Thiếu minh bạch về việc sử dụng dòng vốn huy động từ trái phiếu

23/02/2023 16:07

Tình trạng chậm trả nợ gốc và lãi trái phiếu của doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp diễn bởi khối lượng trái phiếu đáo hạn trong năm nay là rất lớn và hiệu quả sử dụng vốn lại không như kỳ vọng.

trai-phieu-1677138803.jpegTình trạng chậm thanh toán trái phiếu đang diễn ra trên diện rộng trong đó doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ lệ cao. Ảnh: Gia Miêu

Thiếu minh bạch thông tin sử dụng vốn trái phiếu

Vấn đề lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp huy động vốn bằng trái phiếu, đặc biệt với doanh nghiệp bất động sản đó là hiệu quả quay vòng tài sản của những doanh nghiệp này không đạt được kỳ vọng và diễn ra trong một thời gian dài, dẫn đến suy giảm hiệu quả hoạt động, gây áp lực lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như dòng tiền, cuối cùng là khả năng trả nợ của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Đơn cử như trường hợp của Công ty Danh Việt (một công ty con của Hưng Vượng Developer) trong năm 2020 cũng phát hành 1.500 tỉ đồng từ kênh trái phiếu với mục đích bổ sung vốn thực hiện dự án Khu du lịch biển cao cấp Lạc Việt. Thế nhưng 3 năm nay dự án này vẫn đang trong giai đoạn triển khai thực hiện thi công xây dựng cơ sở hạ tầng. Cũng trong năm 2020, dữ liệu tài chính cho thấy nhiều giao dịch về dòng tiền của Danh Việt ghi nhận phát sinh đột biến.

Như Lao Động đã đề cập, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt (Công ty Danh Việt, là công ty con của Hưng Vượng Developer) là chủ đầu tư dự án “Khu du lịch biển cao cấp Lạc Việt” (Dự án Lạc Việt – tên thương mại là Dự án Venezia Beach) tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Vào ngày 21.8.2020, Công ty Danh Việt  đã huy động thành công 1.500 tỉ đồng từ kênh trái phiếu với kỳ hạn 48 tháng. Mục đích phát hành là bổ sung vốn thực hiện dự án “Khu du lịch biển cao cấp Lạc Việt”. Được biết, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM là đơn vị đã đứng ra mua toàn bộ số lượng trái phiếu do Công ty Danh Việt phát hành. Tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu này là toàn bộ tài sản, quyền tài sản, và các quyền, lợi ích hiện hữu và phát sinh trong tương lai từ việc đầu tư, phát triển, khai thác, tiêu thụ sản phầm tại Dự án Lạc Việt, thuộc sở hữu của Công ty Danh Việt; Toàn bộ cổ phần (tổi thiểu 105,3 triệu CP) của Công ty Danh Việt.

Bước sang năm 2021, Công ty Danh Việt đã chi gần 300 tỉ đồng để mua 3.000 trái phiếu do Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Đông Dương phát hành. Đến cuối năm 2021, tài sản dang dở dài hạn tại Công ty Danh Việt tăng lên gần 2.005 tỉ đồng, tăng gần 500 tỉ đồng so với 1 năm trước đó (năm 2020). Bao gồm, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn 1.840 tỉ đồng và chi phí xây dựng cơ bản dở dang 164 tỉ đồng. Nâng số tiền công ty Danh Việt rót vào xây dựng dự án Lạc Việt từ năm 2019 – 20201 lên khoảng 924 tỉ đồng.

huy-dong-1500-ti-trai-phieu-bo-sung-von-cho-du-an-lac-viet-nhung-cho-den-nay-van-chua-the-trien-khai-dung-tien-do-1677138873.jpeg
Huy động 1.500 tỉ trái phiếu bổ sung vốn cho dự án Lạc Việt nhưng cho đến nay vẫn chưa thể triển khai đúng tiến độ. Ảnh: Anh Dũng 

Thế nhưng, sau 4 năm khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật, 2 năm kể từ thời điểm nhận thêm 1.500 tỉ đồng từ kênh trái phiếu với mục đích bổ sung vốn thực hiện dự án, thì đến cuối năm 2022, báo cáo tài chính quý 4/2022 của Công ty Cổ phần in Sách Giáo khoa Hòa Phát (HTP) cho thấy, dự án Lạc Việt vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện thi công xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, theo tiến độ, dự án Lạc Việt sẽ được đưa vào hoạt động toàn bộ vào quý 4/2021.

Điều này đặt ra cho những trái chủ của công ty Danh Việt một câu hỏi đó là hơn 1.500 tỉ đồng huy động từ trái phiếu đã thật sự chảy về đâu?

Những hệ luỵ khó lường

Khi dòng vốn huy động từ trái phiếu đã được các chủ đầu tư sử dụng không hiệu quả thì một kết cục tất yếu đó là chỉ trong một thời gian ngắn, không ít doanh nghiệp thông báo mất khả năng thanh toán các lô trái phiếu và đề nghị được hoãn, giãn nợ.

Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp xin khất nợ có chung một lý do là tín dụng bị thắt chặt, tình hình sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, lãi suất tăng cao, thị trường cổ phiếu và trái phiếu không tích cực, chủ đầu tư không thu xếp kịp nguồn để thanh toán cho doanh nghiệp khiến nguồn tiền bị ảnh hưởng trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất là doanh nghiệp ngành bất động sản.

Việc các doanh nghiệp bắt đầu rơi vào tình trạng chậm trả lãi và gốc trái phiếu trên thực tế đã được dự đoán từ cách đây vài tháng. Trong báo cáo thị trường trái phiếu công bố tháng 8.2022 của Fiin Group, đơn vị này đã nhấn mạnh tới bối cảnh nhiều “sóng gió” của ngành bất động sản, làm cho một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ vay.

Phần lớn tổ chức phát hành trái phiếu trong 2 - 3 năm trước là doanh nghiệp chưa niêm yết, bao gồm công ty dự án có sức khỏe tài chính yếu, chưa có lịch sử kinh doanh và dòng tiền ổn định, nên hồ sơ tín dụng chưa được tốt, hoặc chưa đáp ứng tiêu chí vay tín dụng ngân hàng... Tới thời điểm hiện tại, khi hoạt động phát hành trái phiếu mới gặp khó khăn, tín dụng “tắc” đầu ra, hoạt động kinh doanh đình trệ, doanh nghiệp không có dòng tiền để trả cho trái chủ.

Tình trạng chậm trả nợ gốc và lãi trái phiếu của doanh nghiệp sẽ tiếp diễn, bởi khối lượng trái phiếu đáo hạn trong năm nay là rất lớn. Dù nhiều doanh nghiệp nỗ lực bán tài sản để thanh toán nợ cho trái chủ, song với tình hình thị trường bất động sản hiện nay, việc bán tài sản cũng không dễ. Một số doanh nghiệp đàm phán với các trái chủ để gia hạn, nhưng phương án này gặp khó khăn bởi trái chủ là số đông, đòi hỏi phải có sự đồng thuận. Ngoài ra, không có cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc đồng thuận của số đông áp dụng cho tất cả.

Bạn đang đọc bài viết "Thiếu minh bạch về việc sử dụng dòng vốn huy động từ trái phiếu" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).