Trụ sở Fed ở Washington DC - Ảnh: Bloomberg.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày vào ngày thứ Tư (14/12). Bước nhảy lãi suất này phản ánh rằng Fed đang giảm bớt sự cứng rắn trong lập trường chính sách tiền tệ, trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới dịu đi.
Những dù mức tăng 0,5 điểm phần trăm là một sự mềm mỏng đáng kể so với 4 lần liên tiếp Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm vừa qua, giới tài chính cho rằng giờ vẫn chưa phải là lúc để ăn mừng. Bước nhảy 0,5 điểm phần trăm vẫn lớn gấp đôi mức tăng lãi suất “tiêu chuẩn” của Fed là 0,25 điểm phần trăm, và sẽ đưa lãi suất quỹ liên bang (fed fund rates) lên mức 4,25-4,5%, cao nhất kể từ năm 2007.
Tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell xác nhận rằng Fed có thể sắp giảm tốc độ tăng lãi suất. “Thời điểm để giảm tốc độ tăng lãi suất có thể là ngay cuộc họp tháng 12”, ông Powell nói.
Triển vọng này được củng cố khi báo cáo lạm phát công bố ngày 13/12 cho thấy giá cả tiêu dùng ở Mỹ tăng chậm lại nhiều hơn so với dự báo. Bản báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, các chuyên gia kinh tế được khảo sát bởi Dow Jones dự báo mức tăng tháng 0,3% và mức tăng năm 7,3%.
Không tính giá hai nhóm mặt hàng có mức độ biến động lớn là giá lương thực-thực phẩm và giá năng lượng, chỉ số CPI lõi tăng 0,2% trong tháng và tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đều ít hơn mức dự báo tương ứng là tăng 0,3% và 6,1%.
“Chúng tôi dự báo Chủ tịch Fed Powell khẳng định sự cần thiết phải giữ chính sách tiền tệ ở trạng thái thắt chặt trong một khoảng thời gian nhất định để đưa lạm phát giảm về ngưỡng mục tiêu 2%”.
Chuyên gia kinh tế trưởng Gregory Daco của EY-Parthenon
Mức lạm phát này vẫn cao gấp hơn 3 lần so với mục tiêu 2% của Fed được cho là sẽ không sớm tụt về mục tiêu, một phần do áp lực tăng lương trong bối cảnh thiếu lao động. Tuy nhiên, Phố Wall dường như đang tin rằng đến một thời điểm nào đó trong năm 2023, Fed sẽ buộc phải dừng tăng lãi suất, thậm chí là phải bắt đầu cắt giảm lãi suất. Các nhà giao dịch đang phản ánh vào giá tài sản khả năng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất trong nửa sau của năm 2023.
Trong một báo cáo mới đây, các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan Chase dự báo đến trước quý 2/2023, Fed sẽ hoàn tất việc nâng lãi suất. “Với lạm phát tiếp tục suy yếu và chính sách tài khóa có khả năng giữ nguyên, Fed có thể sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt trong đầu năm sau và đến cuối năm 2023, lạm phát có thể bắt đầu được khống chế”, báo cáo viết. JPMorgan Chase cũng dự báo Fed sẽ có thêm 2 đợt nâng lãi suất, mỗi đợt tăng 0,25 điểm phần trăm, trong quý 1/2023.
Dù vậy, quãng thời gian bình quân kể từ khi lãi suất Fed đạt đỉnh cho tới khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất là 11 tháng. Điều này có nghĩa là ngay cả khi Fed dừng tăng lãi suất, lãi suất quỹ liên bang vẫn có thể giữ ở mức cao sang năm 2024.
Giới đầu tư đang chờ dự báo mới nhất của Fed về triển vọng kinh tế, dự kiến sẽ được công bố sau khi Fed họp xong vào ngày thứ Tư. Ngoài ra, cuộc họp báo của ông Powell sau cuộc họp cũng được đặc biệt quan tâm.
“Chúng tôi dự báo Chủ tịch Fed Powell khẳng định sự cần thiết phải giữ chính sách tiền tệ ở trạng thái thắt chặt trong một khoảng thời gian nhất định để đưa lạm phát giảm về ngưỡng mục tiêu 2%”, chuyên gia kinh tế trưởng Gregory Daco của EY-Parthenon nhận định với trang CNN Business. “Điều này sẽ đẩy lùi kỳ vọng hiện tại trên thị trường tài chính… Ông Powell sẽ nhấn mạnh rằng lịch sử cho thấy cần phải thận trọng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm”.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.
Năm nay, Fed đã tăng lãi suất 6 lần nhằm “hạ nhiệt” nền kinh tế và kéo lạm phát xuống từ mức đỉnh của hơn 4 thập kỷ là 9,1% thiết lập trong mùa hè. Việc lạm phát giảm xuống gần đây là một tín hiệu khả quan, nhưng giới chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023. Hồi tháng 11, chính ông Powell cũng nói rằng cơ hội để kinh tế Mỹ tránh được suy thoái là thấp. “Xét tới việc chúng tôi cần phải giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian lâu hơn, điều đó thu hẹp cánh cửa cho một cuộc ‘hạ cánh mềm’” của nền kinh tế - Chủ tịch Fed nói.
Sự thận trọng này là không thừa cho dù đến hiện tại, nền kinh tế Mỹ trụ khá vững trước những đợt tăng lãi suất quyết liệt của Fed. Thị trường việc làm vẫn tăng trưởng đều đặn, tiền lương tăng, người tiêu dùng vẫn chi tiêu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) không tệ, doanh thu và lợi nhuận của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán nhìn chung tốt hơn dự báo…
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh CBS phát sóng hôm Chủ nhật vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen, cũng là người tiền nhiệm của ông Powell tại Fed, nói rằng “nguy cơ suy thoái kinh tế là có”. Nhưng theo quan điểm của bà Yellen, “suy thoái không hẳn là một điều cần thiết để kéo lạm phát xuống”.
Trên phạm vi toàn cầu, Fed không hề “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến chống lạm phát. Fed chỉ là một trong số 9 ngân hàng trung ương được kiến đưa ra quyết định về lãi suất trong tuần này, trong đó có nhiều ngân hàng trung ương được dự báo tiếp tục tăng lãi suất. Không chỉ Fed, cân bằng giữa chống lạm phát và bảo toàn tăng trưởng kinh tế, chống suy thoái, là một nhiệm vụ khó khăn của các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới hiện nay.