong thời gian từ tháng 7-8/2021, do Trung Quốc được cho là đang tích cực đảm bảo nhu cầu nhập khẩu trong tháng Tám.
USDA thông báo đã bán 132.000 tấn đậu tương Mỹ cho Trung Quốc và 247.800 tấn ngô cho một điểm giấu tên.
Một cánh đồng lúa mì ở gần Tioga, bang Bắc Dakota, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Công ty nghiên cứu AgResource tại Chicago cho biết có nguồn tin từ Geneva, Thụy Sỹ cho hay Mỹ và Nga sẽ tiếp tục đối thoại về vấn đề Ukraine.
* Thị trường cà phê thế giới:
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh tăng. Giá cà phê Robusta giao tháng 3/2022 tăng 2 USD, lên 2.227 USD/tấn và giá giao tháng 5/2022 tăng 1 USD, lên 2.2192 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều giảm. Giá cà phê Arabica giao tháng 3/2022 giảm 0,8 xu Mỹ xuống 243,65 xu Mỹ/lb và giá giao tháng 5/2022 giảm 0,65 xu Mỹ xuống còn 243,80 xu Mỹ/lb (1lb=0,4535 kg). Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên không thay đổi, vẫn dao dộng ở mức 39.700-40.200 đồng/kg.
Thị trường hàng hóa thế giới chịu sự tác động mạnh khi Trung Quốc công bố cắt giảm lãi suất cơ bản. Điều này đã khiến giá cả các loại hàng hóa nói chung trở nên đắt đỏ và thị trường bị giảm sức mua do Trung Quốc là nhà tiêu thụ số một thế giới.
Tuy cùng xu hướng giảm ngay từ đầu phiên, nhưng giá cà phê Robusta tại London đã có sự hồi phục nhẹ vào cuối phiên nhằm thu hút nguồn cung vụ mới của Việt Nam./.