Thiên tai dồn dập trong những tháng cuối năm 2022

17/06/2022 09:20

Năm nay, dự báo Tây Bắc Thái Bình Dương có bão mạnh, khả năng dồn vào cuối năm nên sẽ tác động đến nước ta. Mưa liên tục phối hợp không khí lạnh đến sớm, tạo hội tụ gây mưa rất lớn và dồn dập ở miền Trung vào tháng 11.

Bão di chuyển phức tạp

Sáng nay (16/6), Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo phối hợp hướng dẫn khai thác thông tin khí tượng thủy văn và cập nhật nhận định diễn biến thiên tai năm 2022.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, dự báo hiện tượng ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina từ nay đến hết năm 2022 với xác suất 55-65%.

"Đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam chịu ảnh hưởng La Nina - hiện tượng này là ít gặp, thường chu kỳ Enso là 2 năm. Dự báo số lượng bão sẽ nhiều hơn trung bình và điều chỉnh tăng hơn so với dự báo trước đây", ông Hoàng Phúc Lâm lưu ý.

Theo dự báo, từ nay đến hết năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 4 - 6 cơn, ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (trung bình nhiều năm một năm khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp khoảng từ 5 - 7 cơn). Đề phòng xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp, dồn dập trong các tháng cuối năm 2022.

Thiên tai dồn dập trong những tháng cuối năm 2022 - Ảnh 1 Dự báo mưa liên tục phối hợp không khí lạnh đến sớm, tạo hội tụ gây mưa rất lớn và dồn dập ở miền Trung vào tháng 11. (Ảnh: Vietnamnet)

Cảnh báo về lượng mưa, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong tháng 7 tổng lượng mưa tại Bắc Bộ phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 20% với xác suất khoảng 60 - 70%.Trong tháng 8-9, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 10% với xác suất khoảng 60%. Tháng 10, tổng lượng mưa ở Bắc Bộ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 25% với xác suất khoảng 60%, riêng khu vực Tây Bắc có lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 5 - 15% với xác suất 65%.

"Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021. Không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm và nền nhiệt các tháng đầu mùa Đông ở các tỉnh miền Bắc có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nhiệt độ mùa đông năm nay có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm", ông Hoàng Phúc Lâm dự báo.

Mưa lũ xuất hiện sớm ở Bắc Bộ

Đề cập đến tình hình mưa lũ, Phó Giám đốc Hoàng Phúc Lâm cho rằng, mùa mưa lũ năm 2022 tại Bắc Bộ xuất hiện sớm hơn năm 2021, mực nước đỉnh lũ trên các sông suối thuộc lưu vực sông khu vực sông Hồng phổ biến ở mức báo động 1-báo động 2, cao hơn năm 2021. Đỉnh lũ năm đến các hồ chứa trên lưu vực sông Đà, sông Gâm và sông Chảy phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2021. Đỉnh lũ năm trên các lưu vực sông có khả năng xuất hiện đúng thời kỳ trung bình nhiều năm vào cuối tháng 7 đến giữa tháng 8.

Nhận định về tình hình mưa bão năm 2022, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, năm nay không khí lạnh đến sớm, hoạt động bão nhiều hơn, kết hợp với nhau thì ảnh hưởng nặng hơn tạo hình thế gây mưa.

“Trạng thái La Nina liên tục từ 2020 đến nay, những pha lạnh như vậy khiến xác suất mưa liên tục cao, đặc biệt Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Năm nay dự báo Tây Bắc Thái Bình Dương có bão mạnh, khả năng dồn vào cuối năm nên sẽ tác động đến nước ta. Mưa liên tục phối hợp không khí lạnh đến sớm, tạo hội tụ gây mưa rất lớn và dồn dập ở miền Trung vào tháng 11”, ông Mai Văn Khiêm thông tin.

"Cần đặc biệt chú ý đến tình hình mưa lũ ở miền Trung vào khoảng thời gian từ tháng 10 – 11/2022. Thời điểm này, theo số liệu dự báo, khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng gia tăng lượng mưa khiến chúng tôi rất lo ngại về nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập như năm 2020. Ngoài ra, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc", ông Mai Văn Khiêm nói.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, để nâng cao chất lượng dự báo mưa sẽ cần hai giải pháp chính. Một là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo mưa lớn với tận dụng tối đa các thông tin dữ liệu của ra đa thời tiết, vệ tinh khí tượng nhằm nâng cao chất lượng dự báo mưa lớn theo hướng định lượng, chi tiết. Hai là, trong ứng phó thường xuyên cập nhật thông tin, sử dụng bản tin dài hạn để chuẩn bị, dự lệnh cho các hành động và sử dụng các bản tin ngắn hạn để hành động nhanh, kịp thời với diễn biến của mưa lớn gây lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Từ ngày 17/6, Bắc Bộ bắt đầu đợt nắng nóng mới

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, dự báo ngày mai (17/6), khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Hòa Bình cục bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-36 độ C. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi hơn 38 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 50-65%. Thời gian có nhiệt độ hơn 35 độ C từ 13-17 giờ.

Cảnh báo, cường độ nắng nóng ở khu vực Trung Bộ trong 2-4 ngày tới có xu hướng gia tăng. Từ ngày 18-20/6, nắng nóng có xu hướng mở rộng ra khu vực khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ, Sơn La và Hòa Bình.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở khu vực Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Bạn đang đọc bài viết "Thiên tai dồn dập trong những tháng cuối năm 2022" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).